Hà Nội, Thứ Hai Ngày 09/09/2024

Tiêm filler kém chất lượng: Cảnh báo nguy hiểm từ bác sĩ thẩm mỹ

Nguyễn Triệu 07:45 12/05/2020

Tiêm filler không đảm bảo chất lượng, thực hiện tại các cơ sở không uy tín, thậm chí là cơ sở hoạt động chui, nguy cơ dẫn đến biến dạng khuôn mặt, gây bệnh khó chữa trị.

Tiêm Filler để làm đẹp bây giờ không còn là câu chuyện lạ vì nó đang diễn ra rất phổ biến. Chỉ cần bỏ ra vài trăm là có thể được tiêm filler như ý muốn. Tuy nhiên, có không ít bạn trẻ, nhất là với nhóm tuổi 20-30 tuổi, chủ yếu là giới nữ, có học thức cao, tiếp cận nhanh với công nghệ thông tin vẫn ham của rẻ hoặc bị dụ dỗ sử dụng những dịch vụ và sản phẩm kém chất lượng, gây hậu quả khó lường. Trong khi, đã có nhiều chuyên gia, bác sĩ thẩm mỹ nhận định, đánh giá và tư vấn, thậm chí là cảnh báo việc tiêm filler ra sao, cần tuân thủ các nguyên tắc nào để đảm bảo an toàn, làm đẹp được như ý muốn nhưng không ít người vẫn "phớt lờ".

Chia sẻ trên mạng xã hội mới đây, Ths.Bs Lê Hữu Điền - Giám đốc Thẩm mỹ DrD nhận định: "Rồi đây sẽ có một thế hệ mắc bệnh này (hậu quả từ tiêm filler kém chất lượng gây ra - PV). Số lượng dự tính sẽ không ít.

Nghiệm pháp soi đèn dương tính

Theo Ths.Bs Lê Hữu Điền, trên lâm sàng ở các vị trí tiêm như cằm, mũi, môi.... sẽ có xu hướng biến dạng theo thời gian. Trong giai đoạn cấp tính có thể gặp viêm, sưng nề, bầm tím, loét hoại tử, mù mắt. Biểu hiện mạn tính sẽ xuất hiện đỏ da do tăng sinh mạnh máu, da sần, u cục.

Về cận lâm sàng, siêu âm sẽ thấy rải rác các ổ giảm âm ngay sát dưới da. Giải phẫu bệnh: tiêu bản nhuộm HE cho thấy hình ảnh rải rác các không bào với kích thước khác nhau.

Tiêm filler không rõ nguồn gốc, tiêm nhầm mạch máu hay sử dụng quá số lượng… là nguyên nhân khiến cho phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ này trở thành mối nguy hiểm với sức khỏe người dùng.

Hình ảnh siêu âu

Hình ảnh giải phẫu bệnh đặc trưng của tổn thương do tiêm filler: Các tế bào viêm Bạch cầu đơn nhân và các không bào khổng lồ


"Chất làm đầy filler là tên gọi của một loại sản phẩm có thành phần giống như collagen, axit hyaluronic và canxi hydroxyl apatit, có tác dụng làm đầy các đường nét, trẻ hóa và loại bỏ các nếp nhăn do lão hóa hoặc bẩm sinh. Chất làm đầy có tác dụng tạm thời, nhưng có thể kéo dài hiệu quả nếu được duy trì việc tiêm bổ sung đúng thời hạn theo chỉ dẫn của bác sĩ. Đặc biệt, chất làm đầy không phải silicon lỏng", Ths.Bs Lê Hữu Điền cho biết.

"Nhiều ca tiêm chất làm đầy gây nên những biến chứng và hậu quả khó lường đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng trong thời gian gần đây. Thông tin cho thấy hầu hết những người đã thực hiện tiêm tại thẩm mỹ này đều không biết mình được tiêm chất gì, thành phần và tác dụng ra sao, dẫn đến hậu quả tình trạng sưng môi, lệch mũi, cằm vẹo…Nhiều trường hợp chất không rõ nguồn gốc này di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, vón cục, không chỉ làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây tác động tiêu cực đến tâm lý cũng như sức khỏe của chị em. Thậm chí, việc tùy tiện tiêm các chất không rõ nguồn gốc vào cơ thể còn khiến chị em khó có thể giải quyết bởi khi không rõ chất được tiêm vào là gì sẽ khó có thể xác định phương pháp điều trị phù hợp", Ths.Bs Lê Hữu Điền nhận định.

Đó là hậu quả không mong muốn bởi việc tùy tiện tiêm vào cơ thể những chất không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm định và không phải do bác sĩ có đủ tay nghề, trình độ trực tiếp thực hiện. Cụ thể hơn, theo lời “tố” của những “nạn nhân” trong vụ đó, “chất làm đầy” họ được tiêm vào một loại silicon lỏng – được quảng cáo là có tác dụng kéo dài 10 năm là chất không thể tự tan và đào thải ra khỏi cơ thể như các chất làm đầy tạm thời. Vì thế, trong nhiều trường hợp, sau khi tiêm không đúng quy cách, silicon lỏng sẽ vón cục, thậm chí là di chuyển sang khác khu vực khác, gây nên những hậu quả khó lường.

Trên thực tế, mỗi loại chất làm đầy sẽ có thành phần, thời gian tác dụng khác nhau. Trong đó, chất làm đầy phổ biến nhất hiện nay, có thành phần chủ yếu là Hyaluronic acid có tác dụng tạm thời, giữ hiệu quả làm đầy trong khoảng 9-12 tháng và sẽ tự đào thải ra khỏi cơ thể theo các đường tự nhiên. Một số sản phẩm chứa chất làm đầy này bao gồm Juvederm, Restylane…Juvederm đã được Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ kiểm định và chứng nhận mức độ an toàn.

Câu hỏi đặt ra là có nên tiêm chất làm đầy để làm đẹp không? theo Ths.Bs Lê Hữu Điền, xu hướng làm đẹp bằng tiêm chất làm đầy không cần phẫu thuật ngày càng được ưa chuộng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Phương pháp này có nhiều ưu điểm như thời gian thực hiện nhanh gọn, không cần nghỉ ngơi hay chăm sóc hậu phẫu phức tạp, phù hợp với các nhu cầu làm đẹp nhanh gọn, hiệu quả tức thời của phụ nữ hiện đại. Do vậy, chắc chắn xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai.

Để có được kết quả làm đẹp bằng tiêm chất làm đầy đẹp và đảm bảo an toàn nhất, bác sĩ khuyên khách hàng cần có sự tỉnh táo, tìm hiểu cụ thể về các yếu tố:

Chất làm đầy được sử dụng: tùy theo từng nhu cầu của khách hàng sẽ có loại chất làm đầy tương ứng. Trước khi tiêm, bạn nên hỏi kỹ bác sĩ tiêm về loại chất, thông tin nhãn hàng sản xuất, thời hạn sử dụng, mã vạch, thông số…Ví dụ, với các chất làm đầy chính hãng như Juvederm của hãng Allergan, trên bao bì và trong hộp chứa chất làm đầy sẽ có cùng một thông số, mã code tương ứng…

Tay nghề bác sĩ thực hiện: bác sĩ là người trực tiếp kiểm tra, tư vấn và xác định mức độ cần chỉnh sửa cho bạn. Đồng thời, việc xác định đúng vị trí tiêm sao cho đạt hiệu quả tốt nhất cũng là trách nhiệm của bác sĩ thẩm mỹ.

Quy trình thực hiện: Quá trình tiêm chất làm đầy được thực hiện trong thời gian ngắn. Tuy vậy, để đảm bảo an toàn, quá trình tiêm vẫn cần phải được tiến hành theo đúng các bước: thăm khám, tư vấn, kiểm tra chất làm đầy, gây tê (nếu cần), thăm khám lại (nếu bạn có nhu cầu)

Theo VietQ

Link gốc : tiem-filler-kem-chat-luong-canh-bao-nguy-hiem-tu-bac-si-tham-my

Bạn đang đọc bài viết Tiêm filler kém chất lượng: Cảnh báo nguy hiểm từ bác sĩ thẩm mỹ tại chuyên mục Khiếu nại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Khiếu nại