Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Cảnh báo: Mặt trái của ChatGPT gây nguy hại tới người sử dụng

Khánh Mai 17:25 18/04/2023

ChatGPT hiện nay đang trở thành xu hướng, trào lưu công nghệ của giới trẻ. Điều đó kéo theo nhiều hệ lụy trong việc bảo mật thông tin, bị trục lợi từ các đối tượng xấu.

Tìm hiểu về ChatGPT

Kể từ khi được ra mắt vào ngày 30/11/2022, ChatGPT được ca ngợi là một trong những bước phát triển lớn nhất của trí tuệ nhân tạo (AI). GPT là tên viết tắt của Generative Pre-training Transformer (GPT) - mô hình ngôn ngữ do trí tuệ nhân tạo (AI) vận hành - có thể viết nội dung, trả lời tin nhắn, thậm chí viết cả email về sa thải nhân sự. Được quảng cáo là “kẻ phá bĩnh” trong giới công nghệ, nhiều người cho rằng ChatGPT sẽ sớm lật đổ Google khỏi vị trí số 1 trong nhiều thập kỷ qua với tư cách là công cụ tìm kiếm. Mặc dù có nhiều tính năng đáng kinh ngạc, song ChatGPT cũng có những mặt tối khiến nhiều người lo lắng.

Những mặt trái của chat GPT ảnh hưởng xấu đến người sử dụng

Chat GPT mang lại mối lo ngại lớn cho ngành giáo dục

Nhật báo Le Figaro của Pháp đề cập đến ChatGPT, hiện tượng công nghệ đang hấp dẫn người sử dụng Internet trên toàn thế giới những ngày gần đây, với tựa đề trang nhất: Ngành giáo dục đang tìm cách chống đỡ với ChatGPT. Chương trình AI mới này có nguy cơ trở thành công cụ để các học sinh sinh viên gian lận sao chép kiến thức. Le Figaro nhận xét tuyên bố của tỷ phú Elon Musk, nhà sáng lập của công ty khởi nghiệp tạo ra ChatGPT rằng "Đây là một thế giới mới. Vĩnh biệt bài tập về nhà", không làm các nhà giáo dục có thể cười được. Từ khi chương trình hội thoại tự động này được tung lên mạng Internet hồi tháng 11 với thành công toàn cầu, các giáo sư, hiệu trưởng các cơ sở dạy học đang phải đối mặt với các hiện tượng gian lận mới trong việc làm bài tập và kiểm tra kiến thức của các học sinh sinh viên. Cấm hay cho phép sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo đang làm đảo lộn cuộc sống hằng ngày của mọi người và là một vấn đề làm đau đầu giới chức giáo dục ở Pháp. Ngành giáo dục đang cố gắng tìm ra các biện pháp để ngăn chặn tác dụng tiêu cực của ChatGPT. Nhưng vấn đề chính và khó khăn nhất là làm sao để chứng minh được việc học sinh sinh viên đã nhờ cậy vào công cụ trí tuệ nhân tạo trong các bài tập, bài viết của mình.

Bài báo trích dẫn các ý kiến chuyên gia giáo dục cho rằng, việc sử dụng ChatGPT có thể làm giảm sự sáng tạo và khả năng tư duy của con người, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình học tập. ChatGPT có thể tạo ra câu trả lời nhanh nhưng không giúp ích cho xây dựng các kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện. ChatGPT có thể trở thành công cụ thúc đẩy gian lận thi cử. Khả năng làm luận văn của "siêu chatbot" này khiến các chuyên gia trong ngành giáo dục gióng lên hồi chuông cảnh báo về khả năng sinh viên có thể tận dụng công cụ này để gian lận trong thi cử, đề xuất quay lại phương án thi trên giấy để đảm bảo tính công bằng cho tất cả mọi người. Việc lạm dụng AI cũng có thể khiến khả năng tư duy của con người bị thui chột.

Ảnh hưởng tới nhà đầu tư và người tiêu dùng

Bài viết trên trang Project Syndicate chỉ ra một nguy cơ khác, chính là khi AI có thể khuếch đại các tác động xã hội có hại của vốn cổ phần tư nhân. Hiện tại, một người có thể tạo ra khối tài sản khổng lồ bằng cách mua lại các công ty, đồng thời chuyển qua tư nhân hóa, sau đó cắt giảm nhân viên - trong khi trả cổ tức cao cho chủ sở hữu mới. Giờ đây, ChatGPT và các công nghệ AI khác sẽ khiến việc gây áp lực và vắt kiệt sức lao động trở nên dễ dàng hơn thông qua việc giám sát nơi làm việc, các điều kiện làm việc khắc nghiệt hơn, hợp đồng lao động không quy định về thời gian.

Tận dụng lợi thế tiếp cận tài chính dễ dàng trong thập kỷ qua, các công ty và quỹ đầu tư mạo hiểm đã rót hàng tỷ USD vào cuộc đua AI, dẫn đến việc công nghệ giờ đây có thể được sử dụng để thay thế con người trong rất nhiều hoạt động. Đây có thể là một thảm họa không chỉ đối với những người lao động, mà còn với cả người tiêu dùng và thậm chí là các nhà đầu tư.

ChatGPT hiện nay đang trở thành xu hướng, trào lưu công nghệ của giới trẻ. Điều đó kéo theo nhiều hệ lụy trong việc bảo mật thông tin, bị trục lợi từ các đối tượng xấu hoặc lạm dụng quá đà trong quá trình học tập, làm việc… Ảnh minh họa

Vấn đề đối với người lao động là rất rõ: Các công việc đòi hỏi kĩ năng giao tiếp tốt sẽ ít hơn, dẫn đến việc sụt giảm các vị trí trả lương cao. Có thể những người làm công việc dọn dẹp, lái xe và một số nghề lao động chân tay khác sẽ vẫn giữ được việc, nhưng những người khác nên lo sợ. Ví dụ như dịch vụ chăm sóc khách hàng: Thay vì tuyển dụng người thật để tương tác với khách hàng, các công ty sẽ ngày càng dựa vào các AI thế hệ mới như ChatGPT để xoa dịu những khách hàng nóng giận bằng lời lẽ thông minh, nhẹ nhàng và thuận tai. Ít công việc đầu vào hơn đồng nghĩa với việc sẽ có ít cơ hội để bắt đầu sự nghiệp – tiếp tục một xu hướng được thiết lập bởi các công nghệ kỹ thuật số trước đó.

Người tiêu dùng cũng sẽ chịu ảnh hưởng. Các chatbot có thể xử lý ổn thỏa các yêu cầu phổ thông, nhưng chắc chắn không phải với các yêu cầu mà thường khiến mọi người gọi cho dịch vụ khách hàng. Khi gặp một vấn đề thực sự, chẳng hạn như một hãng hàng không ngừng hoạt động hay một đường ống nước bị vỡ trong tầng hầm của bạn, bạn sẽ muốn nói chuyện với một chuyên gia được đào tào bài bản, có trình độ và biết đồng cảm, có khả năng huy động các nguồn lực và đưa ra giải pháp kịp thời. Bạn sẽ không muốn công việc của bạn bị ngưng trệ tới 8 tiếng, nhưng bạn cũng không muốn kết nối ngay lập tức với một chatbot tuy có vẻ hiểu biết nhưng rốt cuộc lại vô dụng.

Nguy cơ gia tăng các vụ lừa đảo từ ChatGPT

Các chuyên gia cũng cảnh báo ChatGPT có thể được sử dụng trong các hoạt động tội phạm trên không gian mạng. Sau khi ChatGPT xuất hiện, một số hacker đã lợi dụng khả năng viết code của chatbot này để viết các phần mềm lừa đảo nhằm tấn công và thực hiện ý đồ đánh cắp thông tin. Đáng sợ hơn, ChatGPT có thể tận dụng chính những dòng code mình tạo ra để tiến hành các phương thức lừa đảo tinh vi hơn.

Theo giới phân tích, thực tế cho thấy ChatGPT vẫn còn nhiều hạn chế như: chất lượng câu trả lời còn phụ thuộc nguồn dữ liệu đã được học; chưa cung cấp các nguồn tham chiếu của câu trả lời; chưa đáp ứng được tốt các câu hỏi yêu cầu chính xác và liên quan đến tương lai; hay mức độ cảm xúc trong các phản hồi bị giới hạn. Tuy nhiên, nếu bị lợi dụng, công cụ này vẫn có thể tạo ra các đoạn hội thạo đánh lừa người dùng.

Với ChatGPT, những cuộc tấn công phishing lừa đảo, các email, tin nhắn lừa đảo cũng sẽ trở nên khó lường hơn, khi ChatGPT có thể soạn nội dung cá nhân hoá theo từng thông tin của người nhận khiến người dùng sẽ hoàn toàn mất khả năng phân biệt những nội dung có nguy cơ. Trước những mặt trái của ChatGPT, các chuyên gia cũng khuyến cáo người dùng cần tỉnh táo để bảo vệ thông tin cá nhân, hạn chế cung cấp các thông tin liên quan đến công việc, các dữ liệu riêng tư cho những ứng dụng tương tự như Chat GPT.

Ảnh hưởng xấu của chat GPT tới người dùng tại Việt Nam

Không thể phủ nhận ChatGPT là phần mềm sử dụng công nghệ AI đang “gây sốt” hiện nay. Cách thức hoạt động của ChatGPT là ghi nhận thông tin câu hỏi người sử dụng nhập vào, từ đó phân tích tổng hợp để đưa ra câu trả lời chính xác cho người dùng. Tuy nhiên, hiện phần mềm này vẫn chưa được nhà sản xuất phát triển tại Việt Nam nên muốn được trải nghiệm, người dùng phải thực hiện nhiều thủ thuật phức tạp để đăng ký tài khoản. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng xấu đã trục lợi bằng cách bày ra việc nhận tạo tài khoản ChatGPT, nhưng khi nhận được tiền chuyển khoản từ khách hàng rồi “im hơi lặng tiếng”, không cung cấp dịch vụ.

Nguy hiểm hơn là việc khách hàng bị rò rỉ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, khi làm theo những hướng dẫn tạo tài khoản ChatGPT không chính thống trên mạng Internet, hoặc tải các phần mềm giả mạo ChatGPT có chứa mã độc. Một người sử dụng đã từng chia sẻ: “Khi nghe đến ChatGPT có thể trả lời mọi vấn đề, tôi đã lên mạng tìm hiểu cách tạo tài khoản để dùng trong những lúc bí ý tưởng. Nhưng sau khi đăng nhập vào các đường link hướng dẫn trên mạng, vài ngày sau tôi nhận được nhiều cuộc gọi đòi nợ, tài khoản Facebook cũng không cánh mà bay”.

Theo tìm hiểu, khảo sát thực tế về vấn đề trên, nhiều bạn trẻ tại Cần Thơ cho biết đã bị mất tiền oan khi nhờ các đối tượng trên Facebook tạo tài khoản ChatGPT; cũng như bỏ tiền ra mua các ứng dụng giả mạo ChatGPT trên Appstore, ChPlay nhưng không nhận được trải nghiệm như mong muốn.

Hãy là người dùng thông minh

Theo chia sẻ của một số người dùng trên các diễn đàn mạng, phần mềm ChatGPT là một bước ngoặt lớn, làn gió mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin; Khác với các công cụ tìm kiếm như Google, Cốc cốc, Opera, Safari,… với trí tuệ nhân tạo AI cùng khối lượng dữ liệu kiến thức khổng lồ, người dùng chỉ phải mất tầm vài phút để nhận lại duy nhất một kết quả cho vấn đề đang thắc mắc, thay vì bỏ ra nhiều giờ để lựa chọn và chắt lọc thông tin từ nhiều kết quả tìm kiếm.

Tuy nhiên, kết quả tìm kiếm trên chatGPT thiếu nguồn trích dẫn, không có kiểm chứng cũng như đang trong giai đoạn hoàn thiện và chưa được phát triển tại Việt Nam, nên độ chính xác từ các thông tin chưa cao. Điều này đặt ra vấn đề, liệu ChatGPT có thật sự là “người đồng hành” đáng tin cậy hay sẽ là “vũng lầy” cho người dùng.

Đặc biệt hơn là khi một bộ phận học sinh, sinh viên lạm dụng phần mềm ChatGPT trong quá trình học tập mà không có chọn lọc, lười suy nghĩ dẫn đến dễ dãi chấp nhận những kết quả từ ChatGPT, qua đó kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường. Vậy nên, hãy là người dùng thông minh và tự trang bị cho bản thân những cách thức sử dụng công cụ AI có trách nhiệm.

Theo ViệtQ

Link gốc : https://vietq.vn/canh-bao-mat-trai-cua-chatgpt-gay-nguy-hai-toi-nguoi-su-dung-d209881.html

Bạn đang đọc bài viết Cảnh báo: Mặt trái của ChatGPT gây nguy hại tới người sử dụng tại chuyên mục Bảo vệ người tiêu dùng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Bảo vệ người tiêu dùng