Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định về hàng hóa có xuất xứ Việt Nam lưu thông trong nước, với nhiều điểm mới nhằm ngăn chặn gian lận thương mại và bảo vệ thương hiệu quốc gia. Dự thảo mở rộng phạm vi điều chỉnh, cập nhật các khái niệm mới như “hàng hóa không thay đổi xuất xứ”, “C/O giáp lưng”, “vật liệu có thể thay thế”, đồng thời phân định rõ giữa hàng hóa “thuần túy” và “không thuần túy”.
Dự thảo Nghị định về hàng hoá có xuất xứ Việt Nam quy định tiêu chí xác định “hàng sản xuất tại Việt Nam".
Nội dung mới của dự thảo nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực thi các cam kết trong EVFTA, CPTPP... và tăng cường kiểm soát xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan. Đặc biệt, việc quy định rõ về C/O giáp lưng và hàng hóa không thay đổi xuất xứ giúp duy trì chuỗi cung ứng quốc tế mà không phát sinh gian lận thương mại.
Cùng với đó, các chuyên gia đề xuất cần sớm xây dựng tiêu chí xác định “sản xuất tại Việt Nam” theo hướng linh hoạt, có lộ trình rõ ràng và tham vấn rộng rãi các bên liên quan. Đồng thời, ứng dụng chuyển đổi số sẽ là giải pháp hiệu quả trong việc truy xuất nguồn gốc và minh bạch thông tin sản phẩm.
Dự thảo Nghị định về hàng hoá có xuất xứ Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng cường tính minh bạch và nhất quán trong việc xác định xuất xứ hàng hóa.
Việc triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu số, nhãn điện tử (QR code, blockchain) và cấp mã định danh cho hàng hóa đủ điều kiện sẽ giúp giảm thiểu thủ tục hành chính, đồng thời hỗ trợ người tiêu dùng truy cập thông tin chi tiết về nguồn gốc, linh kiện và quy trình sản xuất. Với các ngành có nguy cơ gian lận cao, có thể áp dụng truy xuất đến từng lô hàng nhằm tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin thị trường.