Hà Nội, Thứ Năm Ngày 28/03/2024

Chuẩn bị lễ cúng ông công, ông táo cần sắm những gì?

ANTĐ 14:27 15/01/2020

Vào ngày tiễn Táo quân về chầu trời, bạn cần lưu ý tránh một số điều dưới đây để lễ cúng được trọn vẹn, ý nghĩa hơn.

Theo quan niệm dân gian, hàng năm, cứ vào 23 tháng Chạp âm lịch, Táo quân lại cưỡi các chép bay về để trình báo với Ngọc hoàng mọi việc của gia đình dưới hạ giới xảy ra trong một năm. Bởi thế mà có tục tiễn ông Công ông Táo về chầu trời. Đây là một phong tục tốt đẹp và mang ý nghĩa tâm linh lớn đối với người dân Việt Nam.

Không cúng sau 12h trưa ngày 23 âm lịch: Theo tín ngưỡng dân gian, lễ cúng Táo quân cần phải được tiến hành trước khi ông Công ông Táo bay về chầu trời, tức là trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp

Năm nay, Tết ông Công ông Táo 23 tháng Chạp rơi vào ngày thứ Sáu 17-1-2020. Do bận rộn, nhiều gia đình khó thu xếp thời gian để cúng đúng ngày. Vì vậy, tùy theo điều kiện thời gian mà mỗi nhà có thể chọn ngày, giờ cúng khác nhau. Lễ cúng ông Táo có thể được tiến hành trước 1-2 ngày đều được

Tuy nhiên, thời điểm tốt nhất có thể tiến hành cúng bắt đầu từ trưa hoặc tối ngày 22 tháng Chạp để ông Táo thảnh thơi về chầu trời

Nhiều người quan niệm rằng, ông Công ông Táo là vị thần bếp nên sẽ đặt mâm cơm và đồ lễ ở bếp để cúng. Tuy nhiên, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm

Thực chất, lễ cúng Táo quân ngày 23 tháng Chạp là lễ cúng chung 3 vị Thần Đất, Thần Nhà và Thần Bếp, dân gian thường gọi chung là Thần linh, Thổ địa, được thờ trên ban thờ - nơi trang trọng nhất của ngôi nhà. Bởi vậy, việc làm lễ cúng ông Công, ông Táo nên được tiến hành ở bàn thờ gia tiên. Khi cúng, nên đặt cá chép ở cạnh khu vực thờ cúng

Không nên cầu xin quá nhiều khi cúng lễ: Có rất nhiều người cúng ông Công, ông Táo không quên xin được làm ăn phát đạt, sự nghiệp thăng tiếng, tình duyên thuận lợi...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phong thủy, ông Công, ông Táo lên thiên đình là để báo cáo việc lớn nhỏ của gia chủ với Ngọc Hoàng chứ không liên quan gì đến vấn đề tiền bạc, sự nghiệp hay tình duyên

Nhiều gia đình thường chủ quan, nghĩ rằng việc phóng sinh cá là không cần thiết nên đã rán cá chép để cúng Táo quân. Tuy nhiên, đây chính là một trong những điều "đại kỵ" khi cúng ông Công ông Táo mà các gia đình tuyệt đối không nên làm

Ngoài ra, bên cạnh những món ăn truyền thống trong lễ cúng như gà luộc, xôi, canh măng,... các gia đình cần lưu ý, tránh một số món ăn "đại kỵ" như các món làm từ vịt, chim, ngỗng, trâu, bò, dê, chó…

Không ném cá chép từ trên cao xuống: Cá chép hóa rồng sẽ đưa ông Táo về trời. Khi ấy, cá chép tượng trưng cho thần linh nên các gia đình cần lưu ý khi thả cá. Tuyệt đối không đứng từ trên cao như cầu, đường để ném cá chép xuống sông

Khi thả cá, chúng ta nên dùng tay từ từ nghiêng miệng túi nilon hoặc đồ đựng cá xuống nước, để cá tự bơi ra. Ngoài ra, ta có thể đặt cá vào lòng bàn tay, thả nhẹ nhàng xuống nước. Người dân cũng không nên phóng sinh cá ở những nơi môi trường nước bị ô nhiễm vì khi đó, cá sẽ ít có cơ hội sống sót

Theo các chuyên gia văn hóa, gia chủ tuyệt đối không đốt tiền âm phủ. Nguyên nhân là do, ông Công ông Táo là thần tiên, không phải là vong hồn người đã khuất

Trong dịp này, nhiều gia đình đã bỏ ra hàng triệu đồng để mua vàng mã về đốt. Họ tin rằng, dâng "mâm cao cỗ đầy" với nhiều tiền vàng, lễ vật sẽ được Táo quân phù trợ, ban nhiều phước lộc và bỏ qua những điều xấu mà họ đã phạm phải trong năm qua

Tuy nhiên, đốt quá nhiều vàng mã là hành động gây tốn kém tiền của, không mang lại lợi ích và đặc biệt là gây hại tới môi trường

Cúng Táo quân là ngày lễ mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người dân Việt Nam. Bởi vậy, mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo thường được gia chủ chuẩn bị một cách trang trọng, cẩn thận. Một mâm cỗ cúng truyền thống sẽ bao gồm lễ vật và các món ăn như sau:

Lễ vật: Lễ vật cúng Ông Công, Ông Táo ngày 23 tháng Chạp cần phải có 3 bộ áo mũ Táo Quân, trong đó 2 bộ có cánh chuồn dành cho Táo Ông, 1 bộ không có cánh chuồn cho Táo Bà (cả 3 bộ đều kèm hia hài) và cá chép (có thể cá sống hoặc cá giấy)

Những đồ "vàng mã" này (mũ, áo, hia và một số vàng thoi bằng giấy) sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp

Mâm cỗ cúng: Tùy theo từng gia cảnh, ngoài các lễ vật chính kể trên, các gia đình có thể làm lễ chay hoặc lễ mặn để cúng Táo quân. Lễ chay gồm có giấy vàng, giấy bạc, tờ tiền, trầu cau, nước và hoa quả

Lễ mặn thường gồm giò chả, chân giò, xôi, gà luộc và các món ăn cổ truyền khác. Bên cạnh đó, nhiều bà nội trợ đã sáng tạo thêm những món ăn rất độc đáo, vừa mang ý niệm tâm linh, vừa phù hợp với khẩu vị của mọi thành viên trong gia đình

Link gốc : https://baomoi.com/nhung-dieu-toi-ky-can-tranh-trong-ngay-cung-ong-cong-ong-tao/c/33656751.epi

Bạn đang đọc bài viết Chuẩn bị lễ cúng ông công, ông táo cần sắm những gì? tại chuyên mục Tư vấn tiêu dùng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tư vấn tiêu dùng