Sau phản ánh về việc Công ty TNHH LAVA (Công ty LAVA) đã "vẽ" ra các công dụng không có của sản phẩm, và quảng cáo thổi phồng chất lượng từ sản phẩm thường, thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh, gây hiểu lầm cho người dùng trong bài viết "Không phải thuốc chữa bệnh nhưng Công ty LAVA đã 'vẽ thêm' công dụng cho sản phẩm?", ngày 12/3/2021, Lãnh đạo Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Quảng Trị đã có trao đổi với Phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) về các thông tin được phản ánh.
Theo Lãnh đạo Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Quảng Trị, có hiện tượng nhiều sản phẩm chỉ là các sản phẩm thường, sản phẩm thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng nhưng người sản xuất, bán sản phẩm đã tự quảng cáo, giới thiệu công dụng như thuốc chữa bệnh, không đúng quy định pháp luật. "Về thông tin được phản ánh, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra, làm rõ", vị này khẳng định.
Tiếp tục tìm hiểu thêm các thông tin liên quan về quảng cáo, giới thiệu các công dụng, chất lượng của các sản phẩm nêu tại 2 trang web: https://suckhoexanh.net/ và https://lavaviet.com/ được đứng tên Công ty TNHH LAVA có địa chỉ 21 Nguyễn Thiện Thuật, Phường Đông Lương, Tp. Đông Hà, Tỉnh Quảng Trị phát hiện không chỉ sản phẩm Dầu tràm LAVA mà các sản phẩm khác như Cao chè vằng LAVA, Trinh nữ hoàng cung LAVA, Kim tiền thảo LAVA, Cao hà thủ ô, Trà nở ngày đất... cũng được Công ty TNHH LAVA vẽ thêm công dụng chất lượng, gắn thêm những ngôn từ bị cấm, và chỉ thường dùng đối với các sản phẩm thuốc như "trị bệnh", "điều trị", "trị suy nhược"...,
Cụ thể như sản phẩm Trà dây LAVA được cấp xác nhận công bố tháng 9/2016 đến nay giấy xác nhận công bố đã hết hiệu lực nhưng vẫn được sử dụng để quảng cáo. Tại giấy xác nhận công bố ghi rất rõ: sản phẩm thuộc nhóm "thực phẩm bảo vệ sức khỏe". Điều này được hiểu đây không phải là thuốc chữa bệnh. Thế nhưng, khi quảng cáo về sản phẩm này, hình ảnh và nội dung lại được nêu là "Điều trị đau dạ dày có khuẩn HP"; "Điều trị bệnh dạ dày với Trà Dây LAVA"; "Thời điểm sáng sớm khuẩn H.P bám lên thành dạ dày, trà dây bao phủ diệt trừ và bài tiết ra ngoài, đây là nguyên nhân vượt trội trong điều trị của Trà dây so với các thuốc khác".
Hay như sản phẩm Cao hà thủ ô lại quảng cáo là: "Bồi bổ cơ thể, đẹp da, trị suy nhược thần kinh, ích huyết, lưng gối đau mỏi, khỏe gân cốt, di tinh"; "Cao Hà thủ ô là bài thuốc quý trong điều trị rụng tóc, tóc bạc sớm". Còn sản phẩm Kim tiền thảo LAVA quảng cáo thành "trị gan mật kết sỏi, sỏi thận, tiểu buốt"; "điều trị sỏi niệu, sỏi mật"... Những quảng cáo như vậy được cho là gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Theo đại diện Hiệp hội Thực phẩm chức năng, những năm gần đây, thị trường TPCN tại Việt Nam là một mảnh đất màu mỡ để nhiều doanh nghiệp tập trung vào sản xuất - kinh doanh mặt hàng này. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp phân phối TPCN đã cố tình làm ăn chụp giật, coi lợi nhuận là trên hết, có hành vi lừa dối người tiêu dùng, cố tình quảng cáo sai sự thật, quảng cáo thực phẩm như thần dược khiến nhiều người mua phải sản phẩm kém chất lượng, thậm chí độc hại cho sức khỏe, tiền mất tật mang và dư luận hết sức bức xúc.
PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết việc lừa dối quảng cáo TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh là những hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Vì lợi nhuận mà họ sẵn sàng lừa dối, kể cả những người bệnh đang ở hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.
Theo ông Phong, các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, TPCN chỉ mang tính hỗ trợ. Vì thế, tất cả quảng cáo về công dụng thần kỳ, gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh đều là những quảng cáo "nổ" vi phạm quy định. Với những trường hợp như vậy, Cục An toàn thực phẩm đăng tải thông tin công khai, khuyến cáo người tiêu dùng trong khi cơ quan chức năng đang xử lý, người dân không mua, sử dụng các sản phẩm quảng cáo sai sự thật.
Chúng tôi tiếp tục phản ánh trong các bài tiếp theo!