Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên sức mua của người tiêu dùng dịp Tết dự báo có nhiều thay đổi. Người tiêu dùng sẽ tiết kiệm, thắt chặt hơn trong việc chi tiêu và chỉ chọn mua những sản phẩm đúng với giá trị thật. Đây chính là lý do khiến tiểu thương các chợ truyền thống trên địa bàn TP HCM ngại trữ hàng Tết.
Buôn bán ế ẩm, tiểu thương chưa mặn mà với hàng Tết. |
Tiếp tục nghe ngóng thị trường
Theo các cơ quan chức năng, hiện doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng hóa phục vụ Tết năm 2022 khá dồi dào đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết 2022. Tuy nhiên, ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, nhiều tiểu thương khá e dè trong việc đặt hàng, trữ hàng Tết vì lo ngại sức mua kém do người dân tiếp tục thắt chặt chi tiêu.
Những ngày này, tại khu vực quầy hàng kinh doanh bánh kẹo mứt, hạt khô ở chợ Bình Tây (quận 6), tiểu thương cũng bắt đầu rục rịch bày hàng Tết để chào hàng và cho khách tham khảo giá cả. Thế nhưng, tại chợ, không khí mua sắm khá èo uột, không có hình ảnh buôn bán tấp nập, rầm rộ nhập hàng, đóng hàng chuyển đi như mọi năm. Đa số tiểu thương chợ Bình Tây nhận định có thể sức mua cho thị trường Tết Nguyên đán năm nay không cao bằng các năm. Lý do, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp ở các tỉnh thành. Hơn nữa, ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, thu nhập của người dân sụt giảm nên mọi người thắt chặt chi tiêu hơn trước.
“Năm nay không biết buôn bán hàng Tết như thế nào. Hiện tôi mới chỉ lấy một lượng nhỏ hàng hóa để chào hàng thôi. Chỉ khi nào có đơn đặt hàng tôi mới liên hệ lấy nhiều để giao cho đối tác các tỉnh”, bà Kiều Tiểu Liên (tiểu thương chợ Bình Tây) nói. Chợ Bình Tây là chợ truyền thống lớn của TP HCM chuyên cung cấp, phân phối các mặt hàng bánh mứt Tết đi các tỉnh, thành phố nhưng vẫn ảm đạm, vắng khách. Thậm chí, một số quầy hàng bánh kẹo vẫn trong tình trạng “cửa đóng then cài” sau 4 tháng giãn cách.
Đại diện Ban quản lý chợ An Đông (quận 5) cho biết, năm nay đa số tiểu thương trong chợ đều giảm trữ hàng Tết do kinh doanh khó khăn, sức mua giảm… Ngoài ra, do tác động của dịch bệnh, sau nhiều tháng đóng cửa nhiều tiểu thương đưa hàng lên các kênh thương mại điện tử để bán hàng trực tuyến.
Tại các chợ truyền thống như: Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Tân Định (quận 1), chợ Thủ Đức… tiểu thương cũng khá e dè trong việc tích trữ và chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường Tết.
Thay đổi cách tiêu dùng
Nhiều ý kiến cho rằng, xu hướng tiêu dùng của thị trường Tết năm 2022 hoàn toàn khác so với Tết những năm trước. Nếu như trước đây thời gian mua sắm Tết của người tiêu dùng bắt đầu khởi động vào khoảng 6 tuần trước Tết, thì nay chỉ còn khoảng 2 - 3 tuần. Vì vậy, câu chuyện dự báo trong mùa Tết 2022 càng trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng đã thay đổi thói quen, không dự trữ nhiều hàng Tết như trước, vì vậy DN cung ứng hàng hóa cũng cần phải cân nhắc kỹ trong việc dự trữ hàng hóa.
Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Phát triển kinh doanh cao cấp Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam cho biết, thông thường trước đây khi chưa có dịch Covid-19, chỉ cần nhìn vào dữ liệu qua các năm sẽ dự đoán xu hướng thị trường Tết năm tới sẽ như thế nào. Thế nhưng riêng năm nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên hành vi mua sắm Tết của người tiêu dùng có nhiều thay đổi. Người tiêu dùng cũng sẽ tiết kiệm, thắt chặt hơn trong việc chi tiêu và chỉ chọn mua những sản phẩm đúng với giá trị thật. Vị này cho biết thêm, mọi hoạt động tiêu dùng đều số hóa, đều liên quan đến kỹ thuật số nhiều hơn trước. Đặc biệt, thị trường quà Tết cũng sẽ có sự thay đổi lớn. Khảo sát cho thấy, 40% người tiêu dùng ở thành phố lớn cho biết, họ sẽ đặt giỏ quà Tết qua kênh thương mại điện tử để hạn chế gặp gỡ trực tiếp, nhằm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Theo Đại đoàn kết