Tuần giao dịch kết thúc ngày 11/7 ghi nhận biến động trái chiều trên thị trường hàng hóa thế giới. Trong khi giá đồng COMEX tăng mạnh gần 11% do ảnh hưởng từ chính sách thuế mới của Mỹ, thì thị trường nông sản lại chứng kiến lực bán áp đảo, kéo giá hàng loạt mặt hàng giảm sâu.
Giá đồng COMEX vọt lên mức cao kỷ lục
Giá đồng COMEX tăng gần 11% trong tuần, đạt 12.356 USD/tấn, đánh dấu chuỗi tăng mạnh mẽ kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ đạo điều tra nhập khẩu đồng vì lý do an ninh quốc gia từ đầu năm nay. Đặc biệt, việc ông Trump công bố áp thuế 50% với toàn bộ đồng nhập khẩu từ ngày 1/8 đã khiến giới đầu tư đẩy mạnh tích trữ, đẩy giá đồng tại Mỹ tăng vọt.
Ngày 9/7, giá đồng COMEX tăng tới 13% trong một phiên – mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1989 – và đóng cửa ở 12.445 USD/tấn. Ngược lại, giá đồng trên sàn LME London lại giảm 2%, về mức 9.661 USD/tấn, khiến chênh lệch giá giữa hai sàn lên tới 26,7% (tương đương hơn 2.600 USD/tấn).
Theo dự báo của Benchmark Mineral Intelligence, khi chính sách thuế mới có hiệu lực vào tháng 8, giá đồng tại Mỹ có thể chạm mức 15.000 USD/tấn, cao hơn nhiều so với mức khoảng 10.000 USD/tấn tại các khu vực khác trên thế giới.
Tuy nhiên, nhu cầu đồng tại Mỹ đang đối mặt áp lực từ lãi suất cao và hoạt động sản xuất suy yếu. Lãi suất duy trì ở mức 4,25 – 4,5% kể từ cuối năm 2024 khiến USD mạnh lên, làm giảm sức mua từ nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ số PMI sản xuất tháng 6 tại Mỹ tiếp tục suy giảm tháng thứ tư liên tiếp, cho thấy sự thu hẹp trong lĩnh vực công nghiệp.
Về phía Việt Nam, ảnh hưởng từ chính sách thuế mới của Mỹ được đánh giá là không đáng kể do lượng đồng xuất khẩu sang thị trường này rất nhỏ, theo số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC).
Thị trường nông sản đỏ lửa vì nguồn cung dư thừa
Ngược với xu hướng của kim loại, thị trường nông sản đồng loạt lao dốc trong tuần qua. Cả 7 mặt hàng trong nhóm đều giảm giá, trong đó ngô giảm mạnh nhất, mất 5,7% còn 155,9 USD/tấn – mức thấp nhất nhiều tuần.
Áp lực giảm giá đến từ nguồn cung dồi dào. Brazil – nước xuất khẩu ngô hàng đầu – đã thu hoạch được 28% diện tích ngô vụ 2, với dự báo sản lượng đạt mức kỷ lục 131–133 triệu tấn. Argentina cũng tăng tốc thu hoạch và dự kiến đạt 49 triệu tấn trong niên vụ này. Nước này còn ghi nhận xu hướng chuyển dịch mạnh sang trồng ngô thay vì đậu tương vì lý do thuế và lợi nhuận.
Tại Mỹ, điều kiện thời tiết thuận lợi giúp vụ ngô đạt chất lượng tốt nhất kể từ năm 2018. Với diện tích trồng lên tới 38,5 triệu ha – cao nhất trong một thập kỷ – sản lượng ngô niên vụ này dự kiến đạt 401,32 triệu tấn. Xuất khẩu ngô trong tuần kết thúc ngày 3/7 đạt 1,49 triệu tấn, tăng mạnh 45,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, nhu cầu toàn cầu lại có dấu hiệu suy yếu. Trung Quốc – nước nhập khẩu ngô lớn nhất thế giới – dự kiến tăng sản lượng nội địa lên 296 triệu tấn trong niên vụ tới, giảm nhu cầu nhập khẩu. Cùng lúc, căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang. Mỹ đã áp thuế 50% với Brazil trong tuần, khiến đồng Real giảm giá, thúc đẩy xuất khẩu nông sản từ Brazil. Quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn căng thẳng, làm gia tăng lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.