Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 05/10/2024

Tiềm ẩn nhiều nguy hiểm từ những cây cầu dân sinh đang bị xuống cấp tại Hà Nội

TDVN 09:03 16/09/2024

Theo thông tin từ Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cho thấy còn rất nhiều cầu dân sinh, cầu tạm đang bị xuống cấp cần cải tạo, sửa chữa, đầu tư xây dựng mới.

Theo thông tin của Sở GTVT Hà Nội, theo ghi nhận tình trạng nứt vỡ dầm, lan can rỉ sét, mặt cầu thủng, chắp vá,....khiến cây cầu tưởng chừng như có thể sập bất cứ lúc nào. Đây là thực trạng của rất nhiều cây cầu tạm, cầu dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Qua kết quả rà soát các công trình cầu yếu, cầu tạm trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy trên địa bàn còn tồn tại 89 cầu yếu, cầu tạm cần cải tạo, sửa chữa, đầu tư xây dựng mới.

Trong nhóm các công trình cầu yếu do địa phương đề xuất, có rất nhiều công trình kết cấu tạm bợ, không ổn định do người dân tự dựng lên để đáp ứng nhu cầu đi lại giao thương buôn bán trong khu vực.

Mặt khác, các cầu yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều hư hỏng của kết cấu chịu lực. Theo đó, đối với cầu bê tông cốt thép, hệ thống dầm bị nứt vỡ, đặc biệt tại các vị trí đầu dầm; lớp phủ mặt cầu, khe co giãn, lan can cũng hư hỏng nặng… Còn với cầu thép, các dầm và hệ liên kết ngang hầu hết đều bị rỉ sét, dầm chủ nhiều cầu bị đứt gãy, rỉ thủng… không đảm bảo khả năng liên kết, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Nhiều cây cầu trên địa bàn thành phố Hà Nội đang bị yếu và xuống cấp cần được tu bổ và sửa chữa kịp thời. Ảnh: Lao động

Ngoài ra, nhiều cầu có quy mô mặt cắt ngang chưa đồng bộ với quy mô của tuyến đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông qua cầu. Chiều rộng cầu nhỏ hơn chiều rộng của đường đầu cầu, làm tính chất liên tục của tuyến đường giao thông bị co thắt, gián đoạn.

Đa số các cầu trong danh sách cầu yếu đều phải hạn chế tải trọng do đã được xây dựng từ lâu, kết cấu chịu lực xuống cấp. Nhiều cầu chỉ đủ đáp ứng tải trọng của xe thô sơ, xe máy,... không đáp ứng được nhu cầu giao thông hiện tại.

Tải trọng bị hạn chế làm ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác của cả đoạn tuyến. Cá biệt nhiều công trình cầu tuy kết cấu đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không cắm biển hạn chế tải trọng, các phương tiện quá khổ quá tải vẫn thường xuyên lưu thông. Đây là nguyên nhân làm cầu ngày càng xuống cấp và nguy cơ sập đổ là khó tránh khỏi.

Điển hình như Cầu Trắng (Giáp Bát, Hoàng Mai), cầu 72 II (Hoài Đức), cầu Kim Ngưu (Hai Bà Trưng), cầu Yên Sở (Hoài Đức),….Đặc biệt phải nhắc tới cầu Long Biên. Sau 120 năm đưa vào khai thác vận hành, đến nay, nhiều hạng mục trên cầu Long Biên đã xuống cấp nghiêm trọng và gây mất an toàn cho người tham gia giao thông.

Cầu Long Biên được biết là cây cầu huyết mạch, kết nối các tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn với mạng lưới đường sắt quốc gia. Tuy nhiên theo ghi nhân hiện trạng cây cầu đang xập xệ. Mặt đường cầu Long Biên trồi sụt, lồi lõm do tồn tại một số ổ gà. Lan can cầu phía đường sắt bị rỉ, hao mòn và cong vênh.

Người dân cho biết, quá trình di chuyển qua cầu gặp nhiều khó khăn do mặt đường không được thảm nhựa đồng bộ, xuất hiện nhiều vết chắp vá sau những lần trùng tu cây cầu. Mặc dù cây cầu đã trải qua nhiều lần sửa chữa nhưng không thể khắc phục được tình trạng mấp mô ở mặt cầu. Nhiều đoạn mặt cầu mấp mô và rạn nứt có thể nhìn rõ lòng sông Hồng. Hằng ngày, cây cầu vẫn oằn mình gồng gánh hàng chục nghìn lượt phương tiện, chủ yếu là xe máy và tàu hoả.

Thông tin về vấn đề này, mới đây, báo cáo Bộ GTVT giải pháp khắc phục các điểm xung yếu, Cục Đường sắt Việt Nam đã đề xuất lập dự án cải tạo, sửa chữa cầu Long Biên (tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng) và cầu Phú Lương (tuyến đường sắt Gia Lâm - Hải Phòng). Tổng mức đầu tư dự kiến 425 tỉ đồng, từ nguồn kinh phí đầu tư công giai đoạn 2026 - 2031 để sửa chữa cầu yếu, đảm bảo an toàn công trình, an toàn chạy tàu.

Sở GTVT Hà Nội thông tin thêm, bên cạnh những cây cầu xuống cấp, nhiều công trình cầu hiện hữu không có hồ sơ quản lý, hồ sơ hoàn công, không có hồ sơ kiểm định dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý, theo dõi chung.

Do đó, để bảo vệ cầu yếu từ trước mùa mưa bão, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường duy tu, duy trì đảm bảo an toàn giao thông và tiến hành các biện pháp xử lý đối với các công trình cầu yếu, cầu tạm có nguy cơ mất an toàn khi khai thác sử dụng.

Theo Vietq

Link gốc : https://vietq.vn/tiem-an-nhieu-nguy-hiem-tu-nhung-cay-cau-dan-sinh-xuong-cap-d225313.html

Bạn đang đọc bài viết Tiềm ẩn nhiều nguy hiểm từ những cây cầu dân sinh đang bị xuống cấp tại Hà Nội tại chuyên mục Cảnh báo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Cảnh báo