Ngày 29/3, UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị trực tuyến "Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế tỉnh Bắc Giang vào thị trường Hoa Kỳ năm 2022".
Ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, vụ vải năm 2022, tỉnh Bắc Giang tiếp tục quan tâm đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài nước, gắn với quảng bá, giới thiệu các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của tỉnh.
"Vải thiều Bắc Giang hiện đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước, đang được bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tại 8 quốc gia (Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào và Campuchia); được xuất khẩu tới trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ...." - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn nhấn mạnh.
Năm nay thời tiết thuận lợi, các trà vải trên địa bàn tỉnh sinh trưởng phát triển tốt, sâu bệnh, dịch hại được kiểm soát. Dự báo vải thiều Bắc Giang với hương vị thơm ngon, chất lượng vượt trội như: quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày... tiếp tục làm nên thương hiệu vải thiều nổi tiếng, chinh phục người tiêu dùng tại thị trường khó tính trên thế giới.
Sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang năm 2022 dự kiến đạt trên 160.000 tấn; trong đó có 18 mã vùng trồng dự kiến xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Australia, EU với diện tích là 218 ha, sản lượng đạt 1.600 tấn. Thời gian thu hoạch vải thiều sớm dự kiến từ ngày 15/5; vải thiều chính vụ từ ngày 10/6 đến ngày 30/7/2022.
Về thị trường tiêu thụ, Bắc Giang coi trọng cả thị trường trong và ngoài nước. Đối với thị trường Hoa Kỳ, tỉnh xác định đây là thị trường tiềm năng, có sức mua lớn song cũng là thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng cao với các yêu cầu về kiểm dịch, an toàn thực phẩm nghiêm ngặt.
Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang mong muốn Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam quan tâm hỗ trợ, giới thiệu, kết nối các doanh nhân Hoa Kỳ với các doanh nhân Việt Nam có chung hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản tìm hiểu, trao đổi, hợp tác, thu mua, nhập khẩu trái vải tươi cũng như các sản phẩm chế biến từ trái vải thiều và các nông sản có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Bà Hoàng Thị Thanh Nga, Tham tán công sứ, Phó Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng, việc vải thiều sang được thị trường Hoa Kỳ không chỉ mang đến nguồn lợi kinh tế cho người nông dân mà giúp người tiêu dùng Hoa Kỳ thưởng thức được sản phẩm đặc trưng của Việt Nam. Để rộng đường xuất khẩu, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa về thông tin cũng như kết nối, quảng bá tiềm năng, lợi thế của Bắc Giang đến các đối tác, địa phương tại Hoa Kỳ.
Bà Jolie Nguyễn, đại diện Công ty dịch vụ Lương Nguyễn cho biết: Để vào thị trường Hoa Kỳ sản phẩm cần có mã định danh FDA; tuân thủ các quy định về nhãn mác, bao bì, phụ gia, các chỉ tiêu kiểm định mẫu; tuân thủ yêu cầu kiểm định, chứng nhận bên thứ 3 (SGS…). Vì vậy, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu thật đầy đủ, nhất là thị trường, định vị mình và đánh giá đúng tiềm năng sản phẩm của mình trên thị trường. Ngoài ra, để bảo quản trái cây, doanh nghiệp cần phải xây dựng cho mình khu vực sơ chế tập trung và cần phải được bảo quản lạnh ngay từ đầu để giữ được giá trị, chất lượng của sản phẩm ngay từ đầu và suốt quá trình vận chuyển.
Thời gian tới, Bắc Giang sẽ tiếp tục đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, an toàn thực phẩm tiên tiến để hướng đến mục tiêu xuất khẩu.
Đối với vải thiều, hiện đã xuất khẩu được từ 40-50% sản lượng song chủ yếu vẫn là xuất tươi, sản phẩm chế biến còn hạn chế. Do đó, tỉnh sẽ quan tâm thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp vừa tham gia xuất khẩu vải thiều tươi, vừa đầu tư công nghệ để xuất khẩu sản phẩm qua chế biến.