Táo mật Trung Quốc giá rẻ bèo bán tràn lan thị trường
Táo mật Trung Quốc đang “làm mưa làm gió” tại thị trường Việt những ngày gần đây. Chị Phạm Thị Minh Châu, một khách hàng ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) thừa nhận, không bàn về độ an toàn vệ sinh thực phẩm, táo mật Phú Sĩ (Trung Quốc) ăn giòn tan như táo Envy, mùi thơm lừng, ngọt đậm. Cả 3 lần chị đặt mua gần đây, 100% táo đều có mật.
“So sánh tỷ lệ mật với giống táo cùng loại Nhật Bản thì hàng Trung Quốc ngang ngửa”, chị nói. Thế nhưng, điều khiến chị Châu sốc là táo mật Nhật có giá tiền triệu mỗi 1kg, còn táo mật Trung Quốc hàng chị đặt chỉ 10.000 đồng/kg cho size to 4 quả/kg.
Dân buôn quảng cáo táo mật Phú Sĩ là giống táo mật Nhật Bản được đưa về trồng ở vùng núi cao Quý Châu (Trung Quốc). Giống táo này cho thu hoạch vào 3 tháng cuối năm. Khi quả già chín, vỏ sẽ chuyển sang đỏ đậm. Bổ ra phần ruột táo bên trong hơi ngả sang màu vàng nhạt, xen lẫn phần trong suốt (gọi là những tia mật táo). Táo có tỷ lệ mật càng nhiều thì càng giòn ngon, ngọt đậm. Bởi vậy, một số đầu mối còn quảng cáo đây là “phiên bản táo mật Nhật Bản” xuất xứ Trung Quốc.
Cách đây 3 năm, táo mật Trung Quốc hàng cao cấp được bán tại chợ Việt với giá dao động từ 80.000-100.000 đồng/kg. Dòng bình dân, giá chỉ 30.000-40.000 đồng/kg; có nơi rao bán theo set 5kg táo mật với giá 109.000 đồng - tức gần 22.000 đồng/kg. Thời điểm này, táo mật size Vip đóng thùng giấy trọng lượng khoảng 14kg giá bán chỉ 140.000 đồng, tính ra chỉ 10.000 đồng/kg.
Táo mật Trung Quốc đang bán tràn lan thị trường Việt với giá rẻ bèo. |
“Đây là mức giá tôi bán cho khách lẻ theo thùng. Hàng bao mật với tỷ lệ lên tới 80-90%”, chị Ngô Thị Hạnh - đầu mối bán trái cây online ở Hà Đông (Hà Nội), nói.
Từ đầu tháng 10 đến nay, ngày nào chị Hạnh cũng rao bán táo mật Trung Quốc trên facebook và Tiktok. Đáng chú ý, vẫn là size táo Vip nhưng giá bán lại ngày càng rẻ. Cách đây 3 ngày, chị bán táo mật giá 160.000 đồng/thùng trọng lượng 14kg, nhưng 2 ngày nay giá đã giảm còn 140.000 đồng/thùng. Khách mua sỉ sẽ áp giá khác nhau tuỳ số lượng.
Sở dĩ chọn bán theo thùng cho khách lẻ là bởi giá táo mật Trung Quốc quá rẻ. Nếu bán theo cân, mỗi đơn khách đặt 2-3kg thì tiền phí giao hàng sẽ đắt hơn cả tiền táo, chị Hạnh giải thích. Theo đó, số lượng táo chị Hạnh bán ra mỗi ngày lên tới 300-400 thùng, tương đương 4-5,6 tấn táo/ngày.
Chị Bùi Thị Bích Vân, tiểu thương bán trái cây online tại một khu chung cư ở Thanh Trì (Hà Nội), cho hay, giá táo mật Trung Quốc càng ngày càng rẻ. Một thùng táo trọng lượng 13kg chị bán ra 160.000 đồng, nếu khách mua lẻ theo cân giá 15.000 đồng/kg. Thế nên, lượng táo khách đặt mua cũng tăng mạnh.
Nhớ thời điểm chớm vụ táo mật, mỗi ngày chị Vân chỉ bán được vài chục cân. Đến hôm nay chị về 3 tạ táo mật loại Vip để trả đơn hàng cho cư dân đã đặt. Còn ngày mai, lượng táo khách đặt lên tới hơn 5 tạ hàng, chị cho hay.
Trên thị trường, táo mật Trung Quốc đang được rao bán với nhiều mức giá khác nhau. Loại bình dân trái nhỏ, giá chỉ 7.000-8.000 đồng/kg; hàng Vip mua theo thùng trọng lượng 13-14kg có giá 140.000-160.000 đồng/kg, bán lẻ có giá 15.000-30.000 đồng/kg tùy loại.
Táo Trung Quốc bọc túi chứa chất độc hại ngay trên cây
Theo báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023 của Bộ Công Thương, Trung Quốc là thị trường cung cấp mặt hàng rau quả lớn nhất cho Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu đạt 794,7 triệu USD, giảm 7,4% so với năm trước, chiếm 40,5% trong tổng kim ngạch. Về chủng loại, táo là mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất trong năm vừa qua, đạt 237,1 triệu USD. Xếp vị trí thứ hai là nho, đạt 158,4 triệu USD, giảm 17,4% so với năm 2022, chiếm 14,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu trái cây.
Chỉ tính riêng trong 9 tháng 2024, Việt Nam đã chi 697 triệu USD (tương đương 17.400 tỷ đồng) để nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc, chủ yếu là trái cây tươi. Hiện, Trung Quốc vẫn là quốc gia cung ứng lượng rau quả lớn cho Việt Nam, chiếm gần 42% tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả.
Trước bối cảnh các loại nông sản Trung Quốc ồ ạt vào thị trường Việt Nam cũng đặt ra quan ngại về vấn đề an toàn thực phẩm, hoạt động kiểm soát hoạt chất ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Nhất là trong bối cảnh đã có quốc gia phát hiện chất cấm có trong trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trước đó loại táo Fuji có xuất xứ từ Yên Đài, Trung Quốc, trước đây rất được ưa chuộng ở Việt Nam. Loại táo này có màu sắc đẹp, vỏ bóng, ăn giòn, sản lượng cả triệu tấn mỗi năm. Vừa qua, thông tin táo Fuji được trồng bằng công nghệ bọc túi tẩm thuốc sâu độc hại khiến nhiều người tiêu dùng Việt Nam nhanh chóng quay lưng. Cơ quan chức năng xác định chất bột trong các bọc nhựa chính là thiram (một loại thuốc diệt nấm độc hại) và melarsoprol (hợp chất hữu cơ độc hại chứa arsen). Nhiều nông dân Trung Quốc trồng táo đã bọc táo từ lúc còn non đến lúc chín bằng loại túi tẩm thuốc trừ sâu này.
Tháng 3/2012, cơ quan chức năng ở Trung Quốc đã tịch thu 200 triệu túi nhựa độc hại trên và ra lệnh cấm sử dụng phương pháp ủ trái cây này. Song một lượng lớn các túi nhựa như thế vẫn đang được sản xuất và cung ứng cho các nông trại trồng táo. Trong thành phần nguyên liệu sản xuất túi nhựa có cả thuốc trừ sâu pha loãng với nước. Trên bao bì của túi nhựa ghi chú là "túi chỉ dùng bọc táo" chứ không có cảnh báo về thành phần thuốc trừ sâu bên trong.
Ấn Độ là một thị trường khá quan trọng của ngành xuất khẩu trái cây Trung Quốc. Trong năm 2017, Ấn Độ đã nhập 131 ngàn tấn táo các loại từ Trung quốc, chiếm 10% tổng sản lượng xuất khẩu táo của nước này. Không giống như tại Mỹ, táo xuất sang Ấn độ lại gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng.
Xong theo báo cáo của cơ quan bảo vệ thực vật Ấn Độ (NPPO), có tới 26 lô hàng táo và lê Trung Quốc có chứa các hóa chất cấm, trong đó có cả Urbacid, Tuzet. Đây là các chất cấm từng phát hiện trong bê bối năm 2012 tại Yên Đài, Sơn Đông. Vì lý do này, chính phủ Ấn Độ đã ban lệnh cấm nhập khẩu 2 mặt hàng là táo và lê Trung Quốc từ tháng 6/2017. Do lợi nhuận, các tay buôn lậu vẫn tìm cách đưa táo Trung Quốc vào tiêu thụ tại Ấn Độ qua đường biên giới tiếp giáp Ấn Độ - Myanmar.
Nhận xét về công nghệ bọc táo từ khi còn non trên cây đến khi thu hoạch ở Trung Quốc, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, công nghệ bọc kín quả khi quả còn non ở trên cây để tránh sâu bệnh (bằng màng phủ trên bề mặt, bằng các loại chất dẻo) là một trong những công nghệ bảo quản hoa quả tiên tiến hiện nay. Công nghệ bảo quản này sẽ không gây độc hại cho người nếu được nghiên cứu và kiểm duyệt quy trình chặt chẽ. Có những thuốc bảo vệ thực vật được các cơ quan chức năng cho phép, khi sử dụng đúng liều lượng và không ngấm sâu vào quả mà chỉ bảo vệ bề ngoài, trước khi ăn ngâm rửa và gọt vỏ thì sẽ không độc. Tuy nhiên nếu ở liều lượng không theo quy định sẽ rất dễ gây độc cho người ăn.
Nói tới táo Trung Quốc, các chuyên gia thực phẩm cũng cho rằng, táo hồng hay gọi là táo đường Trung Quốc quả to, xốp, nhẹ, đắt nhất trong các loại táo Trung Quốc, giá là 90.000 đồng một kg. Táo xuất xứ New Zealand, Mỹ, Hàn Quốc quả không to như táo Trung Quốc nhưng nặng, ăn giòn, ngon hơn, giá cũng đắt hơn. Tuy nhiên trên mỗi quả táo của Mỹ hay New Zealand đều gắn một cái tem trong khi đó táo Trung Quốc tem không gắn liền quả, trong một thùng táo thường có rất nhiều tem rời.
Theo VietQ