Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Nâng cao nhận thức của người dùng, không tiếp tay tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng

vietq 08:08 21/10/2022

Việc sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là hoạt động rất cần thiết. Trong đó, cần bổ sung Điều 16 Nghĩa vụ của người tiêu dùng. Cụ thể, tự nâng cao nhận thức và t

Cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dùng trong các giao dịch mua bán hàng hóa, không có hành vi tiếp tay tiêu thụ sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng. Ảnh minh họa.

Hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là hoạt động cần thiết, nhằm kịp thời khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn gần 12 năm thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2011. Từ thực tiễn hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tôi xin góp một số ý kiến sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật như sau:

Về nguyên tắc khi sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Cần thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là các Chỉ thị của Ban Bí thư: số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các chỉ thị, nghị quyết của Đảng liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, cần lưu ý các nội dung về “bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người sản xuất, phân phối và người tiêu dùng”; “rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và khả năng thực thi hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo hướng thống nhất, đồng bộ và phù hợp với tập quán tiêu dùng của người dân trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự phát triển của khoa học, công nghệ và xu hướng phát triển các giao dịch thương mại điện tử”.

Tiếp đó, cần nghiên cứu bổ sung quy định phân công rõ đầu mối, nhiệm vụ cho cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng với một số nhiệm vụ như: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng; Thu thập thông tin về phản ánh, kiến nghị của người tiêu dùng; Giữ vai trò hòa giải, trọng tài trong việc xử lý phản ánh, kiến nghị của người tiêu dùng; Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đề nghị xem xét nghiên cứu cân nhắc bổ sung các dịch vụ công như dịch vụ công quản lý Nhà nước, dịch vụ sự nghiệp công: y tế, giáo dục và dịch vụ công ích do các doanh nghiệp công ích cung cấp cho người tiêu dùng, điện, nước, vệ sinh, môi trường... phải là đối tượng của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi lần này.

Những bổ sung cụ thể vào dự thảo Luật

Dự thảo gồm 7 Chương, 80 Điều về cơ bản đã tương đối hoàn thiện, tuy nhiên cũng cần xem xét một số điểm sau:

Về khái niệm “Người tiêu dùng là cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình và không vì mục đích thương mại”. Vì khái niệm này đã dùng ổn định từ Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999 và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. Hơn nữa, trên thực tế, có nhiều trường hợp tổ chức mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng như thực phẩm phục vụ các bếp ăn chung, nên cần cân nhắc giữ lại đối tượng “tổ chức” trong khái niệm này.

Bổ sung Điều 15 Quyền của người tiêu dùng: Quyền được tẩy chay hàng hóa dịch vụ xâm hại nghiêm trọng quyền lợi của người tiêu dùng, vi phạm thuần phong mỹ tục, đặc biệt vi phạm chủ quyền quốc gia.

Bổ sung Điều 16 Nghĩa vụ của người tiêu dùng: Tự nâng cao nhận thức và trách nhiệm khi giao dịch mua bán hàng hóa dịch vụ, không có hành vi tiếp tay tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ là hàng giả, kém chất lượng, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội.

Điều 22 Trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ cho người tiêu dùng. Sửa lại phần 1. c, Chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại cho người tiêu dùng về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ.

Bổ sung Điều 26 phần 3. Hợp đồng theo mẫu phải được công bố chi tiết, đầy đủ, công khai ở vị trí dễ nhìn thấy tại trụ sở, địa điểm kinh doanh và trên trang thông tin, ứng dụng điện tử bán hàng (nếu có) để người tiêu dùng biết hoặc phải biết về những nội dung của hợp đồng trước khi người tiêu dùng giao kết hợp đồng hoặc thực hiện các hoạt động đặt cọc, thanh toán trước khi hợp đồng được xác lập.

Đề nghị xem lại Điều 26 Thực hiện hợp đồng theo mẫu và Điều 27 Thực hiện điều kiện giao dịch chung vì nội dung tương đồng nhau.

Điều 30 Trách nhiệm bảo hành sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện. Bổ sung phần b, Thực hiện chính xác, kịp thời và đầy đủ nghĩa vụ bảo hành sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện do mình cung cấp.

Điều 47 Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong hoạt động bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên. Đề nghị điều chỉnh Khoản 1. Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, trước khi bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ tại địa điểm không phải là địa điểm bán lẻ, giới thiệu dịch vụ thường xuyên với tổng giá trị hàng hóa bán từ 10 triệu đồng hoặc có ít nhất 1 sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có giá trị cao hơn 100 nghìn đồng, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm: a, Thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức trước khi thực hiện. Nội dung thông báo gồm tên, địa chỉ liên hệ, nội dung, phương thức, giá bán và loại sản phẩm, hàng hóa có liên quan.

Xem xét Điều 50, 51 của Luật này có phù hợp với Điều 21, 22 của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa hiện hành?

Sửa Điều 52 Tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành Tổ chức xã hội được cơ quan quản lý Nhà nước giao nhiệm vụ.

Điều 70 Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 1. Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vụ án mà bên khởi kiện là người tiêu dùng hoặc tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định tại Luật này. Bổ sung: Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là đối tượng thuộc thẩm quyền xét xử của cấp tòa án nơi phát sinh quan hệ tiêu dùng.

Bạn đang đọc bài viết Nâng cao nhận thức của người dùng, không tiếp tay tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng tại chuyên mục Tư vấn tiêu dùng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tư vấn tiêu dùng