Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lạng Sơn cho biết, đơn vị này đã và đang quán triệt tới tất cả các đội quản lý thị trường trong tỉnh cần phải tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các đối tượng sử dụng các tài khoản facebook, zalo để bán hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn kiểm tra trà khô tại một cơ sở có dấu hiệu vi phạm về nguồn gốc. Ảnh: Đội QLTT số 6 |
Bằng các biện pháp nghiệp vụ cũng như qua nắm bắt thông tin có một cơ sở kinh doanh Trà (chè) khô trên mạng Facebook đang hoạt động chào bán các sản phẩm trà khô Trung quốc sản xuất trên địa bàn thành phố Lạng Sơn.
Để xác minh thông tin nhận được có chính xác hay không, Đội QLTT số 6 đã xây dựng phương án, thẩm tra xác minh có căn cứ để ban hành Quyết định kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh có tài khoản Facebook có tên Https://www.facebook.com/HTA.bao.san.77 (Hoàng Bảo Tuyết) có địa chỉ tại số 110, đường Ngô Quyền, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn quảng cáo kinh doanh sản phẩm Trà khô và ấm trà.
Tại thời điểm kiểm tra Đội QLTT số 6 đã phát hiện tại cửa hàng đang bày bán 5 loại hàng hóa với gần 100 đơn vị sản phẩm hàng hóa sản xuất ngoài Việt Nam do Trung quốc sản xuất gồm các mặt hàng: Hồng trà đóng hộp; Trà ô long sữa đóng hộp; Trà thiết quan âm; Trà phổ nhĩ đóng hộp không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp. Tổng giá trị hàng hóa theo giá niêm yết tại cửa hàng gần 20 triệu đồng.
Để xác minh và xử lý theo đúng quy định, Đội QLTT số 6 đã ra Quyết định tạm giữ toàn bộ hàng hóa trên chờ xử lý.
Cũng liên quan tới tình hình kinh doanh và buôn bán hàng hóa trên zalo, Facebook trước đó, Tổ QLĐB huyện Bắc Sơn thuộc Đội QLTT số 5 phát hiện tài khoản Facebook có tên là Mỹ phẩm Hà Huệ rao bán trên mạng 37 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm có nguồn gốc, xuất xứ từ nước ngoài.
Ngay sau đó, bằng công tác nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã xác minh làm rõ tài khoản Facebook trên là của ông Trần Văn Hà, đồng thời là chủ cơ sở kinh doanh Mỹ phẩm Hà Huệ, có địa chỉ tại khối phố Trần Phú, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp số hàng hóa trên. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập Biên bản vi phạm hành chính, đồng thời ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trần Văn Hà về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, buộc ông Trần Văn Hà tiêu hủy toàn bộ số tang vật vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đề cập tới tình trạng kinh doanh online, Tổng Cục QLTT cho biết, theo số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, thời gian qua kinh doanh thương mại điện tử trở thành “mảnh đất” màu mỡ mang lại nhiều lợi ích, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời giúp người tiêu dùng mua sắm tiện lợi với giá rẻ hơn, doanh nghiệp đa dạng kênh phân phối, tiếp cận thị trường, giảm chi phí…
Tuy nhiên, theo Tổng Cục QLTT, chính yếu tố trực tuyến đã và đang tạo ra những thách thức cho cơ quan kiểm tra, kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ...gây ảnh hưởng đến xã hội và niềm tin của người tiêu dùng. Chỉ tính đến cuối tháng 3/2020, Bộ đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử xử lý gần 16.200 gian hàng và gần 32.880 sản phẩm vi phạm kinh doanh trên môi trường mạng.
Từ những số liệu này cho thấy, hiện tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ…đang được bày bán công khai trên các website, sàn giao dịch Thương mại điện tử, Facebook, zalo. Do đó, để ngăn chặn tình trạng này lực lượng quản lý thị trường các tỉnh cần phải tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, xử nghiêm các vụ vi phạm nhằm để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Theo VietQ