Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Tại sao bệnh nhân phi công diễn biến nặng?

Nguyễn Triệu 07:33 10/04/2020

Hệ miễn dịch của "bệnh nhân 91" đã phản ứng quá mức khi bị nCoV tấn công, khiến cơ thể tiết ra nhiều chất cytokine chống lại chính cơ thể.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho biết phần lớn những ca Covid-19 nặng trên thế giới ghi nhận ở bệnh nhân lớn tuổi, người có nhiều bệnh lý nặng. Tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp bệnh diễn tiến xấu ở người trẻ tuổi, không bệnh nền.

Tại Việt Nam, "bệnh nhân 91" - phi công người Anh, 43 tuổi, là một trường hợp điển hình. Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM ghi nhận trong quá trình điều trị, bệnh nhân này có phản ứng miễn dịch rất mạnh, sốt cao liên tục từ khi nhập viện. Bệnh nhân xác định dương tính ngày 18/3, suy hô hấp tăng dần. Bác sĩ phải hỗ trợ cũng tăng dần, từ biện pháp hô hấp bằng cách thở oxy qua mũi, sau đó chuyển sang thở oxy qua mặt nạ, thở máy xâm lấn và hiện phải can thiệp ECMO đến ngày thứ 4.

"Quá trình bệnh nhân chuyển biến nặng có thể phụ thuộc nhiều yếu tố như độc lực của virus, phản ứng của cơ thể, bất thường trong hệ thống miễn dịch...", bác sĩ Châu phân tích.

Nhiều câu hỏi đặt ra: Tại sao bệnh nhân trẻ lại diễn biến bệnh rất nặng? Phi công là nghề nghiệp đòi hỏi sức khỏe rất tốt, quá trình huấn luyện phải qua quy trình kiểm tra thể chất khắt khe, tại sao bệnh nhân này gặp khó khăn với Covid-19?...

Lý giải điều này, theo bác sĩ Châu, bình thường người khỏe mạnh khi bị virus tấn công, hệ miễn dịch sẽ phản ứng, cơ thể tiết ra chất cytokine để ức chế virus. Tuy nhiên, một số người tiết ra quá nhiều cytokine, gây ảnh hưởng các phủ tạng. Còn tại sao hệ miễn dịch phản ứng thái quá, hiện y học chưa thể lý giải được. Hiện tượng này y học gọi là Hội chứng giải phóng cytokine (còn gọi là cơn bão cytokine).

"Chúng tôi chưa thể lý giải được nguyên nhân cơ thể anh ấy tiết ra nhiều chất cytokine", bác sĩ Châu cho biết.

Phổi của bệnh nhân này vừa bị tổn thương do nCoV, vừa do chính cơ thể tiết ra chất chống viêm làm ảnh hưởng. Giải pháp điều trị các bác sĩ chọn lúc này là duy trì can thiệp ECMO để giúp "phổi hoạt động không tải". Phổi tạm nghỉ nhiệm vụ cung cấp oxy cho toàn cơ thể mà chỉ thở để nuôi chính nó, chờ phản ứng viêm qua đi.

"Thời gian này có thể tính bằng tuần hoặc tháng", bác sĩ Châu nói.

Ngày 9/4, bệnh nhân không sốt, mạch và huyết áp ổn định nhưng vẫn tiếp tục phải can thiệp ECMO, thở máy kiểm soát bảo vệ phổi, lọc máu liên tục.

"Bệnh nhân vẫn chưa bước vào giai đoạn hồi phục, chưa có dấu hiệu cải thiện", bác sĩ Châu nói.

Bệnh nhân không có bệnh lý nền nhưng thừa cân, béo phì, cân nặng 100 kg.

Khu vực cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa.

Khu vực cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa.

Thế giới cũng ghi nhận một số bệnh nhân Covid-19 mắc Hội chứng giải phóng cytokine. Khái niệm này bắt đầu phổ biến trong đại dịch.

Mới đây một người đàn ông 43 tuổi ở Pháp sau khi nhập Bệnh viện Paris tình trạng đột nhiên xấu đi, nồng độ oxy giảm. Bác sĩ cho rằng cơ thể bệnh nhân trải qua hội chứng giải phóng cytokine, là phản ứng nguy hiểm của hệ thống miễn dịch.

Khi cơ thể lần đầu tiếp xúc với virus hoặc vi khuẩn, hệ thống miễn dịch được kích hoạt, bắt đầu "chiến đấu" với các yếu tố xâm nhập. Những phân tử cytokine có vai trò rất quan trọng, tạo ra một loạt tín hiệu để tế bào sắp xếp phản ứng. Thông thường, phản ứng miễn dịch càng mạnh thì cơ hội đẩy lùi mầm bệnh càng cao. Khi virus bị bất hoạt, hệ thống miễn dịch trở lại trạng thái bình thường.

Tiến sĩ Randy Cron, chuyên gia về Hội chứng giải phóng cytokine tại Đại học Alabama, thành phố Birmingham, Anh, cho biết trong một số trường hợp, khoảng 15% số người mắc bệnh truyền nhiễm, hệ thống miễn dịch vẫn làm việc ngay cả sau khi virus không còn hoạt động nữa. Nó tiếp tục giải phóng cytokine khiến cơ thể trở nên mệt mỏi. Các phân tử này tấn công nhiều cơ quan, bao gồm gan và phổi, cuối cùng có thể dẫn đến tử vong. Ở những bệnh nhân này, chính hệ miễn dịch chứ không phải virus là tác nhân làm tổn hại cơ thể.

Bệnh nhân mắc Hội chứng giải phóng cytokine có nhịp tim đập nhanh bất thường, sốt và tụt huyết áp. Nếu tiếp tục phát triển, các triệu chứng sẽ trở nên rõ ràng hơn sau vài ngày. Nếu bác sĩ sớm nắm bắt và điều trị đúng cách, bệnh nhân có khả năng sống sót cao hơn.

"Bệnh nhân 91" trú tại quận 2, phi công hãng hàng không Vietnam Airrlines, từ ngày 13 đến 18/3 anh lưu trú tại TP HCM và tới một số địa điểm ăn uống, giải trí, trong đó có Buddha Bar & Grill, sau đó xác định dương tính. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM, hiện có 19 ca liên quan đến Buddha Bar & Grill.

TP HCM ghi nhận 54 ca nhiễm nCoV, trong đó 37 người đã khỏi bệnh, 17 người còn điều trị.

Đến sáng 9/4, Việt Nam ghi nhận 251 ca Covid-19, trong đó 128 người đã khỏi bệnh, còn 123 người đang điều trị tại 21 cơ sở y tế cả nước.

Theo VN EXPRESS

Link gốc : /tai-sao-benh-nhan-phi-cong-dien-tien-nang

Bạn đang đọc bài viết Tại sao bệnh nhân phi công diễn biến nặng? tại chuyên mục Cảnh báo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Cảnh báo