Cụ thể tại bản tham luận gửi đến Hội nghị trực tuyến toàn quốc với DNNN về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội" sáng 24/3 do Thủ tướng chủ trì, Vietcombank kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện ưu tiên tăng vốn điều lệ cho các Ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN).
Theo Vietcombank, qui mô vốn điều lệ, hệ số an toàn vốn của các NHTMNN còn ở mức rất khiêm tốn so với nhu cầu phát triển cũng như chuẩn mực quốc tế. Hiện nay, tổng vốn điều lệ của các NHTMNN chỉ còn chiếm 23,6% vốn điều lệ toàn hệ thống ngân hàng.
Vietcombank lập luận, hạn chế về vốn dẫn đến hạn chế năng lực của các NHTMNN trong việc mở rộng kinh doanh, cung ứng vốn cho nền kinh tế, giảm sút thị phần huy động vốn (từ trên 52% năm 2018 xuống 48% năm 2021) và tín dụng (từ trên 50% năm 2018 xuống 46% năm2021) và có nguy cơ làm suy yếu vai trò chủ đạo, dẫn dắt thị trường của các NHTMNN.
Để khắc phục những hạn chế trên, Vietcombank cho rằng trong bối cảnh nguồn lực của nhà nước còn khó khăn, "đề nghị Chính phủ xem xét cho phép các NHTMNN được sử dụng toàn bộ lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quĩ để tăng vốn điều lệ và tăng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các NHTM, trước mắt lên 35%". Theo quy định tại Nghị định 01/2014/NĐ-CP ngày 03/01/2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của NHTM.
Trở lại quy định về kiến nghị doanh nghiệp được giữ lại 100% lợi nhuận, theo quy định tại Khoản 17, Điều 2, Nghị định số 140/2020/NĐ-CP: "Lợi nhuận còn lại thực hiện chia hết cổ tức, lợi nhuận bằng tiền mặt cho các cổ đông, thành viên góp vốn. Đối với khoản cổ tức, lợi nhuận được chia bằng tiền mặt cho phần vốn nhà nước góp trong doanh nghiệp thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định".
Trên thực tế, quy định việc DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước có lợi nhuận sau khi thực hiện quy định trích lập dự phòng, trả cổ tức... phải nộp về ngân sách đã có những ý kiến khác nhau. Thời điểm góp ý dự thảo nghị định liên quan vấn đề phân phối lợi nhuận, một số doanh nghiệp cho rằng việc buộc các DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước chuyển lợi nhuận vào ngân sách là không nên. Bởi bất kể thành phần kinh tế nào thì kinh doanh vẫn phải phát triển. Doanh nghiệp có vốn nhà nước dù có được bổ sung bao nhiêu vốn thì vẫn là vốn của nhà nước chứ không phải của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ là đại diện cho chủ sở hữu để tổ chức sản xuất kinh doanh số vốn đó. Một số ý kiến cho rằng việc bắt nộp về ngân sách nhà nước sẽ khiến doanh nghiệp mất động lực phấn đấu.
Còn quan điểm lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính - đơn vị soản thảo thì cho rằng: Quy định này là để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Vì theo nguyên tắc, toàn bộ lợi nhuận sau thuế hàng năm của doanh nghiệp là thuộc quyền phân phối của chủ sở hữu. Mặt khác, trong trường hợp này, nhà nước chính là nhà đầu tư, mà đầu tư sinh lợi thì phải được chia lợi nhuận. Việc thu lại một phần lợi nhuận là để tạo sự bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.
Lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp cũng nói thêm: từ trước đến nay, lợi nhuận được để lại hết ở doanh nghiệp thì nhà nước không thu được gì. Và đến lúc doanh nghiệp sử dụng số tiền đó đầu tư ra ngoài không hiệu quả thì xem như nhà nước mất vốn. Còn bản thân doanh nghiệp thì lâm vào tình trạng vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, Vietcombank còn kiến nghị Chính phủ cho phép các NHTMNN được chủ động về qui mô tăng trưởng tín dụng hàng năm trên cơ sở đáp ứng qui định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động, trong đó đặc biệt ưu tiên cho các NHTMNN tham gia vào việc cơ cấu lại các TCTD yếu kém. Điều này sẽ giúp các NHTMNN giữ vững được vai trò dẫn dắt trong ngành ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư cho các dự án trọng điểm của quốc gia. Mặt khác, cần sớm hể chế hoá các chính sách để tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, khả năng cạnh tranh bình đẳng của các NHTMNN nói riêng, các DNNN nói chung. Đề nghị rà soát sửa đổi Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào SXKD tại doanh nghiệp (Luật 69/2014/QH13) và các văn bản hướng dẫn thi hành, sửa đổi Nghị định 53/2016/NĐ-CP về cơ chế tiền lương áp dụng đối với doanh nghiệp có vốn góp chi phối của nhà nước theo hướng thống nhất quản lý theo mục tiêu, tăng giao quyền tự chủ trong kinh doanh cho doanh nghiệp; trong đó đặc biệt là cho phép các NHTMNN được tự chủ về cơ chế lao động và tiền lương, đảm bảo tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh.