Theo đó, CDC Nghệ An đã tiến hành lấy 10 mẫu của 10 người có tiếp xúc trực tiếp với nữ sinh P.T.C. để xét nghiệm PCR. Kết quả cho thấy, cả 10 mẫu đều âm tính với vi khuẩn C.diphtheria (bạch hầu).
Phun khử khuẩn trùng tại gia đình bệnh nhân và khu vực xung quanh tại xã Phà Đánh. Ảnh: CDC Nghệ An |
Cũng theo đại diện CDC Nghệ An, hiện tất cả các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh đều được điều tra, rà soát và cách ly tốt, được sử dụng kháng sinh dự phòng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đại diện CDC Nghệ An khuyến cáo: “Riêng 10 người có tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh đều đã âm tính. Vì vậy, nguy cơ bùng phát dịch gần như không còn, người dân không nên quá hoang mang. Tuy nhiên cha mẹ nhớ đưa trẻ nhỏ đi tiêm đúng lịch, đủ liều sẽ giúp phòng bệnh lâu dài”.
Đến nay, công tác phun khử khuẩn tại những địa điểm nạn nhân tử vong do mắc bệnh bạch hầu lui tới đã được hoàn tất. Những người có tiếp xúc với ca bệnh đều đã được cách ly y tế tại nhà trong vòng 14 ngày và được cấp phát thuốc, sử dụng kháng sinh dự phòng.
Trước đó vào ngày 24/6, nữ sinh P.T.C. có biểu hiện sốt, ho, đau họng. Bệnh nhân tự mua thuốc điều trị ở nhà nhưng không khỏi. Ngày 30/6, C. được gia đình đưa tới bệnh viện điều trị. Đến 4h sáng 5/7, bệnh nhân C. tử vong.
Hiện tại, CDC Nghệ An đã ghi nhận 2 ca mắc bệnh bạch hầu (1 ca tử vong và 1 ca đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương). Tính tới hôm nay, kể từ khi ca bệnh cuối cùng được cách ly, đã 8 ngày trôi qua, tại Nghệ An không ghi nhận ca mắc bạch hầu mới. Tất cả các trường hợp tiếp xúc gần với nạn nhân đã tử vong đều được uống thuốc kháng sinh dự phòng.
Đến sáng ngày 10/7 CDC Nghệ An đã tiến hành lấy 10 mẫu của 10 người có tiếp xúc trực tiếp với nữ sinh P.T.C. để xét nghiệm PCR cho kết quả đều âm tính. Ảnh: CDC |
Thông tin từ Sở Y tế Nghệ An cho biết, Kỳ Sơn là huyện có dịch bạch hầu lưu hành trong nhiều năm nay. Do đó, Bộ Y tế đã có các quyết định về hướng dẫn giám sát, chẩn đoán và điều trị ca bệnh rất chi tiết.
Theo Đại đoàn kết