|
Mâm ngũ quả thường có 5 loại tượng trưng cho ngũ hành trong quan niệm dân gian của người Việt. Các gia đình thường bày chuối, bưởi, phật thủ, thanh long, dưa hấu, đu đủ, xoài, dừa, sung, thơm... Mỗi một loại trái cây mang ý nghĩa khác nhau và tùy cách chọn của từng vùng miền nhưng đều tượng trưng cho ước nguyện năm mới tròn đầy, bình an. |
|
Mâm ngũ quả miền Bắc thường gồm chuối, cam, phật thủ, bưởi, đào, hồng, ớt... Mỗi loại tượng trưng một ước nguyện của gia chủ, đảm bảo sắc trắng, xanh, vàng, đen, hồng. Tuy nhiên, ngày nay, người ta thường bày lên đó nhiều hơn 5 loại quả với màu sắc bắt mắt, hấp dẫn hơn. |
|
Trong ba miền, thì mâm ngũ quả miền Bắc thường có nhiều màu sắc hơn cả, thể hiện ước muốn đạt được ngũ phúc lâm môn phú - quý - thọ - khang - ninh. Lựu nhiều hạt, tượng trưng con đàn cháu đống, phật thủ là bàn tay Phật che chở cả gia đình, bưởi thể hiện mong muốn an khang, thịnh vượng, cam, quýt chính là sự thành đạt... |
|
Trong mâm ngũ quả của người miền Bắc, nải chuối xanh được đặt dưới cùng tượng trưng cho con cháu sum vầy, quây quần, bao bọc và che chở lẫn nhau. Tuy nhiên, loại trái cây này lại không hề xuất hiện trong mâm ngũ quả của người phương Nam. Họ cho rằng chuối gắn liền với việc thất bại trong làm ăn. Quan niệm xuất phát từ cách phát âm của quả chuối theo giọng người miền Nam là "chúi", gần nghĩa với "chúi lủi", chỉ việc làm ăn khó phất lên. |
|
-- |
|
-- |
Người miền Nam thường chuẩn bị 5 loại trái cây là mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài với quan niệm "cầu sung vừa đủ xài". Cam, quýt gắn liền với quan niệm "quýt làm cam chịu", mang ý nghĩa lam lũ, vất vả, nên cũng không được bày trong ngày Tết. Trong mâm ngũ quả, mãng cầu, đu đủ, dừa thường được đặt ở dưới, tiếp đến là các loại quả nhỏ để tạo hình dạng như ngọn tháp. Nhiều gia đình đặt cặp dưa hấu ở hai bên sau khi hoàn thành mâm quả.