Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Giá mì gói tăng hơn 10%

tài chính doanh nghiệp 10:20 30/10/2022

Giá mì gói trong nước đã tăng 10,5%, phở ăn liền tăng 16%, mì xào ăn liền tăng hơn 19%. Một phần nguyên nhân tăng giá xuất phát từ biến động tỉ giá khiến giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao.

Theo số liệu của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA), trong năm 2021, Việt Nam là quốc gia có sản lượng tiêu thụ mì ăn liền cao thứ ba thế giới, xếp sau Trung Quốc và Indonesia. Trong năm 2021 đã có khoảng 8,56 tỷ gói mì ăn liền được tiêu thụ tại nước ta, tăng 21,7% so với năm 2020. Đây là mặt hàng trong dịch có tốc độ tiêu dùng mạnh hơn so với bình thường.

Với mức tiêu dùng nói trên, Việt Nam đã vượt qua Hàn Quốc để trở thành quốc gia có mức tiêu thụ mì ăn liền bình quân đầu người cao nhất thế giới. Trung bình, mỗi người Việt tiêu thụ 87 gói mì/năm.

Giá mì gói đã tăng mạnh sau những biến động của nền kinh tế thế giới.

Giá mì gói đã tăng mạnh sau những biến động của nền kinh tế thế giới.

Lượng tiêu thụ mì gói của Việt Nam rất lớn nhưng giá mì gói vẫn buộc phải “nhảy múa” theo biến động thị trường. Mới đây, giá các sản phẩm ăn liền của Acecook – nhà sản xuất mì ăn liền lớn nhất Việt Nam đã được điều chỉnh. Theo đó, nhiều sản phẩm ăn liền của hãng này đã có mức tăng từ 3 – 19%. Điển hình như mì gói tăng 10,5%, phở ăn liền tăng 16%, mì xào ăn liền tăng hơn 19%.

Đây là lần thứ hai trong năm 2022 Acecook tăng giá bán lẻ các sản phẩm của mình. Hồi đầu tháng 3/2022, đơn vị này cũng đã điều chỉnh tăng giá sau thời gian dài với lý do giá các nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao.

Hồi tháng 9/2022, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm trong chương trình bình ổn giá đã có văn bản gửi Sở Tài chính Tp.HCM để đề xuất tăng giá bún, mì, miến, phở vì áp lực giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Theo một số doanh nghiệp tại Tp.HCM, các nguyên liệu chính tạo ra các sản phẩm ăn liền như bột mì, dầu shortering, gạo, dầu cọ, trấu, than cám (chiếm 80% trong cơ cấu giá thành) đều không ngừng tăng giá trong thời gian qua. Biến động tỉ giá cũng là một nguyên nhân tạo sức ép đối với các nguyên liệu, sản phẩm nhập khẩu. Chính vì vậy, việc tăng giá các sản phẩm ăn liền như mì gói, miến, bún, phở được cho là phù hợp với bối cảnh thị trường.

Bạn đang đọc bài viết Giá mì gói tăng hơn 10% tại chuyên mục Thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường
Giá lúa gạo hôm nay 24/9 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục điều chỉnh tăng với mặt hàng gạo. Hiện giá gạo dao động quanh mốc 8.600 – 9.200 đồng/kg.