Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong năm 2021 vừa qua, du lịch Việt Nam thiệt hại khá nặng nề. Lượng khách du lịch nội địa giảm 29% so với năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch năm 2021 giảm khoảng 42% so với cùng kỳ năm 2020. Cùng với đó, lượng doanh nghiệp dừng hoạt động lên tới hơn 90%, đặc biệt là những doanh nghiệp lữ hành quốc tế, vận chuyển. Công suất khách sạn trung bình cả năm chỉ đạt dưới 10%, một số khách sạn dừng hoạt động, đóng cửa toàn phần.
Giữa bối cảnh đại dịch vẫn chuyển biến phức tạp, dưới sự giám sát và kiểm soát chặt chẽ, Việt Nam đang dần khôi phục lại các hoạt động du lịch. Ngày 25/2/2022, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch ban hành Công văn 597/BVHTTDL-TCDL về công tác chuẩn bị phục vụ mở cửa lại hoạt động du lịch, trong đó, đề nghị các địa phương mở cửa hoạt động du lịch từ 15/03/2022.
Ảnh minh hoạ |
Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi thói quen sống, sinh hoạt cũng như nhu cầu của con người. Do vậy, những xu hướng du lịch sau đại dịch có thể được dự đoán như: Xu hướng du lịch đến những nơi an toàn tránh dịch bệnh; Xu hướng ứng dụng công nghệ nhằm quản lý đảm bảo an toàn, cũng như các dịch vụ hạn chế tiếp xúc; Xu hướng du lịch theo những nhóm nhỏ; Xu hướng du lịch ngắn ngày và đặt dịch vụ cận ngày; Xu hướng lựa chọn các hoạt động nghỉ dưỡng, gần gũi với thiên nhiên, thưởng thức văn hóa ẩm thực.
Để phục vụ cho sự trở lại của ngành du lịch với những thay đổi mới, việc đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch rất cần được chú trọng. Tuy nhiên, sau hai năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nguồn nhân lực lao động trong ngành Du lịch suy giảm đáng kể do nhiều lao động không có việc làm phải chuyển sang làm công việc khác. Nhiều lao động khi chuyển sang lĩnh vực khác, không còn mặn mà với ngành Du lịch, dẫn đến việc nguồn lao động chất lượng cao trong ngành Du lịch đang cạn kiệt. Năm 2021, 60-70% lao động trong ngành du lịch không có việc làm, chỉ còn khoảng 20-30% lao động khung thì được giữ lại.
Việc phục hồi ngành du lịch không chỉ đơn thuần là chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, thay đổi chính sách mà điều đặc biệt quan trọng là phải bổ sung khẩn cấp nguồn nhân lực cho ngành mới có thể đáp ứng được các yêu cầu cơ bản cho việc mở cửa du lịch đang trở thành vấn đề rất cấp thiết. Trước mắt, cần phải có chính sách để đưa một phần nhân lực quay lại với nghề du lịch sau đó, phải có chính sách dài hạn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng tác nghiệp thực tiễn tốt trong bối cảnh xu hướng sử dụng các sản phẩm du lịch của du khách hậu covid sẽ có rất nhiều biến đổi.
Trước đòi hỏi mới, Trường đại học Công đoàn nhận thấy tính cấp thiết của việc đào tạo chuyên nghiệp nguồn lực mới cho ngành du lịch, đón đầu quá trình khôi phục nền kinh tế.
Trường Đại học Công đoàn là trường đại học đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và chịu sự quản lý về chuyên môn của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Trường mở khoa Du lịch với định hướng trở thành một trong những đơn vị đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mang tính ứng dụng cho ngành, sát cánh cùng ngành Du lịch quốc gia trong việc cung cấp lực lượng lao động trực tiếp hùng hậu, có chất lượng cả về khoa học và ứng dụng thực tế.
-- |
Khoa đã thu hút được các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm chủ trì và tham gia đề tài nhà nước cấp nhà nước, bộ, cấp cơ sở; chủ nhiệm các dự án R&D về du lịch cũng như các chuyên gia trong điều hành trực tiếp các doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn, tổ chức sự kiện. Với tầm nhìn phát triển dài hạn, Khoa được nhà trường ưu tiên tối đa nguồn lực phát triển, ngoài địa điểm học tập, thực hành tại cơ sở 1 tại số 169 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội, nhà trường còn đầu tư cơ sở học tập, thực hành tại cơ sở 2 diện tích 27 héc-ta nằm ở vị trí trung tâm Đồng bằng sông Hồng, có khả năng kết nối với các trung tâm du lịch hàng đầu phía Bắc.
Bên cạnh đó, Trường Đại học Công đoàn còn có kết nối mật thiết với hệ thống du lịch công đoàn từ trung ương tới địa phương trải dài khắp cả nước. Trên cơ sở đó, Khoa Du lịch xây dựng chương trình đào tạo với 8/8 kỳ học của sinh viên Khoa có chương trình thực tế, thực tập. Đây là một thế mạnh của nhà trường, vừa tạo cơ sở thực hành nghề nghiệp vừa đảm bảo vững chắc cho việc làm của sinh viên trong và ngay sau khi tốt nghiệp.
Về liên kết trong ngành Du lịch, Khoa và nhà trường có liên kết chặt chẽ với không chỉ hệ thống công đoàn mà còn với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các doanh nghiệp hoạt động du lịch trong và ngoài nước. Đây là cơ sở tạo ra cho sinh viên các cơ hội trải nghiệm, gắn đào tạo với thực tiễn nhu cầu xã hội ở một trình độ cao, chất lượng về đào tạo và dịch vụ đào tạo được đảm bảo. Với sự gắn kết đó, đặc biệt với các doanh nghiệp du lịch hàng đầu, đưa doanh nghiệp vào trong quá trình đào tạo sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tại Khoa du lịch trường Đại học Công đoàn.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Lê Văn Tấn, Phó trưởng khoa Du lịch Trường Đại học Công đoàn cho biết: Sinh viên Khoa Du lịch trường Đại học Công đoàn sẽ được giảng dạy về các kỹ năng nghề nghiệp như: ngoại ngữ chuyên ngành, kỹ năng giao tiếp ứng xử trong môi trường đa văn hoá, nghiệp vụ du lịch, khách sạn, tổ chức sự kiện… và các kỹ năng bổ trợ như tenis, khiêu vũ, golf… để không chỉ đảm bảo đầu ra cho chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch mà còn góp phần nâng cao giá trị bản thân của người học. Đặc biệt, sinh viên Khoa còn có cơ hội thực tập sinh và chuyển tiếp đào tạo tại các trường đại học nước ngoài trong hệ thống trường liên kết đào tạo quốc tế của trường Đại học Công Đoàn.
Có thể nói, việc có thêm một trung tâm đào tạo như khoa Du lịch, trường Đại học Công đoàn sẽ góp phần giải quyết bài toán thiếu nguồn cung nhân lực cho ngành du lịch, đưa hoạt động đào tạo của các trường đại học trực tiếp phục vụ cho quá trình phục hồi và phát triển bền vững du lịch của Việt Nam trong thời gian tới.
Bảo Quyên - VietQ