Hà Nội, Thứ Năm Ngày 05/12/2024

Những trường hợp trẻ em chống chỉ định tiêm phòng vaccine

TDVN 23:17 30/11/2024

Tiêm chủng là một trong những biện pháp y tế bảo vệ an toàn sức khỏe của trẻ em. Tuy nhiên, có những trường hợp đặc biệt trẻ không đủ điều kiện sức khỏe nên được bác sỹ chống chỉ định hoặc hoãn tiêm v

Hiện nay có khoảng 30 bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng bệnh và khoảng 190 quốc gia, vùng lãnh thổ đưa vaccine vào sử dụng phổ cập cho người dân. Qua đó cho thấy tiêm chủng thực sự đóng vai trò to lớn đối với toàn xã hội.

Việt Nam là quốc gia thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, khí hậu ẩm ướt quanh năm là môi trường lý tưởng cho nhiều loại virus, vi khuẩn phát triển, rất dễ phát sinh bệnh dịch.

Hệ thống miễn dịch của trẻ thường chưa hoàn chỉnh và sức đề kháng với bệnh kém nên dễ nhiễm bệnh. Bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan trong không khí, nơi tập trung đông người như nhà giữ trẻ, khu vui chơi, trường học, công ty,… Bệnh thường lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc với nguồn bệnh qua đường máu, quan hệ tình dục, từ mẹ sang con.

Một số bệnh lý một khi đã mắc thì không thể hoặc khó điều trị dứt điểm (như bệnh viêm gan B), do đó tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh tốt nhất. Trong trường hợp tiêm vaccine mà vẫn bị nhiễm bệnh thì bệnh sẽ nhẹ hơn rất nhiều và ít hoặc không có biến chứng.

Trẻ không nên tiêm chủng trong trường hợp nào?

Khám sàng lọc trước khi tiêm chủng vắc xin là việc rất cần thiết nhằm phát hiện những bất thường cần lưu ý để chỉ định tiêm/ uống vắc xin, tạm hoãn hay không được tiêm/ uống một loại vắc xin nào đó đối với trẻ em hoặc người lớn. Do đó, bố mẹ hoặc người giám hộ trẻ cần trao đổi với bác sĩ các thông tin cần thiết liên quan đến sức khỏe của trẻ như tình trạng sức khỏe hiện tại. Đây là những dữ liệu rất quan trọng cùng với kết quả khám sàng lọc, bác sĩ sẽ đánh giá trẻ có đủ điều kiện sức khỏe để tiến hành tiêm hoặc cần hoãn tiêm để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Tiêm chủng là một trong những biện pháp y tế bảo vệ an toàn sức khỏe của trẻ em. Ảnh minh họa

Dưới đây là một số trường hợp trẻ không nên tiêm chủng:

Trẻ không nên tiêm chủng khi có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vaccine lần trước (có cùng thành phần), sốt cao trên 39°C kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái, khó thở.

Trẻ bị bệnh về tim, gan, phổi, lao cũng không nên tiêm chủng bởi thể chất các trẻ thường kém, khó chấp nhận được những phản ứng nhẹ do vaccine gây nên.

Trẻ bị bệnh liên quan đến thần kinh như tâm thần, động kinh, não bộ kém phát triển cũng không nên tiêm phòng. Trẻ bị suy dinh dưỡng, còi xương nghiêm trọng hoặc hệ miễn dịch bẩm sinh thiếu hụt cũng không nên tiêm chủng.

Những trẻ bị hen suyễn, mề đay, hoặc thể chất quá nhạy cảm khi tiêm vaccine thường xảy ra dị ứng không nên tiêm chủng. Bởi trong vaccine có chứa một hàm lượng chất gây dị ứng vô cùng nhỏ, nhưng nó lại phả ứng và gây nguy hại đối với những trẻ nhỏ có cơ thể quá nhạy cảm.

Ngoài ra, trẻ đã từng có tiền sử phản vệ độ III trở lên sau khi tiêm vaccine hoặc sau khi tiếp xúc với một trong số thành phần của vaccine như gelatin, neomycin, protein trứng (ovalbumin), protein của men, kháng sinh, muối nhôm, các chất có vai trò bảo quản, chất ổn định… cũng không nên tiêm vaccine.

Các trường hợp trẻ nên tạm hoãn tiêm chủng

Để đảm bảo an toàn sau khi tiêm vaccine phòng bệnh, trẻ cần phải tạm hoãn tiêm chủng trong một số trường hợp sau.

Trẻ sơ sinh cân nặng dưới 2kg nên hoãn tiêm chủng. Trẻ không nên tiêm chủng khi bộ phận da nơi cần tiêm chủng trên cơ thể của trẻ bị viêm, mẩn ngứa hoặc mưng mủ nghiêm trọng thì nên chữa khỏi bệnh trước rồi hãy tiến hành tiêm chủng sau.

Khi trẻ đang sốt, nhiệt độ cơ thể vượt quá 37,5 độ C, nên tìm hiểu nguyên nhân gây sốt và để đến lúc bé khỏi sốt hẳn thì tiến hành tiêm chủng. Bởi khi tiêm sẽ thường xuất hiện phả ứng, nhiệt độ cơ thể tăng lên, làm cho tình trạng sốt của bé trầm trọng hơn. ngoài ra sốt thường là dấu hiệu đầu tiên của các bệnh về truyền nhiễm cấp tính như cảm, sởi, viêm màng não, viêm gan…. Khi đó vaccine tiêm chủng không những làm tăng nhanh khả năng phát bệnh mà còn khiến bệnh tình thêm nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, thành phần kháng nguyên trong vaccine và vi khuẩn gây bệnh sẽ kết hợp lẫn nhau và làm ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch của trẻ nhỏ.

Trẻ đang bị mắc bệnh truyền nhiễm hoặc mới khỏi bệnh chưa đầy 2 tuần, nên hoãn việc tiêm phòng.

Trẻ có hệ miễn dịch suy giảm do các bệnh lý như HIV/AIDS, ung thư, đang điều trị các liệu pháp làm suy yếu hệ miễn dịch như hóa trị liệu, xạ trị, hoặc sử dụng corticosteroid liều cao,… cần cân nhắc trước khi cho trẻ tiêm chủng bởi không phải loại vaccine nào cũng được khuyến cáo sử dụng.

Khi trẻ bị tiêu chảy cấp hoặc đại tiện quá 4 lần/ngày thì không nên sử dụng vaccine bởi việc trẻ đi ngoài nhiều sẽ nhanh chóng bài tiết vaccine ra khiến cho việc tiêm vaccine mất hết tác dụng. Mặt khác, nếu tiêu chảy do virus sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch của vaccine.

Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vaccine.

Theo VietQ

Link gốc : https://vietq.vn/nhung-truong-hop-tre-em-chong-chi-dinh-tiem-phong-vaccine-d227714.html

Bạn đang đọc bài viết Những trường hợp trẻ em chống chỉ định tiêm phòng vaccine tại chuyên mục Bảo vệ người tiêu dùng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Bảo vệ người tiêu dùng
Trứng là nguồn protein nạc tuyệt vời và chứa nhiều vi chất dinh dưỡng như vitamin B, choline và axit béo omega-3. Tuy nhiên, một số người nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có lượng ăn phù hợp.