Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Nhận diện thủ đoạn gian lận xuất xứ hàng hóa của DN và bài toán hóa giải

CLVN/THANH TÙNG 09:28 27/01/2020

Gian lận xuất xứ gia tăng sẽ tạo ra nguy cơ cản trở xuất khẩu của Việt Nam, làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín hàng xuất khẩu.

Thời gian gần đây, với xu hướng bảo hộ mậu dịch và áp dụng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ nền sản xuất trong nước, trong bối cảnh chiến tranh thương mại đã xảy ra ở một số quốc gia trên thế giới đang tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Việc chuyển tải bất hợp pháp, giả mạo C/O, nhãn hiệu của hàng hóa Việt Nam... sẽ khiến lượng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam tăng đột biến (trong khi hàng hóa có C/O thật sự của Việt Nam không tăng), dễ dẫn tới khả năng hàng hóa của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế bán phá giá, thuế tự vệ, thuế đối kháng, mất uy tín trên thị trường quốc tế.

Hàng loạt thủ đoạn gian lận

Trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam Online về các trường hợp điển hình của gian lận xuất xứ, bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, có nhiều dạng gian lận xuất xứ, một số DN làm giả giấy xác nhận của địa phương hoặc giả nhà sản xuất cung cấp nguyên vật liệu, cắt dán con dấu, hoặc xin xác nhận của địa phương nhưng nội dung chung chung.

Bà Hiền nêu ví dụ, doanh nghiệp nhập nguyên chiếc khăn, về chỉ thao tác thêm một đường viền xung quanh chiếc khăn cũng nghiễm nhiên coi đó là sản phẩm khăn “Made in Vietnam”.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).


Tương tự, theo Trưởng Phòng Xuất xứ hàng hoá, một công ty ở Tây Ninh khi nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, trong giấy tờ ghi là nhập hạt nhựa và sản phẩm cao su tổng hợp, về đến Việt Nam chỉ gia công thêm một số công đoạn nhỏ nhưng khi xuất khẩu đi là sản phẩm thảm cỏ nhân tạo “Made in Vietnam”. Nhưng thực chất khi nhập về đã gần như là sản phẩm hoàn chỉnh rồi.

Bà Hiền cũng cho biết, có những trường hợp giả mạo xuất xứ rất nực cười, giả cả chữ ký của người đã nghỉ hưu. Tuy vậy, vẫn có nhiều doanh nghiệp rất tuân thủ các quy định về quy tắc xuất xứ, nhưng chưa biết cách để chứng minh hàng hoá đáp ứng xuất xứ.

Chung tay bài trừ gian lận xuất xứ hàng hóa

Đánh giá về vấn đề này, ông Chu Thắng Trung- Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp từ các quốc gia khác qua Việt Nam để xuất khẩu… chỉ đem lại lợi ích nhất thời cho một vài doanh nghiệp có hành vi bất chính. Tuy nhiên, hành vi này lại làm tăng chi phí và nguồn lực rất lớn của các doanh nghiệp làm ăn chân chính khi muốn chứng minh sự tuân thủ quy định của các quốc gia xuất khẩu.

Đồng thời, việc gian lận xuất xứ ngày càng gia tăng sẽ tạo ra nguy cơ cản trở xuất khẩu của Việt Nam, làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín hàng xuất khẩu. Hành vi này làm giảm lợi ích mà Việt Nam có được từ các nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang gây dựng.

Đồng quan điểm, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương)- cho biết, các biện pháp phòng vệ thương mại hiện nay được xem là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia. Bởi đây là những công cụ chính sách được Tổ chức Thương mại thế giới cho phép để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước tránh thiệt hại từ hàng nhập khẩu.

Gian lận xuất xứ gia tăng sẽ tạo ra nguy cơ cản trở xuất khẩu của Việt Nam, làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín hàng xuất khẩu.

Theo ông Dũng, tới đây các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ toàn cầu và lẩn tránh phòng vệ thương mại có ảnh hưởng đến Việt Nam từ các nước có thể tăng lên.

Vì vậy, các doanh nghiệp cần có nhận thức đầy đủ về nguy cơ xảy ra các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, điều tra gian lận xuất xứ hàng hóa và có sự chuẩn bị để tránh ảnh hưởng bất lợi đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp cũng như của cả ngành. Ngoài ra, doanh nghiệp cần nắm vững các yêu cầu của bên điều tra để chuẩn bị đầy đủ thông tin, dữ liệu và có những đáp án tốt đáp ứng yêu cầu phía đối tác.

Mặt khác, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần chú trọng tổ chức sắp xếp, đào tạo cán bộ công chức ở bộ phận pháp lý để thực hiện thu thập, phân tích thông tin, xác định những mặt hàng, doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về gian lận, giả mạo xuất xứ; chủ động rà soát xác định những giao dịch, doanh nghiệp xuất nhập khẩu có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đột biến so với năng lực; tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan đối với lĩnh vực xuất xứ hàng hóa để kịp thời phát hiện hành vi vi phạm…

Bạn đang đọc bài viết Nhận diện thủ đoạn gian lận xuất xứ hàng hóa của DN và bài toán hóa giải tại chuyên mục Khiếu nại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Khiếu nại