Hà Nội, Thứ Năm Ngày 19/09/2024

Lượng lớn bánh trung thu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc được 'tuồn' ra thị trường

TDVN 10:53 18/09/2024

Trong thời điểm gần tết Trung thu lực lượng quản lý thị trường các địa phương đã phát hiện và thu giữ lượng lớn bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Bánh trung thu từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu vào mỗi dịp rằm tháng Tám. Ở Việt Nam 2 loại bánh trung thu truyền thống thịnh hành nhất là bánh dẻo và bánh nướng. Mỗi loại bánh đều có ý nghĩa khác nhau. Tuy nhiên cứ đến hẹn lại lên mỗi dịp tết Trung thu lại là dịp các gian thương chỉ vì lợi nhuận mà không từ bỏ thủ đoạn sản xuất, vận chuyển bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định về thị trường nội địa tiêu thụ gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người tiêu dùng.

Những vụ thu giữ bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ quy mô lớn gần đây

Tại Yên Bái: Ngày 16/9/2024, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Yên Bái phối hợp Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường Yên Bái đã phát hiện 2 xe ô tô biển kiểm soát 21C – 100.95 và 21F-000.85 vận chuyển trên 8.000 sản phẩm bánh trung thu các loại do nước ngoài sản xuất trị giá trên 110 triệu đồng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. 2 lái xe đồng thời là chủ số hàng trên khai nhận đã thu mua số hàng hóa trên từ địa bàn tỉnh Lào Cai để mang về tỉnh Yên Bái tiêu thụ.

Tại Quảng Ninh: Ngày 15/9, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh cho biết, đơn vị đã phối hợp với Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Bắc (Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) thực hiện nhiệm vụ tuần tra tại khu vực biên giới phường Ka Long, phát hiện một ô tô mang BKS: 14D-xxxx đang di chuyển đến khu vực chợ Ka Long có dấu hiệu nghi vấn. Tại thời điểm kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện 32 thùng chứa khoảng 7.000 chiếc bánh trung thu (trọng lượng khoảng 700kg) được bọc trong các túi nilon mặt trước có ghi chữ nước ngoài và không xuất trình được giấy tờ liên quan đến số hàng hóa trên.

Tại Thanh Hóa: ngày 15/9, Công an thành phố Thanh Hóa phối hợp với Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa đã phát hiện, thu giữ gần 2 tấn nguyên liệu sản xuất bánh trung thu hết hạn sử dụng, không có nguồn gốc xuất xứ, hàng do nước ngoài sản xuất.

Hàng loạt bánh trung thu, nguyên liệu làm bánh trung thu bị thu giữ. Ảnh minh họa

Tại Nghệ An: Ngày 11/9, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Công an tỉnh Nghệ An) chủ trì phối hợp với Cục Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh hộ P.T.N (SN 1985), thuộc xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, phát hiện, thu giữ 1.776 sản phẩm bánh trung thu các loại do nước ngoài sản xuất, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tại Ninh Bình: Ngày 10/9 Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Ninh Bình phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh này tiến hành kiểm tra đột xuất đối với cửa hàng kinh doanh thực phẩm Chí Cường (phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình) đã phát hiện 332 chiếc bánh trung thu loại 500g/chiếc; 2.160 chiếc bánh trung thu loại 40g/chiếc, 120 chiếc bánh trung thu loại 66,5g/chiếc, 120 gói bánh trung thu loại 180g/gói (6 chiếc/gói). Toàn bộ số hàng hóa trên không có nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Chủ hộ kinh doanh không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa theo quy định.

Tại Lai Châu: Ngày 4/9/2024, Đoàn kiểm tra liên ngành do Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Lai Châu chủ trì phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đối với hộ kinh doanh Nguyễn Thị N., bản Tân Hợp, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường phát hiện hơn 1.400 bánh trung thu, bánh mềm, bánh bông lan các loại. Toàn bộ số hàng hoá trên có nhãn hàng hoá ghi chữ nước ngoài, tuy nhiên chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hoá.

Tại Hà Nội: Vào giữa tháng 8, Đội Quản lý thị trường số 5 thuộc Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 4 vụ hàng hóa là bánh Trung thu nhập lậu, buộc tiêu hủy gần 5.000 chiếc. Ngoài ra, ngày 13/8, Đội Quản lý thị trường số 24 đã thu giữ 240 cái bánh Trung thu (bánh nướng, loại 500g/cái), nhãn bằng chữ nước ngoài tại cửa hàng kinh doanh thực phẩm số 161, đường La Phù, thôn Chùa Tổng, Xã La Phù, Huyện Hoài Đức, thành Phố Hà Nội.

Qua vụ việc trên, cơ quan chức năng khuyến cáo, khi mua bất cứ sản phẩm nào trên thị trường, người dân nên kiểm tra thông tin trên bao bì sản phẩm, đảm bảo có tên và địa chỉ của nhà sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần, hướng dẫn sử dụng và bảo quản. Không nên chọn mua những sản phẩm bị dập nát, biến dạng, bao bì phải nguyên vẹn, không bị rách nát, không có màu sắc bất thường, bị thiu, mốc hoặc có mùi lạ, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Tiêu chuẩn quốc gia về bánh nướng và bánh dẻo

Bộ Khoa học và Công nghệ công bố Bộ Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) dành cho bánh trung thu, bao gồm bánh nướng, bánh dẻo. Theo đó, Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12940:2020 được áp dụng cho bánh nướng; TCVN 12941:2020 được áp dụng cho bánh dẻo.

Trong đó Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12940:2020 hướng dẫn các thành phần nguyên liệu làm bánh phải từ bột mì đáp ứng quy định trong TCVN 4359 (CODEX STAN 152). Bột ngũ cốc khác đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và an toàn để dùng làm thực phẩm. Đường đáp ứng quy định trong TCVN 6958 hoặc TCVN 7968 (CODEX STAN 212). Dầu ăn đáp ứng quy định trong TCVN 7597, TCVN 12107, TCVN 6312 (CODEX STAN 33) hoặc TCVN 13020.

Các nguyên liệu khác có thể bao gồm nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật (mỡ lợn, các sản phẩm thịt, sản phẩm thủy sản, sản phẩm trứng, sữa và sản phẩm sữa v.v...), nguyên liệu có nguồn gốc từ thực vật (hạt đậu, hạt sen, hạt dưa, khoai môn, bột trà xanh, các loại mứt v.v...) và nguyên liệu khác (muối, rượu trắng, rượu mùi v.v...): đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và an toàn để dùng làm thực phẩm.

Yêu cầu cảm quan đối với bánh nướng được quy định, vỏ bánh không bị cháy, nhân cứng hoặc nhân nhuyễn, phải có màu sắc và mùi vị đặc trưng, không có mùi hay tạp chất lạ. Chỉ sử dụng các chất phụ gia thực phẩm với mức sử dụng tối đa theo quy định. Hàm lượng chì, mg/kg: không lớn hơn 0,5.

Sản phẩm phải được đóng gói trong bao bì dùng cho thực phẩm, không thấm nước. Chất khử oxy và chất bảo quản khác đặt trong bao gói không được tiếp xúc trực tiếp với bánh. Sản phẩm được vận chuyển bằng phương tiện khô, sạch, bảo vệ được chất lượng và an toàn vệ sinh cho sản phẩm. Bảo quản sản phẩm tránh ánh nắng trực tiếp.

Đối với Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12941:2020 về bánh dẻo, yêu cầu thành phần nguyên liệu phải làm từ bột gạo nếp và bột ngũ cốc khác đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và an toàn để dùng làm thực phẩm. Đường đáp ứng quy định trong TCVN 6958 hoặc TCVN 7968 (CODEX STAN 212). Dầu ăn đáp ứng quy định trong TCVN 7597, TCVN 12107, TCVN 6312 (CODEX STAN 33) hoặc TCVN 13020.

Các nguyên liệu khác có thể bao gồm nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật (mỡ lợn, các sản phẩm thịt, sản phẩm thủy sản, sản phẩm trứng, sữa và sản phẩm sữa v.v...), nguyên liệu có nguồn gốc từ thực vật (hạt đậu, hạt sen, hạt dưa, khoai môn, bột trà xanh, các loại mứt v.v...) và nguyên liệu khác (muối, rượu trắng, rượu mùi v.v...): đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và an toàn để dùng làm thực phẩm.

Bộ tiêu chuẩn sẽ giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng hơn để xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm của mình một cách đồng nhất, và hơn hết là giúp người tiêu dùng an toàn khi sử dụng các sản phẩm tuân thủ theo các tiêu chuẩn này.

Các bên liên quan đến sản phẩm này bao gồm các cơ sở sản xuất, cơ quan quản lý nhà nước (ngành Công Thương, theo phân cấp về quản lý an toàn thực phẩm trong Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật an toàn thực phẩm); các đơn vị thử nghiệm và đặc biệt là đối tượng người tiêu dùng sản phẩm.

Các tiêu chuẩn này sẽ giúp cho các cơ sở sản xuất có căn cứ để công bố sản phẩm theo quy định nêu trong Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật an toàn thực phẩm; giúp cơ quan quản lý có căn cứ để kiểm soát sản phẩm và giúp cho người tiêu dùng có cơ sở để lựa chọn sản phẩm có chất lượng thích hợp. Thông qua đó, sẽ đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng và quyền lợi của nhà sản xuất chân chính.

Theo Vietq

Link gốc : https://vietq.vn/banh-trung-thu-khong-ro-nguon-goc-d225414.html

Bạn đang đọc bài viết Lượng lớn bánh trung thu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc được 'tuồn' ra thị trường tại chuyên mục Bảo vệ người tiêu dùng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Bảo vệ người tiêu dùng