Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Cà Mau lại xuất hiện tình trạng cua trong vuông tôm chết bất thường

nguoiduatin.vn 11:14 21/03/2022

Những ngày qua, tại các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển xảy ra tình trạng cua nuôi kết hợp trong vuông tôm chết bất thường.

Ngày 20/3, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh này vừa có văn bản chỉ đạo các ngành chuyên môn rà soát, xác định nguyên nhân cua nuôi của tỉnh này bị chết.

Theo đó, tại các huyện như: Đầm Dơi, Năm Căn và Ngọc Hiển xảy ra tình trạng cua nuôi kết hợp trong vuông tôm chết bất thường với mức độ thiệt hại từ 30 - 100% .

Theo phản ánh của người nuôi, khi cua đang phát triển và bắt đầu cho thu hoạch thì tình trạng cua chết xảy ra liên tiếp hai con nước gần đây. Cua khi bắt lên khoảng 20 phút thì chết nên thương lái không thu mua.

Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ, Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu, UBND các địa phương trên và các sở, ngành, đơn vị chức năng khẩn trương kiểm tra, rà soát, xác định nguyên nhân dẫn đến cua nuôi bị chết.

“Nếu cua chết do nguyên nhân tương tự những năm trước đây, Sở NN&PTNT phải đưa ra biện pháp, hướng dẫn nhân dân khắc phục triệt để, tránh tình trạng cua chết lặp lại hàng năm; thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, đốn đốc người dân các biện pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất”, Chủ tịch tỉnh Cà Mau chỉ đạo rõ.

Đồng thời, Chủ tịch tỉnh còn chỉ đạo rà soát, triển khai thực hiện hồ sơ, thủ tục hỗ trợ khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh đúng quy định (nếu đủ điều kiện). Báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 26/3 tới.

Trước đó, vào năm 2021, cua nuôi ở các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển cũng xuất hiện tình trạng chết bất thường trên diện rộng, gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm.

Bước đầu, ngành chức năng xác định cua bị nhiễm ký sinh trùng có hình dạng loại tác nhân này là ấu trùng cypris của giáp xác chân tơ Sacculina. sp, loài ký sinh trùng giáp xác chân tơ (Sacculina. sp), sống ký sinh trên các loài cua, ghẹ.

Ký sinh trùng này ký sinh trong xoang thân và cơ, làm thay đổi nội tiết của vật chủ, ảnh hưởng đến khả năng lột vỏ, hoạt động, sinh sản, làm chậm quá trình sinh trưởng. Nếu cua, ghẹ có tỷ lệ nhiễm cao gây sự suy kiệt quần đàn, dẫn đến cua có dấu hiệu bị rụng chân.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát ở huyện Ngọc Hiển chưa mang tính đại diện (chỉ thu 3 mẫu cua bệnh/vùng nuôi), ký sinh trùng tìm thấy qua mẫu phân tích, hiện nay chưa được nghiên cứu cụ thể nào trên đối tượng nuôi và mức độ ảnh hưởng của tác nhân này đến sức khỏe của đối tượng nuôi cũng như tìm ra giải pháp phòng trị bệnh.

Bên cạnh đó, đến nay chưa có nghiên cứu sâu nào về bệnh trên cua do giáp xác chân tơ gây ra cũng như chưa có giải pháp phòng, trị hiệu quả nên chưa có giải pháp khắc phục và điều trị.

Từ đó, ngành chức năng khuyến cáo người nuôi cua biển thương phẩm cần chú trọng trong việc chọn giống tốt khỏe mạnh, sạch bệnh; cần có thời gian cải tạo, sên vét nền đáy vuông nuôi tôm, cua để hạn chế mầm bệnh trong môi trường cũng như quản lý tốt môi trường nuôi.

Thường xuyên theo dõi diễn biến dịch bệnh trên cua, tôm và liên hệ cán bộ kỹ thuật cơ sở (cán bộ Khuyến nông) để kiểm tra, hướng dẫn phòng bệnh; diệt khuẩn để loại mầm bệnh, sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường, nền đáy vuông nuôi…nhằm hạn chế phát sinh dịch bệnh.

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/ca-mau-lai-xuat-hien-tinh-trang-cua-trong-vuong-tom-chet-bat-thuong-a547014.html

Bạn đang đọc bài viết Cà Mau lại xuất hiện tình trạng cua trong vuông tôm chết bất thường tại chuyên mục Cảnh báo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Cảnh báo