Theo Cục Thủy sản, nghề nuôi tôm hùm nước ta phát triển mạnh từ năm 2000 đến nay. Số lượng lồng nuôi tôm hùm thương phẩm năm 2024 hơn 280.000 lồng, sản lượng đạt trên 5.800 tấn, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 430 triệu USD, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa (chiếm trên 95% tổng số lượng lồng nuôi cũng như sản lượng nuôi cả nước).
Về tổng thể, ngành hàng tôm hùm đã phát triển ở quy mô sản xuất hàng hóa, song vẫn ở quy mô nhỏ, bao gồm cả các cơ sở nuôi cũng như các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất (cung ứng giống, thức ăn, xuất khẩu) và tiêu thụ. Việc tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết ngang và liên kết dọc theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ còn rất hạn chế (chỉ có 2 hợp tác xã nuôi tôm hùm tại Phú Yên và Khánh Hòa).
Giai đoạn cuối năm 2023, đầu năm 2024, hoạt động xuất khẩu tôm hùm, đặc biệt là tôm hùm bông gặp nhiều khó khăn. Tôm hùm bông muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải bảo đảm điều kiện không được đánh bắt trực tiếp từ biển và phải có minh chứng quá trình nuôi rõ ràng, không sử dụng nguồn giống khai thác từ tự nhiên.
Đến nay, Việt Nam chưa tạo được nguồn giống tôm hùm nói chung, tôm hùm bông nói riêng từ sinh sản mà hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên. Đây cũng đang là vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu tôm hùm bông của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Hiện nay, nguồn cung giống tôm hùm cho nuôi tôm thương phẩm chủ yếu khai thác từ tự nhiên và nhập khẩu từ nước ngoài. Trong đó, đối với giống khai thác tự nhiên số lượng biến động thất thường theo năm và đang có xu hướng giảm mạnh, chất lượng con giống cũng không thể chủ động kiểm soát. Hàng năm, có khoảng 8 - 12 triệu tôm hùm giống được khai thác tự nhiên, đưa vào nuôi.
Đối với nguồn giống tôm hùm nhập khẩu, qua khảo sát thực tế của Cục Thủy sản năm 2023 cho thấy chất lượng đàn tôm không ổn định, có lô đạt tỉ lệ sống cao, có lô nhập về cho tỉ lệ sống thấp, tăng trưởng chậm (tỷ lệ hao hụt từ 30 - 70%)
Gắn tem truy xuất nguồn gốc cho tôm hùm. |
Theo báo cáo của Cục Thú y, trong 10 tháng đầu năm 2024, ngành thú y đã kiểm dịch và cho phép nhập khẩu 65 lô với khoảng 10,8 triệu con từ Indonesia, Timor Leste, đảo Solomon (bằng 13% số lượng tôm giống nhập khẩu năm 2023).
Trong khi đó, hiện nay nhu cầu giống tôm hùm phục vụ nuôi thương phẩm trung bình cần khoảng 80 - 100 triệu con tôm hùm trắng/năm, trong đó nguồn giống khai thác từ tự nhiên chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu nuôi tôm và 100% tôm hùm xanh phải nhập từ các nước Indonesia, Philippines, Myanmar, Srilanka, Singapore.
Do nguồn cung cấp khan hiếm, giá con giống tôm hùm tăng cao so với năm 2023. Giá giống hiện tại tôm hùm đá/xanh 45.000 – 55.000đ/con, tôm hùm bông 45.000 – 50.000đ/con.
Theo ông Trịnh Quang Tú, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Quy hoạch và Phát triển thủy sản (thuộc Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản), hiện nay nghề nuôi tôm hùm chủ yếu ở quy mô nhỏ, hộ gia đình với hơn 7 nghìn hộ nuôi. Điều này làm cho việc tổ chức xuất khẩu, thực hiện truy xuất nguồn gốc rất khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh các thị trường ngày càng khắt khe hơn về truy xuất nguồn gốc.
Trong đề án về phát triển nuôi và xuất khẩu tôm hùm, Bộ NN-PTNT đã giao Viện kinh tế và Quy hoạch thủy sản xây dựng 2 mô hình liên kết nuôi và tiêu thụ tôm hùm theo chuỗi giá trị.
Tại Phú Yên, Viện đã xây dựng chuỗi liên kết tôm hùm xanh giữa Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp tôm hùm Sông Cầu với doanh nghiệp xuất khẩu Minh Phát và doanh nghiệp cung ứng giống ở Cam Ranh (Khánh Hòa), hiện đã xây dựng xong hệ thống truy xuất nguồn gốc.
“Trước yêu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, việc truy xuất nguồn gốc sẽ giúp sau này thuận lợi hơn cho quá trình xuất khẩu. Chúng ta sẽ không cần phải làm quá nhiều thủ tục như xác nhận, chứng nhận, chứng minh nguồn gốc tôm hùm nuôi. Bên cạnh đó, người tiêu dùng sẽ xác định được thông tin nguồn gốc sản phẩm một các dễ dàng”, ông Trịnh Quang Tú cho hay.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết thời gian qua, rất nhiều nỗ lực để tổ chức sản xuất, liên kết truy xuất nguồn gốc tôm hùm đã thu được những kết quả đáng kể.
Được sự hỗ trợ của Bộ NN-PTNT, Cục Thủy sản cùng với các đơn vị tư vấn đã nghiên cứu ra biện pháp để gắn mã cho tôm hùm, từ đó truy xuất được từ các cơ sở nuôi đến các hợp tác xã, cơ sở thu gom, sơ chế, phục vụ cho công tác xuất khẩu.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ bàn giao sản phẩm này cho các hợp tác xã, địa phương để ứng dụng vào thực tiễn. Mong rằng những cơ sở làm ăn một cách bài bản, áp dụng công nghệ thông tin để truy xuất một cách minh bạch nhất, từ đó xây dựng thương hiệu tôm hùm một cách tốt nhất”, ông Trần Đình Luân cho hay.
Theo VietQ