Hà Nội, Thứ Năm Ngày 25/04/2024

Cty Linh Phát làm trái Thông tư 48 về thẩm định chất lượng tôm hùm xuất khẩu?

TDVN 09:38 08/03/2021

Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hải sản Linh Phát (gọi tắt là Công ty Linh Phát) có địa chỉ tại TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa đã “bỏ qua” khâu thẩm định chất lượng tôm hùm để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Chiểu theo Thông tư 48, trong quá trình thu mua tôm hùm từ các hộ nuôi, công ty này phải đem về nhà xưởng để thẩm định chất lượng, đóng gói, dán tem sau đó sẽ vận chuyển ra cảng ICD Thành Đạt (Móng Cái - Quảng Ninh) để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, quá trình thu mua tôm hùm công ty Linh Phát đã không đem về nhà xưởng để thực hiện các bước nêu trên mà vận chuyển trực tiếp ra Cảng ICD Thành Đạt (Móng Cái – Quảng Ninh). Bên cạnh việc công ty "bỏ qua" khâu thẩm định thì việc xây dựng nhà xưởng của Công ty Linh Phát có diện tích nhỏ không đáp ứng được với nhu cầu thực tế.

Cũng theo phản ánh, đối với quá trình cấp chứng thư, theo quy định khi cấp chứng thư thì lô hàng nào sẽ kèm chứng thư theo lô hàng đó. Tuy nhiên công ty Linh Phát sử dụng chứng thư không đúng quy định, ví dụ như: Lấy chứng thư cho lô hàng ngày hôm nay, sau khi có chứng thư thì gửi chứng thư bằng máy bay ngay trong đêm ra Sân bay Vân Đồn (Móng Cái – Quảng Ninh) để sử dụng cho lô hàng ngày hôm sau.

Trên thực tế, thời gian vận chuyển lô hàng khoảng gần 40 tiếng thì thì phải sau gần 2 ngày lô hàng đó mới đến được cảng ICD Thành Đạt (Móng Cái – Quảng Ninh).

Bài 1: Công ty TNHH Linh Phát (Khánh Hòa) có làm trái Thông tư 48 về thẩm định chất lượng tôm hùm xuất khẩu sang Trung Quốc?. - Ảnh 1.

Trụ sở Trung tâm Chất lượng nông lâm sản và thủy sản vùng 3

Trước những thông tin phản ánh, PV VOVTV đã có buổi làm việc với ông Lê Hoàng Lâm, Giám đốc Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 3 (số 1105, đường Lê Hồng Phong, phường Phước Long, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).

Tại trụ sở ông Lâm cho biết: Hiện trên địa bàn của Trung tâm Vùng 3 có 4 cở sở đủ điều kiện để xuất khẩu tôm hùm sống sang thị trường Trung Quốc gồm: Công ty TNHH MTV Hải sản Thành Phát – tại số 21, QL1A, thôn Cát Lợi, xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang (mã số TS 639); Công ty TNHH Mai Sơn – địa chỉ Tổ dân phố Nghĩa Quý, phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh (mã số TS 655); Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ hải sản Linh Phát - Tổ dân phố Phú Thịnh, Phường Cam Phú, TP. Cam Ranh (mã số TS-642); Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ sản xuất Phát Lợi - số 5 Hùng Vương, phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa (mã số TS-647).

Đối với quy trình thẩm định và cấp Chứng nhận cho thủy sản xuất khẩu bao gồm cả thủy sản sống để xuất sang Trung Quốc được thực hiện theo Thông tư 48/2013 và Thông tư 02/2017 của Bộ NN&PTNT.

Theo đó, doanh nghiệp nào có nhu cầu về đăng ký xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc thì phải thỏa mãn 2 điều kiện. Đầu tiên, cơ sở sản xuất phải được thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP thủy sản xuất khẩu, cấp bởi Chi cục quản lý chất lượng thủy sản tại khu vực Trung bộ. Đối với điều kiện này thì Công ty Linh Phát đã được Chi cục quản lý chất lượng thủy sản khu vực Trung bộ thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP xuất sang Trung Quốc với mã số TS642.

Thứ hai, đối với lô hàng thì doanh nghiệp có trụ sở ở vùng nào thì đăng ký thẩm định cấp Giấy chứng nhận ở Trung tâm vùng hoạt động trên địa bàn đó. Cụ thể Công ty Linh Phát đăng ký thẩm định tại Trung tâm vùng 3, khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp thì các phòng nghiệp vụ sẽ tiến hành giải quyết theo đúng quy định.

Bài 1: Công ty TNHH Linh Phát (Khánh Hòa) có làm trái Thông tư 48 về thẩm định chất lượng tôm hùm xuất khẩu sang Trung Quốc?. - Ảnh 2.

Theo quy định lô hàng sau khi được thu mua phải đem về cơ sở để thẩm định, đóng gói, dán tem sau đó mới được vận chuyển đi xuất khẩu

Riêng đối với loại hàng thủy sản sống thì doanh nghiệp sẽ có 2 hình thức để đóng gói xuất khẩu. Thứ nhất, doanh nghiệp sẽ thu mua rồi vận chuyển bằng xe nước (tôm hùm được giữ sống bằng thùng composite được sục oxy liên tục để vận chuyển về cơ sở đóng gói. Tại cơ sở đóng gói, nếu như thủy sản sống (tôm hùm – PV) được xuất khẩu bằng máy bay thì toàn bộ lô hàng phải được xuống hồ (bể chứa tôm – PV) và từ hồ nuôi tôm hùm sẽ được gây mê, làm lạnh, rồi bao gói sau đó đóng thùng xốp để vận chuyển ra sân bay xuất khẩu bằng đường hàng không.

Thứ hai, doanh nghiệp tập kết tôm hùm trong xe nước về cơ sở sản xuất hoặc là địa điểm tập kết gần cơ sở sản xuất, sau đó kiểm tra viên của Trung tâm vùng 3 sẽ tiến hành thẩm định chủ yếu kiểm tra cảm quan, ngoại quan, chủng loại, kích cỡ, số lượng, khối lượng lô hàng ngay tại xe nước đó. Số lượng tôm hùm trên xe nước này không nhất thiết phải xuống hồ (bể chứa tôm – PV) và không có hoạt động bao gói. Sau khi có kết quả thẩm định thì sẽ được báo về Trung tâm để cấp chứng thư cho lô hàng đó.

Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản thì sẽ được xếp hạng doanh nghiệp thuộc danh sách ưu tiên (theo mức độ ưu tiên 1 – 2 – 3…) và ngoài danh sách ưu tiên. Đối với những doanh nghiệp không thuộc danh sách ưu tiên thì 100% lô hàng sẽ được thẩm định tại hiện trường (tại cơ sở bao gói – PV) còn các doanh nghiệp nằm trong danh sách ưu tiên thì không thẩm định đối với từng lô hàng mà chỉ thẩm định, lấy mẫu thẩm tra đối với các lô hàng sản xuất cấu thành nên lô hàng xuất khẩu. Đối với Công ty Linh Phát thì đơn vị này không thuộc danh sách ưu tiên.

Bài 1: Công ty TNHH Linh Phát (Khánh Hòa) có làm trái Thông tư 48 về thẩm định chất lượng tôm hùm xuất khẩu sang Trung Quốc?. - Ảnh 3.

Một lô hàng của Công ty Linh Phát được đóng trong thùng composite được tập kết tại bãi đất trống cách nhà xưởng khoảng 200m (ảnh chụp ngày 22/2/2021)

Được biết, vào ngày 5/2, Trung tâm vùng 3 có cấp 5 chứng thư đối với mặt hàng xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc cho Công ty Linh Phát (tổ dân phố Phú Thịnh, phường Cam Phú, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa). Tuy nhiên, tại thời điểm PV có mặt tại khu vực của Công ty vào ngày 5/2 (sáng từ 9 đến 12h, chiều từ 14h đến 21h), theo ghi nhận không có lô hàng nào được đưa về xưởng để tiến hành các bước như thẩm định, đóng gói, dán tem theo quy định.

Trả lời về nội dung này, ông Lê Hoàng Lâm cho biết: Trong ngày mùng 5/2 công ty Linh Phát đăng ký cấp chứng thư cho 4 lô tôm hùm sống và 1 lô cua sống. Đến 15h cùng ngày, Công ty này thông báo hủy 3 lô tôm hùm sống với lý do không thu mua được đủ khối lượng tôm hùm.

Như vậy, trong ngày 5/2 Trung tâm chỉ cấp chứng thư cho 1 lô tôm hùm sống có số chứng thư là YC0599/21/CH với khối lượng là 4,2 tấn và vận chuyển bằng 2 xe chuyên dụng. Còn chứng thư có số hiệu YC0600/21/CH thuộc lô hàng bị hủy vì không có hàng (tôm hùm – PV) để thẩm định.

"Đối với việc thẩm định lô hàng, thì 100% lô hàng của công ty Linh Phát phải được thẩm định tại hiện trường (tại cơ sở đóng gói – PV). Các kiểm tra viên của Trung tâm được phân công đi thẩm định trong quá trình thẩm định phải lưu giữ hình ảnh, tài liệu, hồ sơ, số BKS phương tiện vận chuyển… để làm bằng chứng đã đi thẩm định lô hàng này. Sau khi có chứng thư, doanh nghiệp sẽ vận chuyển lô hàng bằng phương tiện máy bay hay đi bằng đường bộ là do 2 bên tự thống nhất với nhau".

Bài 1: Công ty TNHH Linh Phát (Khánh Hòa) có làm trái Thông tư 48 về thẩm định chất lượng tôm hùm xuất khẩu sang Trung Quốc?. - Ảnh 4.

Ông Lê Hoàng Lâm (đeo kính) trả lời câu hỏi của PV VOVTV

"Nếu như không có lô hàng nào về xưởng đóng gói, thẩm định chất lượng mà vẫn có chứng thư để hàng xuất sang Trung Quốc thì đó là việc làm sai trái, giả mạo của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp tạo hồ sơ, tài liệu giả để xuất khẩu lô hàng một cách phi pháp thì doanh nghiệp phải hoàn toàn chịu trách nhiệm", ông Lâm khẳng định.

Được biết, thời gian vận chuyển của lô hàng tôm hùm từ TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa ra tới cảng ICD Thành Đạt, Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh mất khoảng 34 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, theo hồ sơ, tài liệu mà PV VOVTV có được thì lô hàng có số chứng thư YC0599 được cấp ngày mùng 5/2 và lô hàng có số chứng thư YC0600/21/CH lại "xuất hiện" trong sổ nhật ký của hải quan Trung Quốc vào sáng ngày 6/2.

Công ty TNHH Linh Phát (Khánh Hòa) có làm trái Thông tư 48 về thẩm định chất lượng tôm hùm xuất khẩu sang Trung Quốc? - Ảnh 5.
Công ty TNHH Linh Phát (Khánh Hòa) có làm trái Thông tư 48 về thẩm định chất lượng tôm hùm xuất khẩu sang Trung Quốc? - Ảnh 6.

Có hay không việc giả mạo Chứng thư có mã số YC0600/21/CH?

Thời gian cập bến của 2 lô hàng có số chứng thư nêu trên lần lượt như sau: YC0600/21/CH là 9h06 và 9h07; YC0599/21/CH là 8h58 và 8h59. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi, thời gian vận chuyển lô hàng bằng đường bộ là 34 tiếng nhưng chứng thư lại "xuất hiện" trong vòng 24 tiếng? Tại sao lô hàng lại "đi" chậm hơn chứng thư?

"Sau khi có phản ánh, chúng tôi sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra lại quy trình thẩm định đối với nội bộ Trung tâm. Sau đó kiểm tra, điều chỉnh lại hoạt động của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có biểu hiện, thông tin gì trái với pháp luật thì chúng tôi sẵn sàng ngừng, dừng, không cấp chứng thư cho lô hàng. Không để ảnh hưởng cũng như làm xấu bức tranh xuất khẩu thủy sản, làm ảnh hưởng tới những doanh nghiệp làm ăn chân chính".

Theo quy định tại Điều 24 của Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT, ngày 13/11/2013 quy định. Yêu cầu đối với sản phẩm tôm hùm xuất khẩu như sau:

1. Được sản xuất tại Cơ sở có tên trong danh sách các Cơ sở tham gia chương trình chứng nhận xuất khẩu theo từng thị trường.

2. Đáp ứng các quy định về ghi nhãn các thông tin bắt buộc theo quy định của thị trường nhập khẩu, không làm sai lệch bản chất của hàng hóa và không vi phạm pháp luật Việt Nam .

3. Đối với sản phẩm được sơ chế, chế biến từ các Cơ sở khác nhau:

a) Cơ sở thực hiện công đoạn sản xuất cuối cùng (bao gói, ghi nhãn sản phẩm) phải có tên trong danh sách các Cơ sở tham gia chương trình chứng nhận xuất khẩu theo từng thị trường;

b) Cơ sở thực hiện các công đoạn sản xuất trước đó phải đáp ứng các quy định về điều kiện bảo đảm ATTP của Việt Nam và thị trường nhập khẩu tương ứng;

c) Các Cơ sở tham gia sơ chế, chế biến lô hàng có văn bản cam kết cùng chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp xử lý của Cơ quan kiểm tra, chứng nhận trong trường hợp lô hàng bị Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo hoặc Cơ quan kiểm tra, chứng nhận phát hiện có vi phạm về ATTP;

d) Các Cơ sở tham gia sản xuất lô hàng có trách nhiệm lưu giữ đầy đủ hồ sơ sản xuất và kiểm soát ATTP đối với các công đoạn sản xuất do Cơ sở thực hiện, bảo đảm khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả.

Theo VOV

Link gốc : https://truyenhinhvov.vn/cong-ty-tnhh-linh-phat-khanh-hoa-co-lam-trai-thong-tu-48-ve-tham-dinh-chat-luong-tom-hum-xuat-khau-sang-trung-quoc-164210224131500788.htm

Bạn đang đọc bài viết Cty Linh Phát làm trái Thông tư 48 về thẩm định chất lượng tôm hùm xuất khẩu? tại chuyên mục Cảnh báo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Cảnh báo