Online Friday 2019 có mặt trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Sendo, Voso… Bên cạnh đó, sự kiện còn thu hút sự tham gia của doanh nghiệp sản xuất và nhà phân phối hàng chính hãng triển khai.
Những sản phẩm chủ yếu có mặt trong chương trình lần này bao gồm nhu yếu phẩm phục vụ Tết, đồ gia dụng, công nghệ, mỹ phẩm và thời trang.
Thống kê đơn hàng từ 50 doanh nghiệp tham gia chương trình, số lượng đơn hàng ước tính trên 1,1 triệu đơn hàng thành công. BTC ước tính số lượng đơn hàng toàn thị trường đạt trên 3 triệu đơn hàng, tăng 67% so với năm 2018.
Tối ngày 5/12 đồng thời tại 3 đầu điểm Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Ngày Mua sắm trực tuyến - Online Friday 2019 đã được kích hoạt với hơn 50.000 sản phẩm chính hãng đến từ 1.000 thương hiệu với mức giảm lên tới 70%.
Theo công bố của Ban tổ chức chương trình, năm 2019 sẽ là năm mở đầu cho hoạt động thường xuyên của Bộ Công Thương đem đến cho khách hàng, người tiêu dùng trên toàn quốc những chương trình chỉ có hàng chính hãng Every Friday sẽ diễn ra bắt đầu từ ngày 6/12 trên hệ thống website www.onlinefriday.vn và app Online Friday (iOS và Android).
Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định “TMĐT, mua sắm trực tuyến đang trở thành kênh thương mại ngày càng hiện đại, có điều kiện phát triển đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của NTD Việt Nam, đồng thời cũng góp phần để các DN, nhà đầu tư, nhà sản xuất có điều kiện tương tác tốt hơn với người tiêu dùng, cắt giảm chi phí…”.
Ngày Mua sắm Trực tuyến diễn ra vào Thứ sáu tuần đầu tiên của tháng 12 tại Việt Nam được mô phỏng theo chương trình Black Friday tại Mỹ. Tuy nhiên, khác với việc mua sắm trực tiếp tại cửa hàng ở Mỹ, sự kiện Online Friday tại nước ta là nhằm kích cầu mua sắm trực tuyến.
Liên tiếp 5 lần tổ chức trong 5 năm vừa qua, Ngày Mua sắm Trực tuyến Online Friday đã đem lại lượng giao dịch trực tuyến tăng đều qua từng năm. Chưa kể, mua sắm trực tuyến tại các sàn thương mại điện tử hoặc các cửa hàng giới thiệu sản phẩm trên trang web onlinefriday.vn cũng là một cách để góp phần phát triển bền vững ngành thương mại điện tử ở nước ta; giảm bớt sự cạnh tranh của các nền tảng cho phép bán hàng, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương cho biết: Việc cải thiện chất lượng hàng hóa là việc hàng đầu, đồng thời phải đảm bảo được hàng là hàng chính hiệu. Đây là một trong những vấn đề rất quan trọng để tạo lòng tin cậy của người tiêu dùng.
“Mục tiêu mà chúng tôi cho là tối quan trọng là phát triển hàng Việt. Ở đây chúng tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ cùng nhau phát triển hàng Việt, sẽ có những gian hàng Việt mà tập trung những hàng Việt có chất lượng cao, có xuất xứ rõ ràng và có tính cạnh tranh cao, tăng sức hấp dẫn cho hàng hóa Việt Nam mà không những bán cho nội địa mà còn bán cho toàn thế giới”, ông Hải nhấn mạnh.
Bảo My (T.H)/Theo VietQ