Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang, Đội Quản lý thị trường số 3 vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Bắc Giang tiến hành kiểm tra cơ sở KINH DOANH Kiên Thúy do bà Vũ Thị Thanh Thúy làm chủ hộ tại địa chỉ: Lô CL3 - 21, khu Đồng Cửa 2, phường Lê Lợi, thành phố Bắc Giang.
Tại đây lực lượng quản lý thị trường đã thu giữ 200kg bột chế biến trà sữa không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ và có biểu hiện ẩm mốc.
Làm việc với lực lượng quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang, chủ hộ không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn liên quan. Đại diện Cơ sở kinh doanh Kiên Thúy trình bày số hàng hóa trên được mua về để bán cho những cơ sở chế biến, kinh doanh trà sữa.
Để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, Đội Quản lý thị trường số 3 đã lập Biên bản vi phạm hành chính và ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Vũ Thị Thanh Thúy về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ với số tiền 5.000.000 đồng; đồng thời buộc tiêu hủy 200 kg bột sữa trị giá 8.000.000 đồng.
Nói về tác hại nhãn tiền của trà sữa pha chế từ bột chế biến không rõ nguồn gốc, TS. BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng, vì lợi ích, một số cửa hàng trà sữa trân châu không dùng bột trà tự nhiên mà chế từ bột màu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Dù hương vị không khác với trà tự nhiên nhưng nó được chế tạo từ các chất tổng hợp hóa học. Nếu tinh trà trong trà sữa không vượt quá TIÊU CHUẨN và sử dụng hạn chế thì không nguy hại nhiều tới sức khỏe. Nếu dùng thường xuyên trong thời gian dài, chúng sẽ gây thương tổn cho chức năng của gan, thận.
Ngoài những nguy cơ về thừa năng lượng, gây tổn thương gan, thận và vô sinh, trà sữa được sản xuất không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có thể gây ngộ độc cho người sử dụng. Vấn đề này không đến từ bản thân trà sữa mà đến từ việc sản xuất cũng như nguồn gốc của nguyên liệu tạo ra loại đồ uống này.
An Dương (TH) - CLVN