Khái niệm nước giải khát xuất hiện lần đầu tiên từ thế kỷ 17. Thế nhưng, phải đến những năm 1880 thị trường nước giải khát mới tràn ngập các loại nước uống có nhãn hiệu như hiện nay.
Trong đó, đồ uống có đường hay nước ngọt gồm tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do bao gồm nước ngọt có ga hoặc không có ga, chất cô đặc dạng lỏng và bột nước hương vị, nước tăng lực và thể thao, trà đóng hộp, cà phê uống sẵn và sữa có thêm đường.
Trong định nghĩa này, đường tự do là các đường đơn (như glucose, fructose) và đường đôi (sucrose hoặc đường ăn) được thêm vào thực phẩm và đường tự nhiên có sẵn trong thực phẩm (có trong mật ong, siro, nước ép hoa quả và nước hoa quả cô đặc).
Chia sẻ thông tin tại một hội nghị tập huấn mới đây, Ths. BS Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cảnh báo về mức tiêu thụ nước ngọt tại Việt Nam đang tăng rất nhanh. Lý do đầu tiên là do khí hậu ở Việt Nam nóng ẩm, thị trường nước giải khát tăng nhanh.
Đồ uống có đường tăng mạnh tại Việt Nam gây ra nhiều hệ lụy. Ảnh minh họa
Cụ thể, năm 2002, trung bình mỗi người dân chỉ tiêu thụ khoảng 6 lít đồ uống có đường thì năm 2021 con số này đã tăng lên gần 56 lít, gấp 10 lần sau 2 thập niên.
Việt Nam hiện chưa có số liệu về lượng tiêu thụ nước ngọt cụ thể ở trẻ em ngoài một vài nghiên cứu nhỏ lẻ. Một khảo sát trong học sinh, sinh viên gần đây cho thấy, cứ 3 em có 1 bạn uống nước ngọt có ga trong 30 ngày qua.
Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh năm 2013 cũng cho thấy, tỷ lệ học sinh ở độ tuổi 13-17 uống nước ngọt thường xuyên (ít nhất 1 lần/ngày) là 31% (ở nam học sinh là 35%, nữ học sinh là gần 28%). Tỷ lệ này tăng thành 34% chung, gần 38% ở nam và 30% ở nữ vào năm 2019.
Thực tế, các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy tiêu thụ đồ uống có đường ở trẻ em nhiều hơn so với người trưởng thành. Ở Mỹ năng lượng từ đường (mà gần một nửa là từ đồ uống có đường) chiếm 17% tổng năng lượng ăn vào ở trẻ em và vị thành niên. Căn nguyên gây nên bệnh béo phì rất phức tạp, trong đó có nguyên nhân từ tình trạng gia tăng tiêu thụ đường tự do, đặc biệt là từ đồ uống có đường.
Một trong những loại đường phổ biến được nhà sản xuất cho vào các loại nước ngọt là fructose. Đường fructose sẽ làm tăng quá trình sinh nhiệt, tăng triglyceride, kích thích tiêu thụ oxy nhiều hơn so với glucose, nhưng lại tạo ra các kích thích insulin nhỏ hơn rất nhiều so với glucose. Điều này làm cản trở quá trình chuyển hóa glucose, gây tăng tích tụ mỡ ở cơ thể và tình trạng thừa cân béo phì. Chính vì vậy, phần lớn các nghiên cứu đều tìm thấy mối liên quan thuận chiều giữa việc tiêu thụ các loại nước ngọt với tình trạng béo phì.
Hơn nữa, đồ uống có đường là dạng lỏng nên được cơ thể dung nạp một cách nhanh chóng. Điều này khiến cơ thể không kịp ghi nhận lượng calo vừa nạp vào và gửi tín hiệu no đến não bộ giống như cách cơ thể phản ứng theo cơ chế điều khiển ngược của cơ thể với lượng calo từ thức ăn dạng đặc. Vì thế, một người có thể tiếp tục ăn ngay cả khi đã uống đồ uống có đường với hàm lượng calo cao.
Do đó, nếu không giảm năng lượng ăn vào từ các nguồn thực phẩm khác thì lượng calo dư thừa từ loại đồ uống này sẽ góp phần gây ra thừa cân và béo phì. Kết quả là một người trưởng thành ăn uống bình thường nhưng lại uống thêm mỗi ngày một lon nước soda có đường (350ml cung cấp 150 calo và 40-50g đường) có thể gây tăng 6,75kg trọng lượng cơ thể, nếu sử dụng liên tục trong vòng 1 năm. Bên cạnh đó, đồ uống có đường kích thích cảm giác thèm ăn các thức ăn ngọt, nhiều carbohydrate và làm gia tăng cảm giác đói, giảm ngưỡng cảm giác no.
Vì vậy, khi một người tiêu thụ đồ uống có đường lâu ngày, "ngưỡng ngọt" của người đó tăng dần lên, khiến họ có xu hướng ăn các thực phẩm khác ngọt hơn bình thường.
"Tiêu thụ nước ngọt làm tăng nhanh mức calo trong khẩu phần vì đánh lừa cảm giác no. Nó cũng gây tác hại rất lớn đến sức khỏe như thừa cân béo phì, bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, hệ xương răng, bệnh tim mạch, sa sút trí tuệ, ung thư…", chuyên gia WHO nhấn mạnh.
PGS. TS. BS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia phân tích trong một lon nước ngọt 330ml thường chứa khoảng 35g đường, tương đương cung cấp khoảng 140 calo năng lượng, trong khi cung cấp rất ít giá trị dinh dưỡng khác. Nhưng uống thêm 1 lon nước ngọt mỗi ngày, nguy cơ béo phì tăng thêm 60% sau 1,5 năm theo dõi.
Việc tăng tiêu thụ nước ngọt dẫn đến tăng năng lượng nạp vào cơ thể, từ đó dẫn tới thừa cân, béo phì. Một phân tích gộp kết quả từ 88 nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng nước ngọt với việc tăng năng lượng và trọng lượng cơ thể.
Các nghiên cứu ở trẻ em và người lớn đã chỉ ra rằng, ở những người thừa cân việc giảm tiêu thụ nước ngọt có thể giúp kiểm soát cân nặng tốt hơn. Một nghiên cứu trên hơn 33.000 người cho thấy, trong số những người có nguy cơ béo phì do di truyền, những người uống nước ngọt dễ bị béo phì hơn người không uống.
Không những thế, sử dụng 1 lon nước ngọt hàng ngày cũng gia tăng các vấn đề liên quan tim mạch, xương răng, cơ xương khớp, chuyển hóa đái tháo đường lên 20- 30%. Người uống nước ngọt hàng ngày có nguy cơ bị gãy xương cao gấp gần 5 lần, PGS. Mai cho biết.
Nhiều bằng chứng khoa học đã chỉ ra mối liên hệ thuận chiều giữa việc sử dụng đồ uống có đường và thừa cân, béo phì. Trong khi đó, thừa cân và béo phì là yếu tố nguy cơ chính của một số bệnh mạn tính như bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạch và một số loại ung thư.
WHO đã đưa ra khuyến cáo với cả người lớn và trẻ em, lượng đường tự do tiêu thụ hàng ngày ở mức <10% tổng năng lượng nạp vào, tốt nhất là <5% (khoảng 25g hoặc 6 muỗng cà phê) để có lợi hơn cho sức khỏe.
Tuy nhiên, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo trẻ từ 2 đến 18 tuổi nên hạn chế lượng đường tiêu thụ thêm xuống dưới 6 muỗng cà phê (25g) mỗi ngày tức dưới 5% tổng năng lượng nạp vào. Với đồ uống có đường nên giới hạn không quá 235ml mỗi tuần. Trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.
Theo Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Y tế thế giới, chính sách kiểm soát thực phẩm và đồ uống không lành mạnh trong đó có đồ uống có đường được coi là một trong những chính sách quan trọng trong giảm thiểu gánh nặng về y tế và kinh tế do các bệnh không truyền nhiễm gây ra.