Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Gần 300 cửa hàng kinh doanh xăng dầu ngưng bán hàng

vietq.vn 08:47 24/02/2022

Trên địa bàn cả nước thời gian qua phát hiện gần 300 trường hợp cửa hàng kinh doanh xăng dầu ngưng bán hàng với nhiều lý do khác nhau.

Gần 300 cửa hàng kinh doanh xăng dầu ngừng bán hàng

Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, trong hơn 20 ngày qua, lực lượng QLTT trên toàn quốc đã tiến hành gần 16.000 lượt kiểm tra, giám sát đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn cả nước. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện gần 300 cửa hàng ngưng bán hàng với đủ loại lý do khác nhau.

Theo thống kê, các cửa hàng ngưng bán với các lý do: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hết hạn, đang chờ cấp lại (101 cửa hàng); đã được Sở Công Thương chấp thuận ngừng bán (44 cửa hàng); ngừng bán hàng trái phép (3 cửa hàng); hết xăng, dầu (38 cửa hàng); lý do khác (94 cửa hàng).

Theo đánh giá của Tổng cục Quản lý thị trường, nguyên nhân chủ yếu của việc đóng cửa, tạm ngưng kinh doanh bao gồm: không có đủ nguồn cung xăng dầu từ các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối nên nhiều cửa hàng không còn xăng dầu để bán; nhu cầu hàng hóa tại nhiều nơi trong cùng một địa điểm nên hệ thống xe chuyên chở không kịp phục vụ.

Một cửa hàng tạm ngừng kinh doanh

Bên cạnh đó, nhiều cửa hàng tiến hành sửa chữa hoặc giải thể không kinh doanh có thông báo với cơ quan quản lý nhà nước; không có đủ nhân lực để kinh doanh tại các cửa hàng; ảnh hưởng dịch COVID 19 làm chủ cửa hàng, nhân viên bán hàng nhiễm bệnh; tạm ngưng hoạt động để sửa chữa, sang nhượng cửa hàng; tạm ngưng hoạt động do thiếu vốn, không đủ vốn để đặt hàng, nhập hàng.

Vẫn đảm bảo nguồn cung và xử lý các trường hợp vi phạm

Về nguồn cung, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng đinh nguồn cung ứng đủ đáp ứng nhu cầu thị trường trong tháng 2/2022 và dự trữ gối đầu sang tháng 3.

Với quan điểm là không để thiếu xăng, đảm bảo an ninh năng lượng, các thương nhân đầu mối sẽ tiếp tục có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn thiếu hụt từ sản xuất trong nước theo chỉ đạo, nếu Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn không đảm bảo lượng cung ứng như kế hoạch.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, nhập khẩu xăng dầu chỉ trong 15 ngày đầu tháng 2/2022 của các thương nhân đầu mối đã đạt 803.000 m3, tăng hơn 60% so với các tháng bình thường. Trong những ngày cuối tháng 2, sẽ tiếp tục nhập khẩu về thêm khoảng 600.000 m3.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường. Theo đó, chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu để bù đắp nguồn hàng thiếu hụt, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát xử lý các hành vi vi phạm về kinh doanh xăng dầu.

Nhiều cửa hàng tạm ngưng kinh doanh với nhiều lý do khác nhau

Về công tác điều hành giá xăng dầu, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện chi sử dụng Quỹ bình ổn giá cho các mặt hàng xăng và dầu với mức chi từ 200-400 đồng/lít và điều chỉnh mức trích lập quỹ ở mức phù hợp để bảo đảm giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới.

Liên Bộ luôn thực hiện việc điều hành giá xăng dầu tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, tính toán tới mục tiêu bình ổn giá xăng dầu, kiểm soát lạm phát. Công tác điều hành giá luôn bám sát diễn biến xăng dầu thế giới, cân nhắc rất nhiều chiều, nhiều yếu tố nhằm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp, đảm bảo mục tiêu quản lý chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tránh tạo ra tiền lệ, tránh để bản thân doanh nghiệp sử dụng sức ép đối với cơ quan điều hành để điều hành chỉ có lợi cho doanh nghiệp.

Thời gian tới, Bộ Công Thương khẳng định sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan xử lý nghiêm các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình thương nhân nếu có hành vi "găm hàng" không muốn bán ra, chờ tăng giá. Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nâng cao trách nhiệm, chủ động tìm kiếm nguồn hàng cung cấp cho thị trường nội địa

Về sử dụng công cụ thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu, Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới nếu diễn biến giá xăng dầu quá cao, quá phức tạp, ảnh hưởng đến phát kinh tế và đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp, tác động làm vô hiệu hóa một số công cụ, chính sách phục vụ cho vấn đề phục hồi tổng thể nền kinh tế sau đại dịch, trong bối cảnh công cụ quỹ bình ổn giá có hạn, cần sử dụng công cụ thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu trong nước.

Tại Hà Tĩnh, Đội QLTT số 5 đã phạt 30 triệu đồng với cửa hàng xăng dầu Sơn Trà thuộc Công ty TNHH Hương Huyền (Thôn 5, xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn) vì không ghi tên thương nhân phân phối xăng dầu cung cấp xăng dầu trên biển hiệu và ngừng bán khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản.

Tại cửa hàng xăng dầu Sơn Lĩnh thuộc Công ty TNHH TM-DV Bảo Duy Hà Tĩnh, lực lượng QLTT cũng xử phạt 15 triệu đồng và kiến nghị địa phương rút giấy phép kinh doanh do phát hiện cửa hàng ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước cho phép.

Tại Sơn La, Cục QLTT tỉnh đã xử phạt 10 triệu đồng với 2 cửa hàng bán lẻ xăng dầu Chiềng Xôm (Công ty TNHH MTV Trường Đức) và cửa hàng bán lẻ xăng dầu Công ty cổ phần Thủy Sản Sơn La vì vi phạm niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng với giá quy định.

Tại Hậu Giang, 2 cửa hàng xăng dầu đóng cửa đã bị Đoàn kiểm tra Cục QLTT Hậu Giang lập biên bản, xử phạt và kiến nghị rút giấy phép gồm: cửa hàng xăng dầu An Thịnh, (ấp 12, xã Vị Trung, huyện Vị Thuỷ) và Công ty TNHH MTV Dầu khí Bông Sen Vàng; cửa hàng xăng dầu Vị Thanh (địa chỉ số 132, đường 3/2, Phường 5, TP Vị Thanh).

Tại Quảng Bình, Cục QLTT đã kiểm tra và xử phạt tiền 15 triệu đồng với cửa hàng xăng dầu Long Hiếu thuộc Công ty TNHH Lực Hồng có địa chỉ tại thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy vì ngừng bán hàng không thông báo với cơ quan quản lý.

Tại Thái Nguyên, Cục QLTT đã xử phạt số tiền 10 triệu đồng đối với Chi nhánh tại Thái Nguyên của Công ty cổ phần H2T Thăng Long (địa chỉ ở tổ dân phố Hợp Thành, phường Thắng Lợi, TP. Sông Công) về hành vi ngừng bán hàng không thông báo.

Tại Vĩnh Long, Cục QLTT đã tiến hành xử phạt Công ty Cổ phần thương mại Lagom – Chi nhánh Hải Vui Trà Ôn (địa chỉ 107B, tổ 13, ấp Vĩnh Khánh 1, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn) với số tiền 15 triệu đồng về hành vi ngừng bán hàng không thông báo đến cơ quan quản lý.

Tại Sóc Trăng, Cục QLTT đã tiến hành xử phạt và tước giấp phép kinh doanh 2 tháng đối với cửa hàng xăng dầu Bình Minh - Công ty TNHH MTV xăng dầu Bình Minh, địa chỉ 410 Trần Hưng Đạo, phường 2, thành phố Sóc Trăng. Tại Hà Nội, lực lượng QLTT cũng phát hiện 3 cửa hàng đang ngừng bán hàng với các lý do khác nhau.

Link gốc : https://vietq.vn/phat-hien-xu-ly-gan-300-cua-hang-kinh-doanh-xang-dau-ngung-ban-hang-d197476.html

Bạn đang đọc bài viết Gần 300 cửa hàng kinh doanh xăng dầu ngưng bán hàng tại chuyên mục Thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường