Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 11/05/2024

Những góc khuất trong Dự án TNR Stars Đồng Văn (Hà Nam)

CÔNG AN NHÂN DÂN 12:19 20/06/2021

Dự án Khu nhà ở phục vụ Khu công nghiệp Đồng Văn, huyện Duy Tiên (nay là thị xã Duy Tiên), tỉnh Hà Nam có diện tích trên 46ha do Công ty cổ phần Phát triển Hà Nam làm chủ đầu tư

Dự án được giới thiệu với tên thương mại là “Dự án Stars Đồng Văn” do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản TNR Holdings Việt Nam (viết tắt là Công ty TNR Holdings) là đơn vị phát triển dự án.

Những năm gần đây, khách hàng mua các lô đất tại “Dự án Stars Đồng Văn” đã nhiều lần tập trung đông người đến trụ sở UBND tỉnh Hà Nam và trụ sở Công ty TNR Holdings (54 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội), mang theo băng rôn, biểu ngữ tố cáo công ty lừa đảo để chiếm dụng vốn, đồng thời đề nghị chính quyền tỉnh Hà Nam vào cuộc cứu người dân. Vì sao lại có sự việc này ?

Chuyển nhượng đất trái pháp luật

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2017 - 2018, dù “Dự án Stars Đồng Văn” chưa đủ điều kiện kinh doanh và không được phép chuyển nhượng đất, nhưng chủ đầu tư vẫn quảng cáo phân lô, bán nền, ký hợp đồng chuyển nhượng đất với khách và cam kết sẽ làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho khách hàng.

Việc làm trái pháp luật này của chủ đầu tư đã bị một số cơ quan chức năng của tỉnh Hà Nam nhắc nhở nhiều lần, nhưng chủ đầu tư vẫn bất chấp và tiếp tục triển khai. Đến cuối năm 2018, chủ đầu tư đã ký hợp đồng chuyển nhượng khoảng 1.400 lô đất cho hàng nghìn khách hàng, với tổng số tiền thu được hàng nghìn tỷ đồng.

Điều đáng nói nữa là cho đến nay, dù nhiều khách hàng đã thanh toán cho chủ đầu tư tới 95% giá trị hợp đồng chuyển nhượng đất, nhưng vẫn chưa được chủ đầu tư trao sổ đỏ. Khách hàng cũng không được xây dựng trên lô đất mà chính họ đã bỏ tiền ra mua.

Khách hàng không chỉ “mắc kẹt” tại những lô đất đã được chủ đầu tư phân lô, bán nền khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền mà đau xót hơn, nhiều người đã và đang lo trả lãi ngân hàng do khoản vay để đầu tư vào những lô đất tại “Dự án Stars Đồng Văn” do Công ty Hà Nam ký hợp đồng chuyển nhượng. Ngay từ khi ký hợp đồng chuyển nhượng, khách hàng đã dùng chính những lô đất dự án được chủ đầu tư tự ý phân lô bán để làm tài sản đảm bảo cho khoản vay tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank).

Vấn đề đặt ra ở đây là “Việc cấp tín dụng của MaritimeBank có đúng quy định của pháp luật không, khi mà những lô đất chuyển nhượng chưa được cơ quan chức năng cho phép?”.

Điều không bình thường nữa là ông Trần Anh Tuấn, hiện là Chủ tịch HĐQT Maritime Bank từng là Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty Hà Nam - chủ đầu tư “Dự án Stars Đồng Văn”. Trong khi đó, Công ty TNR Holdings được giới thiệu là đơn vị phát triển “Dự án Stars Đồng Văn” là một thành viên của Tập đoàn TNG Holdings Việt Nam do bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (vợ ông Trần Anh Tuấn) làm Chủ tịch HĐQT. Vậy dự án này từ đâu mà ra?

Trước đó, vào tháng 7/2004, Công ty cổ phần Tập đoàn ATA (trước đó là Công ty ATA) được UBND tỉnh Hà Nam giao cho làm chủ đầu tư Khu nhà ở phục vụ Khu công nghiệp Đồng Văn.

Tháng 9/2004, UBND tỉnh Hà Nam ra Quyết định số 1181/QĐ-UB chuyển chủ đầu tư từ Công ty cổ phần Tập đoàn ATA sang Công ty Hà Nam. Theo đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 3 (ngày 2/4/2007), Công ty cổ phần Tập đoàn ATA vẫn là công ty mẹ của Công ty Hà Nam (sở hữu 93,35%) và cả hai công ty trên đều do ông Phạm Văn Ảnh làm Chủ tịch HĐQT.

Ngày 21/4/2007, Công ty cổ phần Tập đoàn ATA và bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Phạm Văn Ảnh) đã ký hợp đồng chuyển nhượng số 01/2007/HĐCNCP về việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty Hà Nam cho Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam và ông Trần Anh Tuấn (Chủ tịch HĐQT Maritime Bank). T

heo đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 5 (ngày 15/12/2007) của Công ty Hà Nam cho thấy, Công ty cổ phần Tập đoàn ATA đã thoái vốn hoàn toàn. Thay vào đó là Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam sở hữu 93,35% cổ phần, ông Trần Anh Tuấn (Chủ tịch HĐQT Maritime Bank) sở hữu 4,68% cổ phần và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (vợ ông Trần Anh Tuấn) sở hữu 1,97 cổ phần.

Trước đó, ngày 5/6/2007, ông Trần Anh Tuấn giữ chức Giám đốc Công ty Hà Nam. Tuy nhiên, ông Phạm Văn Ảnh cho rằng, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần trên còn nhiều nội dung chưa thực hiện xong và hợp đồng chưa được thanh lý.

Do việc chuyển nhượng cổ phần giữa nhóm cổ đông Công ty cổ phần Tập đoàn ATA với Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam và nhóm ông Trần Anh Tuấn đang xảy ra tranh chấp, thậm chí có dấu hiệu hình sự nên cơ quan chức năng đang giải quyết. Cũng chính vì những điều chưa rõ ràng trong hợp đồng chuyển nhượng cổ phần trên chưa được giải quyết thấu đáo nên ông Phạm Văn Ảnh đã nhiều lần gửi đơn tố giác tội phạm liên quan đến việc cơ quan chức năng cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần 4 và lần 5 cho Công ty Hà Nam.

Được biết, ngày 4/7/2017, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Nam đã ra quyết định khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam. Nhưng đến nay, vụ án đã được tạm đình chỉ hai lần.

Hàng nghìn người dân phải gánh hệ luỵ

Trước đó, ngày 25/9/2012, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty Hà Nam cho bà Đặng Thị Minh Yến.

Tiếp đó, ngày 25/12/2013, ông Trần Anh Tuấn đã chuyển nhượng toàn bộ của phần của mình cho bà Bùi Thị Bích Thảo. Sau đó, việc chuyển nhượng cổ phần liên tục diễn ra. Đến nay, Công ty Hà Nam gồm các cổ đông: Công ty cổ phần Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân, Công ty cổ phần Bất động sản Hano-VID, Công ty cổ phần May-Diêm Sài Gòn và bà Nguyễn Thị Hậu. Điều khiến dư luận thắc mắc là dù ông Trần Anh Tuấn Chủ tịch HĐQT Maritime Bank), bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường và Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam đã thoái vốn tại Công ty Hà Nam, tuy nhiên những doanh nghiệp thế chỗ đều có những quan hệ nhất định trong hệ thống TNG Holdings.

Sau “màn thoát xác” này, từ năm 2012 - 2015, Công ty Hà Nam do các cá nhân khác đại diện theo pháp luật đã vô hiệu hoá các hợp đồng trước đó do nhóm chủ cũ đã ký kết. Thậm chí trong hai năm 2017 và 2018, Công ty Hà Nam đã bất chấp quy định của pháp luật khi tự ý phân lô, bán nền để thu hàng nghìn tỷ đồng, đẩy hàng nghìn khách hàng vào thế “mắc kẹt” tại dự án Khu nhà ở phục vụ Khu công nghiệp Đồng Văn.

UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm

Ngày 25/1/2021, Văn phòng UBND tỉnh Hà Nam ra Thông báo số 162/TB-VPUB về kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng tại phiên đối thoại với công dân là khách hàng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Dự án Khu nhà ở phục vụ Khu công nghiệp Đồng Văn.

Thông báo nêu rõ: Dự án xây dựng hạ tầng Khu nhà ở phục vụ Khu công nghiệp Đồng Văn kéo dài, chậm tiến độ. UBND huyện Duy Tiên (nay là thị xã Duy Tiên) đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu Công ty Hà Nam không thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại dự án này cho người dân tự xây dựng nhà ở khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và thông báo công khai nội dung này, nhưng Công ty Hà Nam vẫn không chấp hành. Đây là nguyên nhân phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.

Để tiếp tục xử lý, giải quyết các tồn tại của dự án, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu Công ty Hà Nam khẩn trương khắc phục các tồn tại, chịu trách nhiệm trước pháp luật về những sai phạm trong quá trình thực hiện dự án…

Tại thông báo này, UBND tỉnh Hà Nam cũng yêu cầu các sở, ngành chức năng rà soát toàn bộ các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án, xem xét xử lý đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật; đề xuất, báo cáo UBND tỉnh hoàn thiện các thủ tục pháp lý của dự án ngay sau khi có kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an về việc giải quyết đơn của công dân…

Bạn đang đọc bài viết Những góc khuất trong Dự án TNR Stars Đồng Văn (Hà Nam) tại chuyên mục Cảnh báo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Cảnh báo