Theo thông tin trên báo VOV, mới đây tại Km 285+500 Quốc lộ 18A thuộc địa bàn phường Ninh Dương, thành phố Móng Cái, Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh) phối hợp với Đội tuần tra, kiểm soát giao thông số 3 (Công an tỉnh Quảng Ninh) phát hiện, thu giữ gần 500 hộp mỹ phẩm làm trắng da không rõ nguồn gốc đang được tập kết.
Theo ghi nhận của lực lượng chức năng, 500 hộp mỹ phẩm làm trắng da 5 trong 1 đều do nước ngoài sản xuất, trị giá trên 100 triệu đồng. Toàn bộ hàng hóa trên hiện không có chủ sở hữu. Đội Quản lý thị trường số 4 đã ban hành quyết định tạm giữ, tiến hành xác minh và báo cáo cấp có thẩm quyền tịch thu, xử lý theo quy định của pháp luật.
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh tiến hành toàn bộ số mỹ phẩm nhập lậu. Ảnh: VOV
Theo lực lượng quản lý thị trường, thủ đoạn buôn bán mỹ phẩm lậu khá tinh vi. Chủ đầu nậu đặt hàng bên Trung Quốc, được biến tướng dưới hình thức nhập nguyên liệu và bao bì rời, sau đó đóng gói tại Việt Nam. Bất cập trong kiểm soát mỹ phẩm hiện nay là cá nhân tự công bố chất lượng rồi sản xuất sản phẩm, cơ quan quản lý chỉ hậu kiểm về thành phần, chất lượng sản phẩm. Lợi dụng sơ hở này, nhiều cá nhân, tổ chức làm ăn gian dối đã công bố thành phần sản phẩm một đằng rồi sản xuất một nẻo. Và khi sử dụng mỹ phẩm giả, không ai khác chính người tiêu dùng bị thiệt hại.
Thông tin thêm về tác hại của mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Minh Phương, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu trung ương cho biết trên báo Hà Nội Mới trước đó, để có giá thành rẻ hơn nhiều so với hàng thật, tác dụng nhanh, dễ lừa người dùng, các cơ sở sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm giả đã đưa vào những thành phần độc hại, bị cấm như corticoid, parabens, formaldehyde, propylen glycol, chì, thủy ngân, kẽm, cyanua. Hậu quả là nhiều người sau khi sử dụng đã bị dị ứng, thậm chí đáng lẽ chữa sạm da, trẻ hóa da thì lại càng bị sạm nặng hơn. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 1.500 bệnh nhân, trong đó nhiều bệnh lý do dùng mỹ phẩm giả.
Điểm chung của các trường hợp sử dụng mỹ phẩm giả thường là mắc các triệu chứng viêm da tiếp xúc cấp tính, có dị ứng hoặc kích ứng. Việc điều trị, khắc phục dị ứng thường mất thời gian dài và tốn kém tiền bạc, chưa kể nếu không may bị nặng sẽ để lại hậu quả trên da suốt đời, thậm chí tử vong do nhiễm độc chì.
Làm đẹp là nhu cầu cần thiết và biết làm đẹp một cách thông minh cũng không phải là điều khó khăn. Để tránh mua nhầm mỹ phẩm giả, kém chất lượng, người tiêu dùng nên đến những địa điểm bán uy tín, tránh những hậu quả đáng tiếc, không vì ham rẻ mà "tiền mất, tật mang".
Theo VietQ