Lật tẩy “công thức” kinh doanh
Trước đó, Chất lượng Việt Nam đã có loạt bài viết phản ánh dấu hiệu kinh doanh trái pháp luật sản phẩm TOHA FAST do Công ty TNHH TOHANO Việt Nam (Công ty TOHANO, địa chỉ số 35, đường Lê Văn Lương, Hà Nội) phân phối. Trong hành trình tìm hiểu bản chất mô hình kinh doanh online của Công ty TOHANO, PV tiếp tục phát hiện sản phẩm TPBVSK khớp GENKI có dấu hiệu kinh doanh với “công thức” tương tự.
Cụ thể, bắt đầu bằng việc quảng cáo ví sản phẩm khớp Genki chỉ là TPCN nhưng có tác dụng thần kì với các loại bệnh xương khớp, từ thoái hóa đốt sống cổ, cột sốt, khớp gối… Thậm chí, những người kinh doanh khớp GENKI còn mạo danh tên tuổi Bác sỹ Nguyễn Hồng Siêm (Chủ tịch Hội Đông y TP. Hà Nội) để bóp méo sự thực, lừa dối người tiêu dùng.
Người tiêu dùng không nên tin vào những quảng cáo mạo danh như này |
Những “công thức” này đang rất phổ biến trong hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng “bẩn”, dường như được những người kinh doanh khớp GENKI áp dụng triệt để, thậm chí rất tinh vi. Chính PV đã trực tiếp chứng kiến màn kịch của những nhân viên tại đây, dùng đủ mọi cách để hóa thân thành ông lang, bà lang tư vấn lừa dối người tiêu dùng theo kịch bản dựng sẵn. Những nhân viên tại đây chỉ cần qua vài ngày đào tạo là có thể thành thục như một cái máy theo công thức: “Gọi điện tư vấn – bắt bệnh – dọa bệnh – chốt đơn”…
Chính trong quá trình tìm hiểu về sản phẩm TOHA FAST của Công ty TOHANO trong những bài viết trước, PV đã lột trần bản chất của sản phẩm này không hề có khả năng điều trị các loại sỏi thận, sỏi mật, sỏi gan như những người kinh doanh này mạnh miệng tuyên bố với khách hàng. Cực chẳng đã, khi trót mua và dùng họ phát hiện sự dối trá nhưng không biết kêu cứu, phản ánh với ai bởi chỉ cần phản hồi không tốt là họ bị chặn số, số điện thoại của ông lang “tò tí te” không liên lạc được, hoặc phản hồi mà không bao giờ có sự hồi đáp…
Chân dung một "ông lang" đang tư vấn cho khách hàng |
Và, sản phẩm khớp GENKI với những chiêu trò như đã phân tích ở trên có ngoại lệ hay không thì người tiêu dùng hãy thật sự cảnh giác. Bởi GENKI được “thần thánh hóa”, có tác dụng với tất cả các loại bệnh liên quan về khớp, khuyên người dùng xem nhẹ phương pháp điều trị hiện đại, hay y học cổ truyền khác mà không hề có căn cứ, hoặc chỉ qua một cuộc điện thoại ngắn ngủi mà họ tư vấn cho khách hàng…
Đoạn kết của kịch bản hoàn hảo
Cũng với “công thức” dối trá ấy, để màn kịch của những người kinh doanh sản phẩm khớp GENKI được hoàn hảo, họ còn “sản xuất” ra một kịch bản “xử lý tình huống từ chối”. Ở kịch bản này, họ cũng vẽ ra những tình huống giả định từ chối để chốt chặn khách hàng. Đọc những dòng kịch bản này, PV không khỏi choáng váng khi họ tìm mọi cách “ra vẻ” cao quý đánh vào tâm lý “vái bệnh” để đưa khách hàng vào tròng.
“Sản phẩm sử dụng vào cơ thể không phải cái quần, cái áo. Cái quần cái áo mình mua không thích thì không dùng nữa nhưng sản phẩm vào cơ thể không phải tự dưng tôi tư vấn cho mình”; “Rẻ vài trăm nhưng thêm bệnh thêm tật vào người bác nhá”, trích một vài đoạn.
Biển bảng của Công ty TOHANO tại số 35, Lê Văn Lương, Hà Nội. |
Trong suốt hành trình tìm hiểu, thâm nhập, được đào tạo, học từ kịch bản, từ người khác dạy và quan sát thực tế tại Công ty TOHANO, PV luôn nhận thấy trong hoàn cảnh nào, nhân viên kinh doanh cũng cố đạt được mục đích “chăm sóc” để người bệnh phải mua hàng. Hiếm có trường hợp nào sau khi nghe lời tâm sự về bệnh tình, hoàn cảnh của khách hàng mà động lòng trắc ẩn, khuyên người bệnh đúng nghĩa theo lương tâm, chưa cần nói về kiến thức y khoa. Thế mà, ở một góc khuất, cái kịch bản “xử lý” tình huống ấy lại giơ cao tinh thần đạo đức như sau: “Mình có bệnh thì vái tứ phương bác nhá, biết đâu bác hợp thầy hợp thuốc hợp sản phẩm nhà tôi thì sao. Tôi nói rồi, giúp được bác thì tôi mới giúp không tôi đã từ chối bác ngay từ đầu rồi để tránh mất thời gian của cả bác và tôi nhá”.
Kịch bản "xứ lý tình huống" kinh doanh của sản phẩm khớp GENKI |
Nhưng hơn ai hết, chính PV được quan sát mới nhận ra rằng đó chỉ là những màn khua môi múa mép, thủ thuật của những nhân viên kinh doanh tại đây. Bởi, ở kịch bản này, dù trong tình huống nào khi khách hỏi đến thăm khám, bán ở đâu… những nhân viên đều được hướng dẫn đưa ra một lời giải thích nghe có thì rất hợp lý nhưng mục đích cuối cùng vẫn hướng tới việc làm sao để “chốt” đơn hàng.
“Màn kịch” tư vấn dối trá
Trong quá trình đào tạo, PV còn được những nhân viên ở đây gửi cho một đoạn ghi âm cuộc gọi của một “ông lang” (thực chất là nhân viên đóng giả để tư vấn cho khách hàng - PV) làm chuẩn học hỏi.
“Khớp chân tay của con cử động có kêu lạo xạo gì đấy không?”, “ông lang” hỏi.
“Đang bị hiện tượng khô khớp rồi đấy! Teo chân rồi à? Như thế là chèn ép dây thần kinh tọa rồi. Rất là nặng, không khắc phục sớm sẽ teo tứ chi, bắt buộc phải đi mổ. Bác nhắc để con lưu ý”. Một loạt những câu hỏi, rồi trả lời đối đáp giữa “ông lang” và người bệnh diễn ra như vậy.
Tiếp đến “ông lang” khuyến cáo: “Bệnh con nặng nhé, may mà gặp bác sớm, không thì muộn nữa bác từ chối bác không giúp cho con được đâu. Nhắc con lưu ý, con còn trẻ bị nặng không ai giúp được đâu, người chịu thiệt vẫn là con…”.
Sau tất cả những lời khám bệnh, dặn dò… rồi cuối cùng “ông lang” cũng quyết định chốt đơn 1 liệu trình 2 lọ thuốc, với giá 1,5 triệu đồng.
Nhịp điệu đang xuôi xuôi thì bỗng dưng, trong cuộc ghi âm, giọng “ông lang” thay đổi sắc thái nhanh và mạnh: “Biết ngay mà vợ giật máy, anh có bao nhiêu tiền mà anh lấy, để gọi lại…”.
Tới đây, PV mới hiểu là bệnh nhân đang đến đoạn chốt mua thuốc thì bị vợ giật điện thoại mắng quở, do “đang hay thì bị đứt dây đàn” nên “ông lang” lộ chân tướng chỉ là một người thanh niên. Do không kìm chế được cảm xúc nên đã bộc lộ luôn trong cuộc gọi mà không hề để ý việc đang ghi âm lại.
Theo VietQ