Trong bối cảnh dịch cúm mùa, cúm A ghi nhận nhiều ca mắc mới, nhiều gia đình có xu hướng tìm mua thuốc Tamiflu về trữ trong nhà để khi cần có thể sử dụng luôn. Nhu cầu mua thuốc quá lớn khiến cho giá thành của loại thuốc này bị đẩy lên cao, thậm chí tại nhiều nhà thuốc đã có tình trạng "cháy hàng".
Tại hệ thống nhà thuốc lớn Pharmacity, nhân viên nơi đây thông tin, loại thuốc này hết hàng khoảng một tháng nay, chưa rõ khi nào có hàng về. Tại hệ thống nhà thuốc Long Châu, Tamiflu vẫn có hàng, nhưng do nguồn hàng hạn chế nên mỗi người chỉ được mua 1 hộp.
Tại nhà thuốc Phương Chính, thuốc Tamiflu được bán với giá 519.000 đồng/hộp. Chợ thuốc Hapulico, Tamiflu được rao bán từ 515.000- 560.000 đồng/hộp. Một số người bán hàng xách tay đang quảng cáo giá sản phẩm này từ 450-530.000 đồng/hộp 10 viên. Còn tại một số nhà thuốc thuộc quận Thanh Xuân, giá dao động từ 850.000 đến 900.000 đồng/hộp 10 viên. Tại Mua thuốc 24h, giá thuốc Tamiflu được bán 900.000 đồng/hộp.
Trước tháng 7, giá thuốc Tamiflu rơi vào khoảng 450 nghìn/hộp, thì hiện nay nhiều cửa hàng thuốc chào bán với giá 580 nghìn đồng, thậm chí có nơi còn bán với giá 800 nghìn đồng cho 1 hộp 10 viên Tamiflu.
Không nên mua tích trữ thuốc cúm A Tamiflu tại nhà. Ảnh minh họa
Thực tế, câu chuyện "thuốc Tamiflu lại cháy hàng và được thổi giá lên cao" vẫn diễn ra hàng năm mỗi mùa dịch cúm. Nhưng để hiểu rõ Tamiflu là thuốc gì, công dụng thế nào, có nên tự ý sử dụng hay không... các gia đình nên lắng nghe ý kiến của chuyên gia y tế, tránh mắc sai lầm nghiêm trọng khi sử dụng.
Tamiflu, có tên gốc là Oseltamivir, là loại thuốc kháng virus giúp ngăn chặn các tác động của các loại virus cúm A, B trong cơ thể bệnh nhân. Theo Drugs.com, loại thuốc này thường được sử dụng để điều trị cúm khi phát bệnh trong vòng 2 ngày hoặc thấp hơn.
Tốt nhất, hãy bắt đầu dùng Tamiflu càng sớm càng tốt nếu bắt đầu có những triệu chứng như sốt, ớn lạnh, đau cơ, đau họng, chảy nước mắt, nghẹt mũi… Tuy nhiên không phải ai cũng dùng được loại thuốc này, nhất là mỗi người đều có cơ địa khác nhau sẽ dễ phát sinh phản ứng phụ.
Trong những trường hợp sử dụng khẩn cấp hoặc quá liều cho phép phải gọi ngay cho trung tâm y tế gần nhất để họ có biện pháp xử lý kịp thời. Bên cạnh đó cần ghi chú lại danh sách những loại thuốc đã từng dùng, bao gồm các loại thuốc kê toa và thuốc không kê toa.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM) cho biết thêm, các gia đình không nên dự trữ Tamiflu trong nhà vì tỉ lệ người cần uống Tamiflu rất thấp. Cúm là bệnh có thể tự hết, những đối tượng có diễn tiến suy hô hấp nhanh thì mới cần uống loại thuốc này. Hơn nữa, thuốc Tamiflu cần phải uống đúng thời điểm thì mới có thể đem lại hiệu quả tốt, nếu uống quá 48 tiếng, đặc biệt là sau 72 tiếng từ khi mắc bệnh thì thuốc gần như không đem lại tác dụng gì.
Đáng nói, Tamiflu có thể đem lại tác dụng phụ nguy hiểm nếu uống quá liều, có thể khiến người bệnh trầm cảm, có suy nghĩ bi quan khi dùng sai cách... Hơn nữa, Tamiflu cũng rất khó uống đối với trẻ nhỏ.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh khẳng định Tamiflu không phải thần dược, không nên dự trữ và càng tuyệt đối không được tự ý uống loại thuốc này khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Khi trẻ bị cúm, việc bố mẹ nên ưu tiên làm không phải là cho con uống Tamiflu mà cần phải chú ý hạ sốt cho trẻ, vệ sinh đường hô hấp. Bên cạnh đó, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng đề kháng ở trẻ.
Về phía Bộ Y tế, Cục Quản lý dược khuyến cáo, trong điều trị cúm A, B, Tamiflu (chứa hoạt chất Oseltamivir hàm lượng 75mg) là thuốc không được sử dụng tùy tiện, không nên tự ý mua thuốc về chữa cúm.
Thuốc Tamiflu và các thuốc khác có chứa hoạt chất Oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc. Nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn, có thể dẫn đến nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe.
Còn theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) cũng đưa ra khuyến cáo về các nhóm người không nên tùy tiện sử dụng Tamiflu, nếu dùng phải thông qua khuyến cáo của bác sĩ: Người dị ứng với bất kỳ thành phần nào của Tamiflu. Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú. Người đang dùng các loại thuốc khác như thuốc kê toa, không kê toa, thảo dược hay thực phẩm chức năng…
Người già và trẻ nhỏ tuyệt đối không được tự sử dụng. Đã tiêm chủng ngừa trong 2 tuần gần nhất. Bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh tim, phổi, thận hay bất kỳ các bệnh lý nào khác.
Ngoài ra cũng nên cẩn trọng với các tác dụng phụ của Tamiflu như buồn nôn, nôn ói, đau đầu hay đau nhức toàn thân. Tuy nhiên đây không phải là tất cả các tác dụng phụ của thuốc, vì thế phải tham khảo ý kiến của bác sĩ/dược sĩ trước khi quyết định uống.
Cũng theo các chuyên gia y tế, việc tiêm vắc xin hiện nay chính là biện pháp ưu tiên hàng đầu. Các nhà nghiên cứu ở Đại học Miami ở bang Florida (Hoa Kỳ) đã có một nghiên cứu đánh giá số liệu trên 2 nhóm bệnh nhân mắc Covid-19, có 37.377 bệnh nhân mỗi nhóm.
Các bênh nhân phân bố ở Hoa kỳ, một số quốc gia châu Âu, Israel, Singapore. Số liệu trên bệnh nhân được thu thập và phân ra 2 nhóm: Nhóm có sử dụng vắc-xin phòng cúm mùa (trước khi mắc từ 6 tháng đến 2 tuần) và nhóm kia bao gồm các bệnh nhân không chủng ngừa vắc-xin cúm mùa trước đó.
Kết quả nghiên cứu này cho thấy đã có sự giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng huyết, đột quỵ, tắc tĩnh mạch sâu trên nhóm bệnh nhân mắc Covid-19 đã tiêm phòng vắc-xin cúm mùa trước đó từ 2 tuần đến 6 tháng.
Nghiên cứu cũng chỉ ra khả năng phải nhập điều trị tại đơn vị điều trị tích cực (ICU) cũng giảm tới 20% trên nhóm trước đó có tiêm vắc-xin phòng cúm mùa
Nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm. Làm như vậy có thể giúp tránh đại dịch "kép” sự bùng phát đồng thời của cả bệnh cúm và Covid-19.