Thị trường phiên vừa qua bị ảnh hưởng từ các yếu tố tác động trái chiều. Căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục gia tăng sau khi Chính phủ Trung Quốc chỉ đạo các công ty quốc doanh ngừng mua đậu tương và thịt lợn của Mỹ do Washington tuyên bố sẽ chấm dứt chính sách ưu đãi đặc biệt đối với Hongkong. Đồng thời, Trung Quốc tuyên bố sẽ mở rộng danh mục hàng hóa ngừng mua hoặc thậm chí hủy bỏ thỏa thuận Giai đoạn 1 nếu Washington có hành động tiếp theo.
Dầu biến động nhẹ giữa 2 làn tác động trái chiều
Giá dầu Brent tăng nhẹ trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm nhẹ giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung tăng lên gây ảnh hưởng tiêu cực nhưng thông tin OPEC và Nga đang tiến gần tới thỏa thuận cắt giảm sản lượng lại tác động tích cực lên thị trường này.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent tăng 48 US cent (1,3%) lên 38,32 USD/thùng, trong khi dầu WTI giảm 5 US cent (0,1%) xuống 35,44 USD/thùng.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và Nga (OPEC ) đang tiến sát một thỏa thuận về việc kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng dầu thô, theo đó hai bên đang bàn bạc việc tiếp tục kiềm chế sản xuất thêm 1-2 tháng nữa.
Yếu tố nguồn cung đang có lợi cho giá dầu. Algeria, tổ chức chủ tịch luân phiên của OPEC, đã đề nghị OPEC họp vào ngày 4/6/2020 thay vì ngày 9-10/6 như kế hoạch trước đây. Trong khi đó, tồn trữ dầu tại Cushing, Oklahoma (Mỹ) đã giảm xuống còn 54,3 triệu thùng trong tuần tính đến 29/5.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn thận trọng rót tiền vào thị trường dầu sau khi Trung Quốc cảnh báo sẽ trả đũa việc Mỹ can thiệp vào vấn đề Hongkong, vì nếu căng thẳng giữa 2 bên gia tăng hơn nữa sẽ gây rủi ro lớn cho thành quả giá dầu tăng trong thời gian gần đây, vì nhu cầu dầu có cải thiện nhưng không đáng kể. Thông tin từ các nhà máy lọc dầu châu Á và Âu cho thấy họ vẫn tiếp tục gặp khó do chính sách giãn cách xã hội.
Vàng tăng nhẹ
Giá vàng tăng nhẹ trong phiên vừa qua giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang và các cuộc biểu tình chống phân biện chủng tộc lan rộng ở Mỹ.
Cuối phiên giao dịch, vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.736,4 USD/ounce, trong phiên có lúc giá tăng 1% lên mức cao nhất hơn 1 tuần là 1.744,19 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 8/2020 giảm 0,1% xuống 1.750,3 USD/ounce.
Giống như dầu mỏ, thị trường vàng cũng đang chịu tác động từ nhiều yếu tố. Đó là một loạt thông tin có lợi cho giá vàng như: Lo ngại về sự đổ vỡ của thỏa thuận Giai đoạn 1, đồng USD giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3, Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp quốc doanh tạm dừng mua một số nông sản chủ chốt của Mỹ, các cuộc biểu tình ở khắp nơi trên nước Mỹ…Vàng được coi là một tài sản trú ẩn an toàn mỗi khi xảy ra bất ổn chính trị và kinh tế.
Tuy nhiên, cũng có một số yếu tố khác hạn chế đà đi lên của giá vàng như: Sự lạc quan về vắc-xin chống virus SAR-CoV-2, chứng khoán tăng lên mức cao nhất 3 tháng do xu hướng các nước nới lỏng chính sách giãn cách xã hội…
Chuyên gia phân tích cấp cao của ActivTrades, Carlo Alberto De Casa, cho biết, về mặt kỹ thuật, "giá vàng giao ngay đang tiến sát ngưỡng kháng cự 1.750 USD/ounce. Trong phiên có thời điểm giá đã chạm ngưỡng cao 1.765 USD, và điều đó sẽ mở ra cơ hội tăng tiếp trong thời gian tới".
Đồng cao nhất 3 tháng do nhu cầu cải thiện
Giá đồng vừa tăng lên mức cao nhất trong vồng 3 tháng do số liệu từ Trung Quốc cho thấy sản xuất tiếp tục hồi phục mạnh.
Trên sàn LME, giá đồng giao sau 3 tháng (tham chiếu cho thị trường thế giới) tăng 1,9% lên 5.480 USD/tấn, trước đó cùng phiên có lúc đạt 5.488 USD/tấn, cao nhất kể từ 13/3/2020.
Đậu tương và lúa mì giảm do căng thẳng Mỹ - Trung
Giá đậu tương Mỹ giảm trong phiên vừa qua do áp lực từ việc quan hệ Mỹ-Trung xấu đi và thời tiết ở khắp nước Mỹ đang thuận lợi cho sự phát triển của cây cối.
Giá đậu tương trên sàn Chicago giảm 1/4 US cent xuống 3,23-1/4 USD/bushel, trong khi lúa mì giảm 5-1/2 US cent xuống 5,15-1/4 USD/bushel.
Cà phê thấp nhất 7 tháng
Giá cà phê arabica biến động mạnh trong phiên vừa qua. Kết thúc phiên, arabica kỳ hạn tháng 7/2020 tăng 2 US cent (2,1%) lên 98,3 US cent/lb. Tuy nhiên trước đó, có thời điểm giá chạm mức thấp nhất 7 tháng là 98,4 US cent/lb do dự báo nguồn cung dồi dào. Tới thời điểm hiện tại, có rất ít dấu hiệu cho thấy việc thu hoạch arabica bị gián đoạn vì chính sách giãn cách xã hội, mặc dù nhà đầu tư cũng lo ngại về triển vọng nhu cầu nếu kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng. Arabica kỳ hạn tháng 7/2020 giảm 10 USD trong phiên vừa qua (0,9%) xuống 1.159 USD/tấn.
Đường tăng
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2020 tăng 9 US cent (0,8%) lên 11 US cent/lb, trong khi đường trắng giao tháng 8/2020 tăng 2,6 USD (0,7%) lên 364,8 USD/tấn, do nhà đầu tư lạc quan về việc các nước đang dần mở cửa thị trường trở lại.
Tuy nhiên, đà tăng bị hạn chế do các nhà máy mía Brazil đang sản xuất nhiều đường hơn là ethanol. Sản lượng đường Ấn Độ dự báo cũng sẽ cao nhờ thời tiết thuận lợi.
Quặng sắt tăng do nhu cầu từ Trung Quốc và lo ngại về nguồn cung
Giá quặng sắt kỳ hạn trên thị trường Trung Quốc tăng hơn 6% trong phiên vừa qua do nhu cầu mạnh ngay tại thị trường nội địa và lo ngại về nguồn cung từ Brazil khiến giá quặng giao ngay tăng lên mức cao nhất 10 tháng.
Phiên giao dịch vừa qua, quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Đại Liên có thời điểm tăng 6,4% lên 775,5 CNY (108,9 USD)/tấn, cao nhất kể từ năm 2013; lúc kết thúc phiên giao dịch tăng 3,2%, sau khi đã tăng 20,1% trong tháng 5/2020. Quặng 62% giao ngay nhập khẩu vào Trung Quốc phiên giao dịch liền trước (29/5/2020) đạt 102,5 USD/tấn, cao nhất kể từ 5/8/2019, theo số liệu của SteelHome.
Tồn trữ thép tại Trung Quốc đã giảm kể từ giữa tháng 3 vừa qua, khích lệ các nhà sản xuất thép đẩy tăng sản lượng, kéo nhu cầu cũng như giá quặng sắt tăng theo. Lượng quặng sắt lưu tại kho bãi của các cảng biển Trung Quốc hiện ở mức 109,5 triệu tấn, thấp nhất kể từ tháng 11/2016.
Tại Brazil, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 hiện cao thứ 2 trên thế giới sau Mỹ. Điều đó có thể sẽ buộc các công ty khai thác mỏ hoặc các chính quyền địa phương phải áp dụng thêm các biện pháp giãn cách xã hội chặt chẽ hơn, từ đó sẽ khiến cho công suất sản xuất bị hạn chế, thậm chí các mỏ phải đóng cửa.
Cao su tăng nhờ lạc quan về khả năng hồi phục kinh tế
Giá cao su kỳ hạn tháng 11/2020 trên thị trường Tokyo (TOCOM) lúc đầu phiên giao dịch vừa qua xuống mức thấp nhất trong vòng 3,5 tuần, là 149,6 JPY/kg, nhưng đảo chiều tăng vào cuối phiên lên 154,3 JPY (1,4 USD)/kg do lạc quan về tương lai kinh tế thế giới hồi phục, mặc dù vẫn lo ngại về những xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như các cuộc biểu tình ở các thành phố của Mỹ.
Trên sàn Thượng Hải, cao su kỳ hạn tháng 9/2020 cũng tăng 110 CNY lên 10.315 CNY (1.447 USD)/tấn.
Nhà phân tích hàng hóa Satoru Yoshida của Rakuten Securities cho biết, các nhà đầu tư đang tập trung sự chú ý vào tiến trình hồi phục kinh tế thế giới khi ngày càng nhiều quốc gia dần mở cửa nền kinh tế trở lại.
Đồng yen yếu đi cũng góp phần hỗ trợ giá cao su tại Tokyo. 1 USD đổi được 107,49 JPY trong phiên vừa qua, so với 107,10 JPY trong ngày thứ 6 (29/5).
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng nay 2/6
-- |
Theo Báo Tổ quốc