Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Virus corona có tồn tại ở nhiệt độ cao?

CLVN 06:54 02/02/2020

Thực hư thông tin virus corona sẽ chết khi ở nhiệt độ trên 25 độ C

Theo chuyên gia y tế, quan điểm cho rằng virus corona sẽ chết khi ở trong môi trường nhiệt độ trên 25 độ C là sai lầm. Virus vẫn sống tốt trong cơ thể vật chủ dù ở nhiệt độ cao hơn rất nhiều.

Virus corona có tồn tại ở nhiệt độ cao?

Trong bối cảnh dịch bệnh do virus corona làm gia tăng lo ngại trong công chúng, xuất hiện luồng thông tin cho rằng loại virus này sẽ chết khi ở nhiệt độ trên 25 độ C. Tuy nhiên, theo chia sẻ mới nhất từ TS. Nguyễn Hồng Vũ (Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, Mỹ), Cố vấn KHOA HỌC Ruy Băng Tím, nhận định cho rằng virus sẽ chết khi ở nhiệt độ trên 25 độ C là sai lầm. Bởi cơ thể của con người lúc nào cũng duy trì ở nhiệt độ 37°C, lúc sốt có thể lên đến 40°C hoặc hơn. Ở nhiệt độ đó virus vẫn có thể sống tốt trong cơ thể vật chủ. Virus chỉ chết trong cơ thể khi hệ miễn dịch của chúng ta nhận biết ra chúng, tấn công tiêu diệt chúng và các tế bào chứa chúng.

TS. Vũ phân tích, bên ngoài môi trường vật chủ, virus sẽ dễ bị chết sớm, thông thường chúng chết chỉ trong vài phút cho đến vài giờ. Tuy nhiên, ở các điều kiện môi trường như nhiệt độ thấp và độ ẩm thấp, virus có thể kéo dài thời gian sống.

Trong một nghiên cứu năm 2011 về khả năng sống của virus SARS ngoài môi trường cho thấy virus khô trên bề mặt nhẵn giữ được khả năng tồn tại trong hơn 5 ngày ở nhiệt độ 22-25°C, độ ẩm 40-50% (đây là môi trường phòng máy lạnh). Tuy nhiên, khả năng sống của virus bị giảm nhanh chóng ở nhiệt độ cao và độ ẩm cao hơn (ví dụ: 38°C và độ ẩm 95% làm khả năng sống của virus giảm hơn 1.000 lần). Ánh sáng mặt trời cũng là một nguồn năng lượng tốt để tiêu diệt virus ở ngoài tự nhiên. Do vậy, đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho những nước có khí hậu nóng ẩm và có nhiều nắng như ở Việt Nam trong việc hạn chế thời gian tồn tại của virus này ở môi trường ngoài cơ thể.

Nói về khả năng sớm có vaccine phòng ngừa, điều trị virus corona, TS Nguyễn Hồng Vũ cho rằng điều này khó xảy ra. Vị tiến sĩ nhận định, ít nhất phải 1-2 năm, nhiều thì chục năm mới có được vaccine phòng ngừa cho virus này. Virus corona có vật liệu di truyền là RNA, một vật liệu không ổn định, dễ thay đổi nên khó có thể tạo được vaccine để phòng ngừa/điều trị chúng một cách dễ dàng.

"Dân gian có câu “Bắt đứa có tóc, không ai bắt kẻ trọc đầu”, trong trường hợp này bạn có thể coi virus corona là kẻ trọc đầu. Các bạn đã biết dịch virus SARS bộc phát vào năm 2003 nhưng cho đến nay vẫn chưa có vaccine nào nghiên cứu thành công, có thể sử dụng trên người! Một ví dụ khác là virus cúm (flu hay influenza) hoành hành theo mùa ở các xứ ôn đới cũng có vật chất di truyền là RNA, vaccine ngừa cúm phải chích lặp lại mỗi năm vì virus luôn biến đổi và hiệu quả phòng ngừa thường chỉ dưới 50%, có năm rất thấp (2014-2015) là 19%. Do vậy, các bạn đừng quá mong chờ vaccine cho 2019-nCoV trong thời gian gần", TS Nguyễn Hồng Vũ cho hay.

Liên quan tới con đường lây nhiễm virus corona, chuyên gia tại Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, nguy cơ lây nhiễm virus corona tăng cao khi tiếp xúc với người mắc bệnh trong vòng 2m trở xuống. Người nào vô tình hít phải hoặc tiếp xúc với các giọt bắn bám trên các bề mặt, quần áo, tay, chân sẽ bị nhiễm. Vì vậy nên đeo khẩu trang để che chắn đường hô hấp và tránh hít phải các giọt bắn có nCoV. Thay khẩu trang thường xuyên và không tiếp xúc với mặt ngoài của khẩu trang.

Chuyên gia cũng khuyến cáo nên che miệng bằng khăn giấy dùng một lần hoặc khuỷu tay khi ho, hắt hơi để ngăn chặn virus phát tán ra môi trường xung quanh. Người dân cũng cần duy trì rửa tay thường xuyên để giảm tiếp xúc với virus gây bệnh và tránh mút tay, đưa tay lên miệng, mắt. Những người đi từ vùng dịch về nên tuân thủ việc khai báo y tế và cách ly trong 14 ngày do có thể đã mang mầm bệnh nhưng chưa khởi phát, dễ lây lan cho cộng đồng.

Theo báo cáo mới nhất của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế Việt Nam, đến 6h ngày 1/2/2020, dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gia tăng không ngừng trên thế giới. Cụ thể, tổng số trường hợp mắc 11.302, trong đó tại lục địa Trung Quốc 11.145 ca; Tổng số trường hợp tử vong 258 đều ở Trung Quốc.

Tổng số trường hợp mắc bên ngoài lục địa Trung Quốc 157 ở 26 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc). Thái Lan nhiều nhất với 19 trường hợp; Nhật Bản 17; Singapore 16; Hồng Kông, Trung Quốc 13; Hàn Quốc 11; Đài Loan, Trung Quốc 10; Úc 9; Malaysia 8; Ma Cao, Trung Quốc 7; Mỹ 7; Đức 7; Pháp 6; Việt Nam 5; Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất 4; Canada 4; Ý 2; Anh 2; Nga 2; Campuchia, Phần Lan, Ấn Độ, Nepal, Philippne, Sri Lanka, Thụy Điển, Tây Ban Nha – mỗi nước 1 ca.

Riêng tại Việt Nam, đã phát hiện 5 ca nhiễm virus nCoV, trong đó có 3 người Việt, 2 người Trung Quốc (1 người được chữa khỏi) và gần 100 ca nghi nhiễm. Các con số này vẫn duy trì từ ngày 30/1.

Bạn đang đọc bài viết Virus corona có tồn tại ở nhiệt độ cao? tại chuyên mục Hỏi đáp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Hỏi đáp