CDC Lào Cai không mua trực tiếp từ Cty Việt Á mà qua trung gian

Tìm hiểu của phóng viên Báo Thanh tra cho thấy, CDC Lào Cai đã được UBND tỉnh Lào Cai giao tổ chức thực hiện các gói thầu mua sắm bộ sinh phẩm kit xét nghiệm sàng lọc để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong các năm 2020 - 2021.

Theo một báo cáo của các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai về giá kit trên thị trường, năm 2020 chủ yếu có 2 loại kit chính trên thị trường là SuperScript TM III PlatinumTM One-Step qRT-PCR Kit (do Mỹ sản xuất) với giá 185 nghìn đồng và kit của Cty Việt Á sản xuất với giá 470 nghìn đồng.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, năm 2020 CDC Lào Cai đã thực hiện 04 gói thầu có hạng mục sinh phẩm kit của Cty Việt Á giá trị 10 tỷ 175,5 triệu đồng.

Năm 2021 thực hiện 03 gói thầu có hạng mục sinh phẩm kit của Cty Việt Á giá trị 7.535,04 triệu đồng.

Tại các gói thầu này, CDC Lào Cai không mua trực tiếp từ Cty Việt Á mà mua qua một đơn vị trung gian: Chỉ định thầu cho các công ty như: Công ty TNHH Thiết bị y tế và Khoa học Tâm Việt, Công ty Cổ phần Thiết bị y tế Thành An, Công ty TNHH Thiết bị y tế Thành Đông và Công ty TNHH Thiết bị An Việt. Tổng cộng 7 gói thầu mà CDC Lào Cai đã mua của Cty Việt Á trong 2 năm (2020 - 2021) là 17.710,54 triệu đồng.

Mới đây, trong văn bản giải trình CDC Lào Cai đã khẳng định không nhận “hoa hồng” của các đơn vị trúng thầu bộ sinh phẩm kit xét nghiệm sàng lọc của Cty Việt Á.

Chỉ định thầu đối với nhà thầu không đủ năng lực?

Ngoài việc chỉ định thầu cho các công ty nêu trên để mua các bộ sinh phẩm kit xét nghiệm sàng lọc của Cty Việt Á thì CDC Lào Cai còn thực hiện chỉ định thầu rút gọn cho Công ty TNHH Y tế Minh Nhật trúng 02 gói thầu:

Ngày 19/7/2021, bằng Quyết định số 176/QĐ-KSBT đã phê duyệt kết quả “gói thầu mua sinh phẩm phục vụ công tác xét nghiệm phòng chống dịch Covid-19” với giá trị 2.865,9 triệu đồng.

Tiếp đó, ngày 9/8/2021, đã có Quyết định số 198/QĐ-KSBT, CDC Lào Cai đã phê duyệt gói thầu mua sinh phẩm vật tư, môi trường, hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 với giá trị là 3.667,7 triệu đồng.

CDC Lào Cai nhận xét hồ sơ năng lực nhà thầu là Công ty TNHH Y tế Minh Nhật chưa đánh giá xem xét kỹ năng lực tài chính, kinh nghiệm trong các hợp đồng tương tự của nhà thầu, hồ sơ thầu là bản phô tô không có công chứng của cơ quan có thẩm quyền như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hồ sơ tài chính, hợp đồng tương tự, hồ sơ nhân sự… Tuy nhiên, vẫn được CDC Lào Cai chấp nhận.

Được biết, Công ty TNHH Y tế Minh Nhật mới được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 13/4/2020. Tức là đến thời điểm được CDC Lào Cai chỉ định trúng thầu mới hoạt động được khoảng 1 năm 3 tháng.

Nhiều giám đốc CDC bị khởi tố cũng mua kit của Cty Việt Á qua trung gian với giá 470 nghìn đồng

Ở khía cạnh liên quan, ngày 19/2/2022, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc CDC tỉnh Thừa Thiên Huế để làm rõ việc mua bán kit xét nghiệm Covid-19. Trước đó, ông Đức đã khẳng định chắc như đinh đóng cột là "không bao giờ nhận của Cty Việt Á một đồng nào". Vì CDC tỉnh Thừa Thiên Huế cũng không mua trực tiếp từ Cty Việt Á mà qua trung gian tương tự như CDC Lào Cai.

Trước đó nữa, các ông Lâm Văn Tuấn, Giám đốc CDC tỉnh Bắc Giang và ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương đã bị khởi tố về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và một số người có sai phạm khi tổ chức đấu thầu mua kit xét nghiệm Covid-19 do Cty Việt Á sản xuất với giá 470 nghìn đồng/kit.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, quá trình kinh doanh kit test Covid-19 do Cty Việt Á sản xuất, Phan Quốc Việt (Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Cty Việt Á) cùng các thuộc cấp đã "lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test để kinh doanh". Hơn nữa, kit test Covid-19 là sản phẩm thuộc danh mục được áp dụng "chỉ định thầu rút gọn" nên Việt đã chủ động cung ứng trước thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố để sử dụng.

Việt sau đó thông đồng với lãnh đạo CDC để hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách sử dụng các pháp nhân là các công ty liên danh, công ty con để lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào. Việc này làm giá sản phẩm của Cty Việt Á cao hơn nhiều so với thực tế, định giá ở mức 470.000 đồng/kit. Hành vi này bị đánh giá là "nâng khống giá", vi phạm quy định về đấu thầu.

Ngoài ra, để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế với số lượng lớn và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán, Việt đã thỏa thuận chi số tiền lớn cho lãnh đạo nhiều đơn vị mua hàng.