Đa dạng mặt hàng sấy khô không rõ nguồn gốc 'núp bóng' hàng Việt
Theo ghi nhận hiện nay trên thị trường các sản phẩm mứt, hoa quả sấy từ chuối, khoai lang và sản phẩm liên quan đến hồng như hồng treo gió, hồng sấy dẻo… Đây cũng là lúc, các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ trà trộn vào thị trường, “núp bóng” hàng Việt đánh lừa người tiêu dùng.
Có thể nhắc đến các sản phẩm đang được ưa chuộng trên thị trường thời điểm này là hồng treo gió, hồng sấy dẻo. Đây là thời điểm hồng chín rộ tại Đà Lạt và các khu vực lân cận, nhà vườn liên tục cho ra đời những mẻ hồng treo, hồng sấy ngon dẻo đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, không ít sản phẩm trên thị trường hiện nay có nguồn gốc từ Trung Quốc gắn mác sản phẩm Đà Lạt. So với các sản phẩm hồng chính gốc được làm thủ công tại các nhà vườn uy tín, hồng nhập từ Trung Quốc có màu sắc tươi, để được rất lâu mà không bị hỏng và giá thành thấp hơn rất nhiều.
Đại diện cơ sở sản xuất hồng treo gió Quỳnh Chi tại thôn Đất Làng, xã Xuân Trường, huyện Cầu Đất, thành phố Đà Lạt cho biết, hồng treo trong nước thường có giá cao do quy trình chế biến thủ công, mất nhiều thời gian và công sức. Cạnh đó, hồng do không có chất bảo quản hoặc dùng bảo quản trong định mức quy định, nên sản phẩm buộc phải hút chân không, không để bên ngoài được lâu, thời hạn sử dụng ngắn.
Hoa quả sấy khô nhập kém chất lượng bán tràn lan trên mạng cẩn trọng khi lựa chọn và sử dụng.Ảnh minh họa |
Hoa quả sấy khô nhập kém chất lượng bán tràn lan trên mạng cẩn trọng khi lựa chọn và sử dụng. Ảnh minh họa
Ngược lại, hồng nhập khẩu từ Trung Quốc được sản xuất hàng loạt, với quy trình công nghiệp, sử dụng các chất bảo quản để kéo dài thời gian sử dụng, do đó giá thành rất thấp. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng giữa hàng nội địa chất lượng cao và hàng nhập khẩu giá rẻ, kém an toàn.
Chị Ngô Thị Thùy Nhi, phụ trách sản phẩm của thương hiệu nông sản sấy Đà Lạt B.Y cho biết: “Bản thân sản phẩm của chúng tôi được sản xuất từ gốc bằng cách thu mua nguyên liệu, tự chế biến, còn phân phối cho nhiều đơn vị khác. Thế nhưng, trong quá trình kinh doanh, có những đơn vị vào chào mời sản phẩm tương tự với giá nhập thấp hơn nhiều so với giá chúng tôi sản xuất".
Ví dụ như loại lang mật Đà Lạt sấy dẻo, trong khi giá thu mua khoai mật hiện nay để sản xuất cũng đã gần 20 ngàn đồng một kí và một kí khoai lang tươi khi làm ra sản phẩm sấy dẻo chỉ còn 300g. Thế nhưng, các đơn vị này sẵn sàng chào giá khoai lang mật sấy dẻo chỉ 50 ngàn đồng/kg. Không những thế, khoai lang dẻo là sản phẩm khó bảo quản, chỉ để được cao lắm là hai tháng ở ngoài trời ở nhiệt độ thường. Trong khi đó, sản phẩm được tiếp thị có thể để hơn nửa năm. Tương tự, nhiều sản phẩm dâu, chuối, mít… sấy cũng được chào bán với màu sắc đẹp, giá thấp hơn sản phẩm trong nước nhiều và thời hạn bảo quản lâu gấp 3, 4 lần.
Sản phẩm sấy khô không rõ nguồn gốc có thể chứa các chất bảo quản, phẩm màu
Theo các chuyên gia y tế, các loại hoa quả sấy nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc không rõ nguồn gốc có thể chứa các chất bảo quản, phẩm màu và hóa chất độc hại nhằm giữ cho sản phẩm có màu sắc đẹp và thời gian bảo quản lâu hơn. Những hóa chất này nếu sử dụng quá liều hoặc không được kiểm soát đúng cách có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, hoặc ảnh hưởng lâu dài đến gan, thận.
Thực tế trước đó cơ quan chức năng của Trung Quốc đã phát hiện hàng loạt cơ sở sản xuất trái cây sấy khô như đào, xí muội, hồng khô... của nước này sử dụng các loại chất phụ gia, hóa chất có thể gây ung thư. Tân Hoa xã cho biết, dựa theo kết quả của Trung tâm kiểm nghiệm phân tích Hóa Lý, thành phố Bắc Kinh, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã nêu đích danh các công ty có sản phẩm chứa chất phụ gia vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Theo đó, các sản phẩm đào khô, xí muội, hồng khô, táo tàu và nhiều loại trái cây khác của ba công ty thực phẩm uy tín tại thành phố Hàng Châu là Siêu Đạt, Linh Hâm, Bách Di chứa một lượng lớn các chất phụ gia như chất tạo ngọt saccharin, sodium cyclamate; chất tạo màu carmine, amaranth; chất tẩy trắng và bảo quản sulfur dioxide. Liều lượng chất phụ gia có trong các sản phẩm này cao gấp ba lần quy định của cơ quan chức năng.
Cũng theo "Giờ cao điểm tin tức tối" của CCTV, cơ quan chức năng thành phố Tô Châu đã lấy mẫu kiểm tra các loại hạt hướng dương rang trên thị trường, kết quả phát hiện 7 loại hạt hướng dương có chất dễ gây teo não. Trên thực tế, để cho hạt hướng dương giòn và giữ được vị thơm ngon lâu hơn, nhà sản xuất đã thêm phèn vào. Phèn này có chứa nhôm mà khi vào cơ thể sẽ rất khó bị đào thải ra ngoài, ảnh hưởng đến tế bào não, tế bào thần kinh, dẫn đến suy giảm trí nhớ, nghiêm trọng hơn sẽ làm teo não, đãng trí, ung thư...
Ngoài ra theo PGS.TS Trịnh Lê Hùng, Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, để bảo quản trái cây khỏi hư hỏng và biến màu, một số cơ sở sản xuất đã sử dụng sulfur dioxide, một thành phần chính của khí than đá được đốt cháy trong các nhà máy nhiệt điện. Tuy nhiên, hóa chất này có thể gây hại cho môi trường và sức khỏe con người, khiến cho người tiêu thụ có thể phải đối mặt với các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, mẩn ngứa, hoặc suyễn khi tiếp xúc.
Các công ty sản xuất trái cây sấy thường thêm đường để tạo vị ngọt đậm đà, đặc biệt là đối với các loại trái cây ít ngọt. Các chất tạo ngọt như saccharin, sodium cyclamate, cùng các chất tạo màu như carmine và amaranth, cũng như chất tẩy trắng và bảo quản sulfur dioxide, khi được sử dụng quá liều có thể gây tác động xấu cho sức khỏe, thậm chí gây ung thư.
PGS.TS Trịnh Lê Hùng cũng lưu ý rằng một số cơ sở sản xuất thủ công, phơi, và sấy thủ công có thể khiến sản phẩm bị nhiễm bụi bẩn và vi sinh vật gây hại, hoặc làm mất hết các chất dinh dưỡng trong hoa quả, khiến sản phẩm chỉ còn “xác”, không có lợi cho sức khỏe.
Tuy nhiên, nếu quy trình sản xuất đảm bảo không sử dụng hóa chất độc hại, thì hoa quả sấy khô vẫn có thể là thực phẩm tốt cho sức khỏe. Một số loại trái cây Việt Nam sau khi sấy vẫn giữ được một số khoáng chất như kali, magiê trong chuối, carotene, canxi, sắt trong dứa, ổi, với hàm lượng khoảng 1-3% trên mỗi 100g sản phẩm sấy khô.
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, mặc dù không thể so sánh trực tiếp với trái cây tươi, nhưng nếu sản xuất đúng quy trình và không sử dụng hóa chất độc hại, trái cây sấy khô vẫn có thể là một lựa chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe.
Theo Tạp chí Chất lượng Việt Nam