Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

TCVN 8400-56:2023 về bệnh động vật hướng dẫn quy trình chẩn đoán bệnh tụ huyết trùng

TDVN 08:46 18/07/2024

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8400-56:2023 Bệnh động vật - Quy trình chẩn đoán - Phần 56 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố hướng dẫn quy trình chẩn đoán bệnh tụ huyết trùng

Bệnh tụ huyết trùng là bệnh truyền nhiễm ở nhiều loài động vật, phổ biến ở lợn, trâu, bò, gia cầm. Bệnh xảy ra thường ở thể cấp tính. Ở lợn, trâu, bò mắc bệnh do P. multocida typ A với đặc trưng là sốt và viêm phổi; Lợn, trâu, bò mắc bệnh do P. multocida typ B với đặc trưng là xuất huyết, nhiễm trùng huyết; Gia cầm mắc bệnh do P. multocida typ A với đặc trưng là tiêu chảy, phân lỏng.

Động vật mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh tụ huyết trùng. Trâu, bò thường mắc lúc 2 tuổi đến 3 tuổi; Lợn thường mắc lúc 16 tuần tuổi đến 18 tuần tuổi; Gia cầm thường mắc lúc 3 tuần tuổi đến 4 tuần tuổi. Bệnh tụ huyết trùng xảy ra quanh năm, nhưng hay gặp nhất là lúc thời tiết giao mùa, ở miền Bắc là lúc thời tiết chuyển từ mùa xuân sang mùa hè và mùa thu sang mùa đông; ở miền Nam là từ mùa mưa sang mùa khô và ngược lại. Bệnh lây trực tiếp từ con ốm sang con khỏe qua tiếp xúc, qua đường hô hấp hoặc gián tiếp qua thức ăn nước uống, dụng cụ chăn nuôi, vận chuyển, động vật trung gian như chó, mèo, chuột, côn trùng, ruồi, muỗi, mòng ....

Theo đó để hạn chế tình trạng lây nhiễm bệnh tụ huyết trùng của lợn, trâu, bò, gia cầm cần phải có quy trình chẩn đoán bệnh theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8400-56:2023 Bệnh động vật - Quy trình chẩn đoán - Phần 56 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố hướng dẫn quy trình chẩn đoán bệnh tụ huyết trùng do vi khuẩn Pasteurella multocida gây ra ở lợn, trâu, bò, gia cầm. Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8400-56:2023 cũng có thể áp dụng để chẩn đoán bệnh do vi khuẩn Pasteurella multocida gây ra ở động vật có vú, động vật nhai lại hoang dã, dê, cừu, nai, linh dương,...

Yêu cầu về thuốc thử, vật liệu thử và môi trường nuôi cấy chỉ sử dụng thuốc thử loại tinh khiết phân tích. Sử dụng nước cất hoặc nước khử ion hoặc nước có độ tinh khiết tương đương không có Rnase trừ khi có quy định khác. RNase, còn được gọi là ribonuclease, là enzyme thủy phân liên kết của phân tử RNA. Chúng là một thành phần không thể thiếu trong quá trình xử lý, phân hủy RNA và điều hòa gen. Tất cả các sinh vật đều chứa RNase, cho thấy rằng chúng là một phần quan trọng đối với sự sống.

Khi thực hiện cần sử dụng các thiết bị, dụng cụ thông thường của phòng thử nghiệm sinh học và các thiết bị, dụng cụ theo quy định như tủ ấm, duy trì nhiệt độ 37 °C ± 0,5 °C; Kính hiển vi, có vật kính với độ phóng đại 10 X, 40 X, 100 X; Nồi hấp, duy trì ở nhiệt độ 121 °C.; Nồi hấp, duy trì ở nhiệt độ 121 °C.; Máy Realtime PCR; Máy PCR; Bộ điện di, gồm bộ nguồn điện di, bể điện di, khay điện di.

Máy đọc gel; Kéo, vô trùng; Bể điều nhiệt, duy trì nhiệt độ từ 56 °C ± 0,5 °C; Bơm tiêm, có dung tích 5 ml, 10 ml, vô trùng; Kim tiêm, loại 18 G hoặc 20 G hoặc 23 G, vô trùng; Ống nghiệm, có thể tích từ 10 ml đến 15 ml, sạch và vô trùng; Đĩa petri (hộp lồng), có đường kính từ 90 mm đến 100 mm, sạch và vô trùng; Que cấy, vô trùng; Bông cồn, bông cot-ton đã được tẩm cồn 70 %; Tăm bông, vô trùng; Phiến kính, sạch; Cưa, kìm, vô trùng; Cối chày sứ nghiền mẫu, vô trùng; Ống ly tâm (hay ống eppendorf), vô trùng, có thể tích 0,2 ml, 1,5 ml; Tủ lạnh, duy trì nhiệt độ từ 4 °C đến 8 °C; Máy lắc (Máy vortex), có tốc độ lắc từ 50 rpm đến 2 400 rpm.

Về chẩn đoán triệu chứng lâm sàng ở lợn thường gặp ở 3 thể là thể cấp tính với các dấu hiệu lợn sốt cao (có thể lên tới 42 °C), khó thở, thở thể bụng, da ở vùng bụng, nách, bẹn có màu đỏ tím, tỷ lệ chết có thể lên tới 40%. Ở thể bán cấp tính thường xảy ra ở lợn choai hoặc lợn ở giai đoạn xuất chuồng, từ 16 tuần đến 18 tuần tuổi với các dấu hiệu lợn ho, thở thể bụng. Thể mạn tính thường xảy ra ở lợn từ 10 tuần đến 16 tuần tuổi. Triệu chứng đặc trưng là lợn ho dai dẳng, thở mạnh, sốt nhẹ hoặc sốt không điển hình.

Bệnh tích đại thể ở thể cấp tính lúc này bệnh tích chưa biểu hiện rõ ràng. Thể bán cấp tính có triệu chứng xoang ngực, xoang bao tim và xoang phúc mạc tích nhiều nước. Phổi viêm, màu đỏ sẫm do tụ huyết và xuất huyết. Phổi có nhiều điểm bị gan hóa, có nhiều tổ chức xơ hóa, có thể có ổ hoại tử bã đậu. Màng phổi viêm, có thể dính vào lồng ngực. Hạch ở hầu, họng sưng, xuất huyết. Thể mạn tính xác lợn thường gầy. Phổi có nhiều điểm bị gan hóa, có nhiều tổ chức xơ hóa, có thể có ổ hoại tử bã đậu. Có hiện tượng viêm khớp có mủ.

Ở trâu, bò cũng thường gặp ở 3 thể. Thể quá cấp tính ít gặp. Trâu, bò phát bệnh nhanh, sốt cao từ 41 °C đến 42 °C, chết nhanh trong vòng 24 h. Trâu, bò có triệu chứng thần kinh như điên cuồng, hung dữ, lồng lên, run rẩy ngã xuống, giãy rụa, ...Thể cấp tính xảy ra phổ biến. Thời gian nung bệnh từ 1 ngày đến 3 ngày, trâu, bò sốt cao từ 40 °C đến 42 °C. Trâu, bò chảy nước mắt, nước mũi liên tục. Các niêm mạc mắt, mũi, miệng đỏ ửng rồi sẫm màu. Các hạch lympho sưng: đặc biệt là hạch dưới hầu làm cho trâu, bò thè lưỡi ra ngoài, thở khó khăn; hạch trước đùi sưng làm cho trâu, bò đi lại khó khăn. Trâu, bò nằm liệt, đái ra máu, thở khó khăn, trên niêm mạc có nhiều vết sẫm màu và chết sau 3 ngày đến 5 ngày. Tỷ lệ chết có thể lên tới 100 %. Thể mạn tính là thể tiến triển sau của thể cấp tính nếu trâu, bò không chết. Trâu, bò đi lại khó khăn, viêm khớp mạn tính; viêm phế quản và viêm phổi mạn tính; viêm ruột mạn tính biểu hiện là lúc táo bón, lúc tiêu chảy.

Bệnh tích đại thể thường có dấu hiệu niêm mạc ở mắt, mũi, mồm và tổ chức liên kết dưới da bị tụ huyết, xuất huyết. Các hạch lâm ba, đặc biệt là hạch sau hầu, họng sưng to, xuất huyết. Xoang ngực, xoang bụng tích nhiều dịch, có lẫn máu. Lòng ống khí quản, phế quản có dịch nhày nhớt, nhiều bọt và xuất huyết. Tim sưng to, xoang bao tim tích dịch màu vàng, mỡ vành tim xuất huyết, cơ tim xuất huyết. Phổi viêm, tổ chức phổi dai, không xốp, có nhiều phần bị gan hóa. Màng phổi viêm tơ huyết, dày lên, có thể dính vào thành lồng ngực.

Ở gia cầm triệu chứng lâm sàng thường thấy ở 3 thể. Thể quá cấp tính ở gia cầm chết nhanh khi chưa biểu hiện triệu chứng. Thể cấp tính gia cầm chết khi mới xuất hiện triệu chứng trong vài giờ đến 2 ngày. Gia cầm ủ rũ, xù lông, bỏ ăn, thở khó, thở mạnh, có dịch nhớt chảy ra từ miệng và mũi. Gia cầm tiêu chảy, phân lỏng, nhiều nước, phân lúc đầu trắng sau chuyển thành màu xanh, có thể có dịch nhày, lẫn máu. Toàn thân gia cầm màu xanh tím, nhất là vùng đầu không lông như mào, tích. Thể mạn tính tiến triển từ thể cấp tính nhưng gia cầm không chết. Mắt và mũi của gia cầm có chất dịch dính, kết mạc mắt viêm, có dử mắt. Gia cầm ngoẹo cổ, khó thở, có tiếng khò khè ở khí quản. Ở vùng đầu, chân, cánh, vùng xương ức của gia cầm có những ổ viêm cục bộ.

Bệnh tích đại thể thì thể quá cấp tính chưa biểu hiện bệnh tích. Ở thể cấp tính phổi xuất huyết. Xoang bao tim có dịch màu vàng. Lớp mỡ vành tim, cơ tim có xuất huyết vệt hoặc lấm tấm bằng đầu đinh ghim. Dạ dày tuyến xuất huyết lấm tấm. Gan sưng, trên bề mặt có điểm hoại tử lấm tấm. Buồng trứng xuất huyết. Ruột xuất huyết từng mảng lớn hay lấm tấm. Chất chứa trong ruột lẫn máu. Thể mạn tính phần mặt sưng, kết mạc mắt viêm, có các ổ mủ rải rác trong toàn cơ thể, phổi sưng, có viêm, gan sưng, khớp chân, đệm chân, xoang bụng, vòi trứng có dịch bã đậu.

Lợn, trâu, bò, gia cầm được kết luận mắc bệnh tụ huyết trùng khi có đặc điểm dịch tễ, triệu chứng lâm sàng, bệnh tích đặc trưng của bệnh và một trong số các kết quả phân lập, xác định hình thái và xác định được vi khuẩn bằng các phản ứng sinh hóa. Kết quả xét nghiệm PCR dương tính với P. multocida. Kết quả xét nghiệm Realtime PCR dương tính với P. multocida. Kết quả xét nghiệm LAMP dương tính với P. multocida. Kết quả xét nghiệm PCR dương tính với P. multocida typ A hoặc typ B. Kết quả xét nghiệm ngưng kết dương tính với P. multocida. Trong đó P. multocida là tác nhân liên quan đến bệnh Tụ huyết trùng, viêm phổi và viêm teo mũi tiến triển của heo trên toàn thế giới. Tùy theo sức đề kháng của heo, PM xâm nhiễm sâu vào đường hô hấp dưới, vào phổi, dẫn đến heo bị viêm phổi mãn tính.

Phương pháp chẩn đoán bệnh trong phòng thí nghiệm, đối với động vật nghi mắc bệnh còn sống lấy mẫu là dịch tiết đường hô hấp trên hoặc mẫu máu có chất chống đông. Lấy mẫu dịch tiết đường hô hấp trên. Mẫu máu có chất chống đông bằng cách sát trùng vị trí lấy máu bằng cồn 70 %, dùng bơm tiêm và kim tiêm lấy khoảng 1 ml đến 3 ml máu từ tĩnh mạch. Chuyển máu sang ống nghiệm đã có chất chống đông trộn đều nhẹ nhàng trong 10 giây, đậy kín, ghi ký hiệu mẫu.

Đối với động vật đã chết hoặc động vật nghi mắc bệnh cần mổ khám để kiểm tra bệnh tích, lấy mẫu bệnh phẩm được thực hiện theo TCVN 8402:2010 và hướng dẫn kỹ thuật về lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển mẫu bệnh phẩm động vật trên cạn. Bệnh phẩm bao gồm: Phổi, gan, lách, máu tim, dịch xoang bao tim, tủy xương.

Lấy mẫu phổi, gan, lách dùng pank, kéo cắt từ 10 g đến 100 g mỗi loại bệnh phẩm, để vào từng lọ hay túi ni lon vô trùng riêng biệt, đậy kín, ghi ký hiệu mẫu; Lấy mẫu máu tim, dịch xoang bao tim dùng bơm tiêm và kim tiêm hoặc pipet để hút lấy máu tim, dịch xoang bao tim. Để mẫu trong bơm tiêm hoặc chuyển sang lọ vô trùng riêng biệt, đậy kín, ghi ký hiệu mẫu; Tủy xương đã được róc bỏ phần thịt, để vào từng túi ni lon vô trùng riêng biệt, đậy kín, ghi ký hiệu mẫu.

Tiêu chuẩn cũng hướng dẫn việc bảo quản mẫu bệnh phẩm cần được đựng trong dụng cụ vô trùng, bảo quản ở nhiệt độ từ 2 °C đến 8 °C trong thùng bảo ôn, vận chuyển đến phòng thí nghiệm tốt nhất trước 24 h kể từ khi lấy mẫu. Lưu ý tất cả các mẫu phải được dán nhãn, ghi mã kí hiệu, gửi kèm theo phiếu gửi mẫu bệnh phẩm và các thông tin dịch tễ, triệu chứng lâm sàng và bệnh tích của ca bệnh.

Theo Tạp chí điện tử Chất lượng Việt Nam

Link gốc : https://vietq.vn/chan-doan-benh-tu-huyet-trung-o-lon-trau-bo-va-gia-cam-theo-tieu-chuan-d223363.html

Bạn đang đọc bài viết TCVN 8400-56:2023 về bệnh động vật hướng dẫn quy trình chẩn đoán bệnh tụ huyết trùng tại chuyên mục Thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường