Với việc đóng cửa tuần giao dịch 29/6 đến 5/7 ở mức giá 1.774,4 USD/ounce, giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới gần như không thay đổi trong tuần qua. Trong khi đó, vàng giao tháng 8 tại Mỹ đã giảm 0,2%, xuống còn 1.787,2 USD/ounce.
Dù vậy, đây vẫn là vùng giá cao nhất mà kim loại quý ghi nhận được trong vòng 8,5 năm qua, kể từ lần gần nhất hồi tháng 10/2011.
Tăng giá vào tuần tới?
Giá vàng hiện cao hơn 256 USD so với đầu năm, tương đương mức tăng gần 17% sau nửa năm. Nếu so với đầu năm 2019, kim loại quý hiện đã tăng hơn 38,6% (495 USD/ounce).
Giá vàng thế giới hiện vẫn đứng ở mức cao 8,5 năm khi giới đầu tư đổ tiền vào nhiều kênh, tài sản từ chứng khoán, vàng, cho tới tiền tệ...
Vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt hiện có giá 49,9 triệu đồng/lượng (theo tỷ giá Vietcombank cùng ngày), tương đương giá các doanh nghiệp trong nước bán ra.
Dù giữ xu hướng đi ngang trong tuần vừa qua, phần lớn chuyên gia vẫn dự báo vàng sẽ tăng trong tuần tới (6-12/7) để kiểm tra 2 mốc quan trọng, gồm 1.790 USD/ounce và 1.800 USD/ounce.
Cụ thể, cuộc khảo sát của Kitco với các chuyên gia trên Wall Street cho kết quả 70% chuyên gia được hỏi dự báo vàng sẽ đi lên trong tuần tới, chỉ 18% chuyên gia cho rằng giá giảm, và 12% còn lại dự đoán giá sẽ đi ngang như tuần vừa qua.
Kết quả tương tự cũng diễn ra với cuộc khảo sát trên 1.940 nhà đầu tư cá nhân. Theo đó, 1.287 nhà đầu tư (66%) kỳ vọng kim loại quý sẽ tăng trong tuần tới, trong khi 373 người (19%) bi quan hơn với dự báo giá giảm, và 280 người còn lại (15%) cho rằng vàng sẽ đi ngang.
Tại thị trường trong nước, dữ liệu từ các công ty vàng lớn cho thấy, giá kim loại quý đã tăng mạnh trong vài tuần vừa qua nhưng không ghi nhận lượng giao dịch cao đột biến của nhà đầu tư. Vì vậy, yếu tố chính tác động tới giá vàng trong nước hiện vẫn là giá thế giới.
Rủi ro lớn nhất với vàng
Trong khi đó, dự báo từ các quỹ đầu tư vàng và tổ chức đều cho biết, vàng vẫn đang trong xu hướng tăng trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
"Các chính sách nới lỏng tiền tệ của ngân hàng trung ương nhiều nước và sự không chắc chắn xung quanh làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 đang duy trì giá vàng ở mức cao", ông Xiao Fu, chuyên gia phân tích của Ngân hàng Quốc tế Trung Quốc cho biết.
Theo thống kê, các trường hợp nhiễm Covid-19 vẫn tiếp tục gia tăng trên toàn cầu và đã có hơn 10,89 triệu người nhiễm bệnh, trong khi đó Mỹ cũng ghi nhận số ca bệnh mới trong một ngày cao nhất, gần 50.000 người.
Ngoài dịch bệnh, những căng thẳng địa chính trị cũng được các chuyên gia đề cập như một động lực hỗ trợ giá vàng thời gian tới.
Rủi ro giảm giá lớn nhất với vàng hiện nay là tâm lý chốt lời của nhà đầu tư. Ảnh: Helena Henneken. |
Dữ liệu cũng chỉ ra kim loại quý vẫn đang được nhà đầu tư lớn, nhỏ mua gom để duy trì vị thế nắm giữ. Quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã tăng thêm 0,8% tổng lượng nắm giữ, lên 1.191,47 tấn vào cuối tuần qua, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Theo UOB, vàng sẽ là mặt hàng chủ chốt duy nhất có triển vọng tích cực trong phần còn lại của năm. Các dự báo dựa trên nỗi lo lạm phát gia tăng và lãi suất thực âm ở nhiều quốc gia.
Trong khi đó, ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới Goldman Sachs dự báo giá vàng sẽ đạt mức kỷ lục 2.000 USD/ounce trong 12 tháng tới.
Trong một báo cáo mới, ông Bernard Dahdah, chuyên gia kinh tế trưởng về vàng tại Natixis dự báo giá kim loại quý sẽ tăng trong tuần tới và kỳ vọng đạt 1.950 USD/ounce sau một năm.
Ông nói rằng, việc Fed kiểm soát đường cong lợi suất, cùng với lạm phát, sẽ đẩy lãi suất thực vào vùng tiêu cực, biến vàng trở thành tài sản trú ẩn an toàn hấp dẫn. Trong khi các ngân hàng trung ương đã bơm lượng lớn thanh khoản vào thị trường tài chính để ổn định nền kinh tế, bước tiếp theo sẽ là kiểm soát đường cong lợi suất.
Với việc gần như không có thông tin tiêu cực nào ảnh hưởng tới giá, rủi ro lớn nhất với vàng hiện nay chính là tâm lý chốt lời của giới đầu tư.
Đây cũng là nguyên nhân chính khiến kim loại quý thế giới không thể giữ được mốc 1.790 USD/ounce trong tuần vừa qua.