Vừa qua, báo nhận được phản ánh liên quan đến sản phẩm Linh Tự Đan do Công ty Cổ phần kinh doanh dịch vụ và thương mại Nam Phương ( Địa chỉ: Số 17 Ngõ 144 Quan Nhân, Thanh Xuân, Hà Nội) phân phối đang có dấu hiệu “quảng cáo công dụng sản phẩm gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh” và “Vi phạm quy định quảng cáo, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng”.
Liệu pháp Đông - Tây y kết hợp có phải là "chiêu trò" để "úp" người tiêu dùng |
Theo đó, ngày 02/03/2020 phóng viên ghi nhận trên các website: https://benhhiemmuon.com.vn/, https://chuavosinhhiemmuon.vn/linh-tu-dan/, dù là thực phẩm chức năng nhưng công ty này luôn quảng cáo là “liệu pháp Đông tây Y kết hợp" hiệu quả chữa vô sinh, hiếm muộn.
Thế nhưng theo khuyến cáo của PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức thì: “Thuốc đông y cũng có những độc chất như thuốc tây y, vì vậy phải thật cẩn trọng khi sử dụng, không nên nghe lời truyền miệng, đồn đại về một toa thuốc, vị thuốc nào đó rồi tự tiện, sử dụng lâu dài - trong khi chưa biết trong toa ấy có chứa độc chất hay không. Cũng như có nhiều thuốc đông y hoặc thực phẩm chức năng là dược thảo gây tương tác thuốc rất bất lợi nếu dùng chung với thuốc tây y, vì vậy tuyệt đối không được tự tiện dùng kết hợp thuốc đông tây y một cách tùy tiện”.
Ngoài ra, đơn vị này quảng cáo bằng cách đưa hình ảnh, danh nghĩa của cơ quan y tế, của các y bác sĩ , các cơ quan báo đài như Bệnh viện Từ Dũ, thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến, đài HN1 trong khi trên thực tế, nội dung không hề liên quan đến sản phẩm và các đơn vị cá nhân trên cũng không hề đánh giá sản phẩm theo như lời quảng cáo.
Các danh hiệu, chứng nhận cho sản phẩm Linh Tự Đan |
Hình ảnh thứ trưởng Bộ Y Tế được đưa lên website để quảng cáo |
Theo Thông tư 13/BYT về hướng dẫn hoạt động thông tin, quảng cáo thuốc, Bộ Y tế nghiêm cấm “lợi dụng hình thức thầy thuốc hướng dẫn cách phòng bệnh, chữa bệnh hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc bằng các bài viết trên báo, bằng các chương trình phát thanh, truyền hình để quảng cáo thuốc”.
Để lách Thông tư 13/BYT hiện nay một số hãng dược đưa hình ảnh bác sĩ “núp bóng” dưới dạng trả lời thắc mắc hoặc tư vấn sức khoẻ cho bạn đọc. "Chiêu” quảng cáo sử dụng tên tuổi và hình ảnh thầy thuốc phổ biến nhất hiện nay là đăng tải bài viết của bác sĩ về một chứng bệnh nào đó kèm theo hình ảnh sản phẩm.
Để làm rõ thông tin trên, PV đã liên hệ làm việc với đơn vị phân phối là Công ty Cổ phần kinh doanh dịch vụ và thương mại Nam Phương nhưng qua nhiều lần đến trực tiếp thì công ty luôn trong tình trạng “cửa đóng, then cài”. Khi được hỏi, những người dân xung quanh chỉ trả lời “đúng là có công ty nhưng họ chuyển đi đâu rồi thì không rõ..”
Công ty Cổ phần kinh doanh dịch vụ và thương mại Nam Phương "cửa đóng then cài" |
Liên hệ với số điện thoại hotline trên trang web của công ty này thì “em chỉ là bán hàng, em không biết gì đâu...”.
Trao đổi với cơ quan chức năng địa phương để tìm hiểu hoạt động của đơn vị này, bà Phạm Hồng Điệp, trưởng phòng Y tế quận Thanh Xuân cho biết:
“Cái trang thực chất của họ thì chị bắt bỏ đi rồi, chị lên trang của họ chị lấy quảng cáo như thế này không đồng ý, chị yêu cầu cắt ngay thì cắt ngay đi rồi, xin chấp hành, cắt ngay. Chị nói cho họ biết là trang quảng cáo như thế không đúng, yêu cầu bỏ ngay nếu còn kinh doanh trên địa bàn quận. Lên cái họ bỏ ngay thì chị không thể nào xử phạt được”.
Khi phóng viên đề nghị được tiếp cận, chụp ảnh hồ sơ, biên bản làm việc giữa Phòng Y tế với công ty Cổ phần kinh doanh dịch vụ và thương mại Nam Phương thì bà Điệp nói không cung cấp được và phải xin phép thêm UBND quận “UBND quận cũng bảo chỉ thông tin lại với phóng viên, còn văn bản thì phải xin phép ý kiến của UBND quận”.
Liệu phía phòng Y tế quận Thanh Xuân đang “bênh” công ty Cổ phần kinh doanh dịch vụ và thương mại Nam Phương hay còn điều gì uẩn khúc? Đối với việc quảng cáo như thuốc chữa bệnh và cắt ghép hình ảnh chuyên gia tư vấn để người tiêu dùng móc hầu bao để nhận lấy “phương thuốc” trị bệnh này?
Tại khoản 3 Điều 51 Nghị định 158/2013 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 28/2017 (quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo) quy định phạt tiền 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý. Ngoài ra, nếu những đối tượng quảng cáo có hành vi quảng cáo lừa dối gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng hoặc quảng cáo sai sự thật thì sẽ bị xử phạt 50 - 70 triệu đồng.
Trong trường hợp này, bác sĩ bị mạo danh có thể làm đơn yêu cầu cơ quan chức năng như Sở Thông tin và Truyền thông, công an xử lý hành vi vi phạm. Đồng thời, những người bị mạo danh có thể khởi kiện chủ trang fanpage (và nhà sản xuất thuốc nếu nhà sản xuất nhờ trang fanpage quảng cáo giùm) ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu tòa án ra quyết định buộc họ chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại (nếu có).