Sang năm 2025, với nhiều yếu tố thuận lợi, trái cây Việt Nam đặt mục tiêu mang về ít nhất 8 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Nếu chinh phục thành công cột mốc này, Việt Nam sẽ bước chân vào top 5 nước hàng đầu thế giới về xuất khẩu trái cây.
Thương lái ở Tiền Giang đóng gói trái Thanh Long để xuất khẩu. Ảnh: Trung Kiên. |
Tự tin mục tiêu của năm 2025
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), sơ bộ giá trị xuất khẩu rau quả tháng 12/2024 đạt gần 474 triệu USD, tăng 3,5% so với tháng trước đó và tăng 15,6% so với cùng kỳ. Tính chung hết 12 tháng của năm 2024, xuất khẩu rau quả ước đạt gần 7,1 tỷ USD, tăng gần 27% so với cùng kỳ. Đây là kỷ lục mới của ngành rau quả Việt Nam và cũng là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024.
Đứng đầu về danh sách rau quả xuất khẩu là sầu riêng với giá trị ước đạt 3,3 tỷ USD; tiếp theo là thanh long khoảng 435 triệu USD; tiếp đến là chuối, xoài và một số mặt hàng khác như mít, dừa, dưa hấu…
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cũng cho thấy, xuất khẩu rau quả đạt 7,1 tỷ USD, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là kỷ lục mới của ngành rau quả Việt Nam và cũng là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024.
Có được kết quả trên, theo Bộ NNPTNT, là do có sự tăng trưởng vượt bậc của sản lượng các loại trái cây chủ lực, kết hợp với việc khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc, những yếu tố này đã giúp xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt được thành tích đáng ghi nhận trong thời gian qua.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kết quả xuất khẩu của năm 2024 là do sự tích lũy thành quả của các năm trước. Theo đó, số lượng rau quả xuất khẩu chính ngạch ngày càng tăng giúp cho rau củ quả xuất khẩu gia tăng thị phần tại các thị trường lớn. Đơn cử, từ vị trí thứ 3, rau quả của Việt Nam xuất khẩu đã vươn lên vị trí thứ 2 tại thị trường Trung Quốc. Tại thị trường Hoa Kỳ, xuất khẩu rau quả tăng trưởng hơn 30%, tại Thái Lan tăng hơn 80%...
Các hoạt động xúc tiến thương mại về rau quả được các cấp, các ngành, hiệp hội ngành hàng ngày càng quan tâm, đầu tư. Kết hợp với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, ngành rau quả đang có rất nhiều cơ hội tiếp cận những thị trường tiềm năng.
Theo ông Bình, trong thành công của ngành rau quả có sự đóng góp không nhỏ các đơn vị chuyên môn của Bộ NNPTNT. Nhờ việc thông tin thị trường, các yêu cầu về kiểm dịch, vai trò cầu nối… được duy trì, ổn định.
Với nhiều dư địa thị trường, Hiệp hội Rau quả Việt Nam kỳ vọng ngành rau quả Việt có thể mang về hơn 8 tỷ USD trong năm 2025. Trong đó, có nhiều yếu tố mới xuất hiện như mặt hàng sầu riêng đông lạnh, dừa tươi xuất khẩu đi Trung Quốc, chanh dây hiện nay đang đàm phán với Mỹ.
Ở góc độ doanh nghiệp (DN), ông Nguyễn Phong Phú - Giám đốc kỹ thuật Công ty Vina T&T Group cho rằng, các DN chế biến và xuất khẩu rau quả nói chung và trái cây nói riêng đang đứng trước thời cơ lớn để gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Nguyên nhân là do nhu cầu thị trường thế giới về nguồn hàng này ngày càng cao, trong khi Việt Nam đang làm rất tốt công tác mở cửa thị trường. Với việc chính thức ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, cánh cửa thị trường lớn đã mở ra cho hai mặt hàng chủ lực của ngành rau quả. Mặt khác, chất lượng hàng trái cây của Việt Nam cũng ngày càng được nâng cao, đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn của từng quốc gia nhập khẩu nên đã tăng khả năng cạnh tranh khi thâm nhập vào nhiều thị trường chất lượng cao.
Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), dự kiến trong năm 2025, sản phẩm chanh dây Việt Nam sẽ chính thức được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Đây là kết quả từ quá trình đàm phán giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về các biện pháp kiểm dịch thực vật đối với loại trái cây này. Hiện các bước đàm phán kỹ thuật đã được hoàn thiện và hai bên đang hoàn tất những thủ tục pháp lý cần thiết. Giới chuyên gia trong ngành nhận định, việc sản phẩm chanh dây được cấp phép vào thị trường Hoa Kỳ hứa hẹn tạo động lực lớn để ngành rau quả Việt Nam tiếp tục mở rộng xuất khẩu, đặc biệt vào các thị trường khó tính khác.
Sầu riêng là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong các mặt hàng trái cây năm 2024. Ảnh: T.Phương. |
Đẩy mạnh khâu chế biến, nâng cao giá trị xuất khẩu
Về mục tiêu xuất khẩu năm 2025 đạt 8 tỷ USD, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam nhận định, năm 2025, sầu riêng tiếp tục là mặt hàng chủ lực và Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sầu riêng lớn nhất của Việt Nam, chiếm trên 90% giá trị xuất khẩu của loại trái cây này. Sản phẩm dừa tươi cũng sẽ được đánh giá, kiểm duyệt mã vùng trồng đợt 2 của Hải quan Trung Quốc. Do đó, công suất, vùng trồng và sản lượng cũng sẽ bứt phá. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ có thêm sản phẩm chanh dây xuất sang Mỹ và vải thiều đang hoàn thiện hồ sơ để tiếp cận thị trường Hàn Quốc. Dự báo kim ngạch xuất khẩu chanh leo qua Mỹ mỗi năm sẽ đạt từ 50-100 triệu USD. Do đó, năm 2025 dự báo, xuất khẩu rau, quả sẽ thu về 8 tỷ USD là khả thi. Ngoài ra, bưởi cũng là trái cây được kỳ vọng trong năm tới.
Nhận định về mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 8 tỷ USD trong năm 2025 và đích đến 10 tỷ USD nhiều chuyên gia cho rằng, đích này là khả thi và không quá xa để đạt mức 10 tỷ USD tuy nhiên cần phải cẩn trọng và đi từ từ không nên chạy theo tăng trưởng mà cần chú trọng ưu tiên phát triển chất lượng.
Thực tế, bên cạnh những yếu tố thuận lợi theo Hiệp hội Rau quả, căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, xung đột địa chính trị toàn cầu… là những thách thức lớn. Để xuất khẩu bền vững hơn, ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng cần quan tâm đến công nghệ sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực tuân thủ của DN.
Hiện nay để đáp ứng với tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường nhiều địa phương đã chuyển hướng sản xuất theo hướng chất lượng cao. Đơn cử như tại Hưng Yên, theo báo cáo của UBND tỉnh, tỉnh có hơn 3.100 ha cây rau, củ, quả sản xuất theo quy trình VietGAP và sản xuất hữu cơ; đã chuyển hàng nghìn ha đất trồng cây hiệu quả thấp sang trồng cây lâu năm, cây hằng năm kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản có giá trị cao.
Cùng với Hưng Yên, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã tập trung xây dựng các chuỗi sản phẩm trồng trọt để biến rau quả trở thành mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Để xuất khẩu bền vững hơn, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Trung cho rằng, DN cần quan tâm đến công nghệ sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng, vừa hạn chế rủi ro mùa vụ.
Thứ trưởng Hoàng Trung cũng cho biết, thời gian tới Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường, hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về các mặt hàng chủ lực. Cùng với đó, có những thiết chế luật pháp chặt chẽ hơn, giúp bảo vệ những nhà sản xuất chân chính.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư kư Hiệp hội rau quả Việt Nam:
Giảm chi phí logistics để nâng sức cạnh tranh
Việc am hiểu và tuân thủ quy định của từng thị trường là cách duy nhất để hàng hóa có thể xuất khẩu thuận lợi. Doanh nghiệp và nông dân nước ta phải tuân thủ về vùng trồng, cơ sở đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, đáp ứng toàn bộ hàng rào kỹ thuật. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa sản phẩm kể cả sản phẩm chế biến sâu để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng đa dạng về mẫu mă và xuất xứ. Với Trung Quốc, hiện nhiều sản phẩm họ đă tự sản xuất được tại nội địa như xoài, thành long. Do đó, doanh nghiệp cần tăng cường chất lượng, tận dụng lợi thế về vị trí, giảm chi phí logistics để giảm giá thành và cạnh tranh được với các nước khác.
Doanh nghiệp cũng cần đầu tư nhiều hơn vào công nghệ sản xuất, chế biến, áp dụng các kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, trong xu hướng xanh hoá, tiêu dùng xanh, doanh nghiệp chú trọng nhiều hơn đến tính bền vững, tăng cường các chứng nhận bền vững về trách nhiệm xă hội, môi trường. Muốn làm được điều này, cần phải khắc phục triệt để tình trạng thiếu liên kết trong sản xuất.
Theo Đại Đoàn Kết