Hàng loạt vụ ngộ độc rượu
Ngày 25/7 vừa qua, một lãnh đạo của UBND xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau xác nhận trên địa bàn có trường hợp 3 phụ nữ tử vong sau 2 ngày nhậu liên tiếp. Theo đó, vào ngày 20/7, 2 chị N.T.L (SN 1985), Đ.T.L (SN 1978) cùng 3 người khác nhậu tại nhà bà M.T.M (SN 1968, cùng ngụ xã Tân Hưng). Sau đó, 6 người này tiếp tục nhậu từ 9 giờ cho đến 13 giờ ngày 21/7. Số rượu nhóm người trên uống trong 2 ngày khoảng 5 lít.
Tối 22/7, 3 phụ nữ trên có biểu hiện nôn ói, khó thở... nên được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Cà Mau cấp cứu. Theo một lãnh đạo Khoa Hồi sức tích cực chống độc của bệnh viện, 3 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng huyết áp bằng 0, suy hô hấp. Dù bác sĩ đã tích cực cứu chữa nhưng do bệnh nhân bị quá nặng nên không qua khỏi. Nguyên nhân chẩn đoán bước đầu là do ngộ độc chất methanol có trong rượu.
Trước đó, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cũng tiếp nhận cứu chữa là ông K.V (52 tuổi, ngụ TP.HCM). Ông V. mua rượu về uống, chừng 1 giờ sau cảm thấy khô, nóng rát cổ họng, nhức đầu, tối sầm mặt rồi gục ngất xỉu ngoài đường, được người dân đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ. Nghi ngờ ông V. bị ngộ độc methanol, các bác sĩ xử trí cấp cứu. Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ methanol trong máu ban đầu của bệnh nhân là 125,2 mg/dL (chỉ số người bình thường = 0). Ông V. được truyền ethanol vào dạ dày để loại bỏ độc chất, ngăn chặn chuyển hóa hấp thu ngộ độc đồng thời được lọc máu ngắt quãng. Nhờ xử trí kịp thời, ông V. qua cơn nguy kịch.
Trường hợp khác là nam bệnh nhân 56 tuổi ở TP.HCM cũng ngộ độc rượu, đã ngủ li bì 2 ngày trước khi được cấp cứu trong tình trạng nhìn mờ, nặng ngực. Tại cơ sở y tế tiếp nhận ban đầu, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim và chuyển viện trong tình trạng rối loạn nhịp tim, mạch nhanh, huyết áp khó đo, phải đặt nội khí quản. Sau khi xét nghiệm mới phát hiện nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là ngộ độc methanol.
Ảnh minh hoạ
Chuyên gia khuyến cáo gì?
Theo các chuyên gia, ngộ độc rượu là hậu quả nhiễm độc nhất thời khi uống vượt quá mức chấp nhận của cơ thể dẫn đến các biểu hiện bất thường của hệ thần kinh và các hành vi không bình thường khác.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, đã có liên tiếp nhiều vụ ngộ độc rượu trong thời gian qua có liên quan methanol, điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng rượu giả đang rộ trở lại. Hai vụ việc có số người ngộ độc nhiều nhất được tiếp nhận, điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP HCM) với hàng chục trường hợp ngộ độc, trong đó có 7 người tử vong.
Trước đó, các nạn nhân đều mua rượu không rõ nguồn gốc về uống, sau đó xảy ra ngộ độc. Các kết quả xét nghiệm ghi nhận nồng độ methanol trong máu của bệnh nhân tăng cao. Thực tế trên cho thấy các bệnh nhân bị ngộ độc do sử dụng rượu pha chế từ cồn công nghiệp.
Methanol là cồn công nghiệp, các nhà hàng thường dùng nấu đồ nướng hay lẩu, tuy nhiên một số người lại dùng để pha thành rượu. Methanol có nhiệt độ bốc hơi thấp hơn rượu. Người làm rượu thường cho loại cồn khô này vào khi chưng cất, khi pha rượu (từ cồn) hay chế rượu thuốc, để làm cho rượu chóng ra hơn, dậy mùi hơn. Việc sử dụng các loại rượu có nồng độ methanol vượt mức quy định (ngưỡng cho phép là <0.1) có thể gây ngộ độc. Những trường hợp ngộ độc methanol nhẹ thì mù mắt, nặng có thể tử vong. Hầu như năm nào các bệnh viện cũng tiếp nhận những ca ngộ độc methanol. Nhiều người rơi vào trạng thái hôn mê, tổn thương não, thậm chí tử vong.
Theo bác sĩ CKII Lê Thanh Chiến, Giám đốc Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương TP.Hồ Chí Minh, các trường hợp ngộ độc rượu do methanol nặng sẽ nhanh chóng tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Tùy vào mức độ nặng hay nhẹ mà bệnh nhân có những biểu hiện khác nhau như: chán ăn, đau bụng, buồn nôn, nôn ói. Bên cạnh đó, bệnh nhân bị ngộ độc methanol do rượu thường có các biểu hiện thần kinh như: nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, lú lẫn, hôn mê, co giật, động kinh. Các triệu chứng về mắt như: Nhìn không rõ, nhìn mờ, không phân biệt màu sắc, sợ ánh sáng, giãn đồng tử… Các triệu chứng hô hấp như: thở nhanh, nông, khó thở, tím tái, suy hô hấp, mạch nhanh, tụt huyết áp (các dấu hiệu này có thể xuất hiện muộn sau 18-24 giờ).
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trả lời PV Vnexpress rằng không thể phân biệt được rượu ethanol và rượu methanol nếu chỉ dựa vào cảm quan thông thường. Vì thế, người dân cần cảnh giác với những loại rượu không nhãn mác, giá siêu rẻ, thậm chí giá chỉ vài nghìn đồng mỗi lít vì đó rất có thể là rượu pha cồn công nghiệp methanol.
Chung quan điểm này, bà Nguyễn Việt Nga, Phó Cục trưởng An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho rằng, về nguyên tắc, nếu nhìn bằng mắt, ngửi hoặc nếm thì khó biết được rượu chứa methanol hay không. Nhìn chung, rượu chứa methanol có vị hơi ngọt.
Trong dân gian có hai cách phân biệt rượu thật và giả là bằng cảm quan và thử rượu trực tiếp. Về cảm quan bên ngoài, chai rượu phải có đầy đủ nhãn mác, thông tin như tên sản phẩm, tên địa chỉ nhà sản xuất, nhà nhập khẩu... Ngoài ra khi ngửi nếu mùi cồn thơm, cay nồng là tốt. Một cách thử khác nhiều người áp dụng là đổ một ít rượu ra lòng bàn tay rồi xoa hai bàn tay với nhau, nếu thấy dính là rượu không tốt, còn nếu bay hơi hết là rượu tốt.
Rượu pha cồn công nghiệp nguy hiểm bởi khởi đầu nó có tác dụng tương tự như rượu thông thường. Khi vào cơ thể, chất cồn này được chuyển hóa trở thành chất độc gây tổn thương đến cơ quan cơ thể, đặc biệt là mắt, não… Phải mất 12 giờ hoặc thậm chí 1-2 ngày sau uống, nạn nhân mới có biểu hiện ngộ độc như mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ, chậm chạp, hôn mê…; khi đó thì tình trạng đã nặng nguy hiểm đến tính mạng.
Vì thế, bác sĩ khuyên người dân tốt nhất không nên uống rượu bia; nếu uống thì chọn loại có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác rõ ràng. Trường hợp người uống rơi vào tình trạng lẫn lộn, gọi không đáp, nói không rõ, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn, đau bụng, co giật… cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.