Tiềm năng Du lịch
Huyện Lạc Thuỷ là một huyện miền núi nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Hoà Bình. Tổng diện tích đất tự nhiên trên 31.495.35 ha, có 13 xã và 02 thị trấn; dân trong toàn huyện trên 64.310 người với 02 dân tộc chính làdân tộc Kinh và dân tộc Mường.
Được thiên nhiên ưu đãi có dòng sông Bôi chạy qua và nhiều suối, núi non tạo nên cảnh quan tự nhiên hấp dẫn; có đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 21A chạy qua. Với lợi thế về địa lý, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, giao thông thuận tiện, Lạc Thuỷ có điều kiện để xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn như: Du lịch văn hoá, du lịch sinh thái, du lịch thắng cảnh, du lịch lễ hội.
Chùa Tiên xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy mỗi năm thu hút rất nhiều du khách và phật tử về chiêm ngưỡng và học đạo Phật |
Huyện Lạc Thủy có 6 di tích xếp hạng Quốc Gia gồm: Cột Trầm tích Động Tiên; Hang Đồng Thớt; Hang Luồn, Quần thể hang động Núi Niệm; Quần thể hang động khu vực Chùa Tiên xã Phú Lão; Địa điểm Nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng xã Cố Nghĩa. Có 12 di tích xếp hạng cấp tỉnh gồm: Đền Niệm, Đình Làng Chùa, Đình và Đền Vai; Đình làng Đồi, Đình làng Vôi, Chùa An Linh, Đình Niếng; Đền Rem …
Ông Dương Văn Hào, phó chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy |
Ông Dương Văn Hào, phó chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy cho biết: UBND huyện Lạc Thuỷ xác định du lịch, dịch vụ là ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện. Do đó, hằng năm huyện quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá bằng nhiều hình thức và trên các phương tiện thông về cảnh quan, quê hương, con người huyện Lạc Thuỷ”.
Đặc biệt phải kể đến một số điểm di tích thu hút khách du lịch trên địa bàn huyện như: Quần thể hang động Chùa Tiên (xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp Quốc gia.
Với hệ thống hang động bố trí rải rác dọc 2 dãy núi Tung Xê và Hương Tích thuộc địa phận thôn Lão Nội và Lão Ngoại của xã Phú Lão, khu di tích Chùa Tiên đa dạng và phong phú với du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử. Vẻ đẹp hoang sơ nơi đây chính là nét quyến rũ với 2 tuyến chùa chính và 20 điểm động ghi nhận những giá trị khảo cổ học, văn hóa lịch sử, thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ.
Khu danh lam thắng cảnh quốc gia Hang động Núi Niệm (xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy) thờ Tam vị Chúa Mường là ngôi Đền mang đậm nét văn hóa của người Mường cổ.
Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Đền Rem (khu 5, thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy) còn lưu giữ được 3 đạo sắc của Vua Khải định 9 phong cho các vị thần được thờ tại di tích. Đền Rem là một di tích có từ lâu đời, mang đậm bản sắc của công trình kiến trúc thuật cổ, Đặc biệt di tích còn là minh chứng quan trọng về những vị anh hùng da thân bảo vệ đất nước…
Một lễ hội truyền thống của huyện Lạc Thủy |
Du khách đến với những di tích không chỉ được tham quan, vãn cảnh mà còn được tìm hiểu những nét đẹp văn hóa của nguời Mường cổ và khám phá những nét đặc trưng của người dân địa phương thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian và các Lễ hội truyền thống…
Phát triển du lịch dịch vụ theo hướng bền vững
Với quan điểm chỉ đạo của Huyện về bảo vệ phát huy giá trị di tích đưa vào khai thác phục vụ hoạt động du lịch của địa phương, tại kỳ họp thứ mười lăm, Hội đồng nhân dân huyện lần thứ XVIII đã ban hành Nghị quyết số 18/2015/NQ-HĐND ngày 18/12/2015 về việc phê duyệt Đề án phát triển Du lịch huyện Lạc Thủy giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Ông Nguyễn Văn Hải, phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lạc Thuỷ cho biết: UBND huyện Lạc Thuỷ luôn chú trọng xây dựng các phương hướng và giải pháp phát triển du lịch dịch vụ theo hướng bền vững, tăng cường hiệu quả, tạo cơ sở thống nhất trong hoạt động quản lý, khai thác tiềm năng và kinh doanh du lịch của huyện, góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập của cộng đồng dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.
Phát triển du lịch huyện Lạc Thủy trở thành một điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh và các vùng lân cận với các sản phẩm đặc trưng là du lịch văn hóa – tâm linh, nghiên cứu, sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc.
Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển du lịch và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chiến lược con người, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, giải quyết việc làm và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; không ngừng cải thiện, nã sống nhân dân và bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý khai thác và bảo vệ tài nguyên, cảnh quan môi trường, quỹ đất…
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao từ cấp ủy, chính quyền huyện Lạc Thủy đã tạo được sức bật cho ngành du lịch. Với sự góp mặt của ngành dịch vụ du lịch, người dân sẽ có thêm nhiều việc làm và nâng cao thu nhập, từ đó góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế xã hội của địa phương có nhiều tiềm năng như Lạc Thủy.