Tang vật của một đường dây sản xuất thực phẩm chức năng giả bị lực lượng chức năng triệt phá. Ảnh: Công an TPHCM. |
Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm nhiều đối tượng lợi dụng để buôn bán các sản phẩm thực phẩm chức năng giả mạo, không rõ nguồn gốc, gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã thực hiện và chỉ đạo các địa phương thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Cơ quan này đã xử lý 126 hành vi vi phạm, với tổng số tiền phạt hơn 16,8 tỷ đồng. Các địa phương đã kiểm tra 941.836 cơ sở, trong đó có 85.551 cơ sở có vi phạm, phạt tiền 20.881 cơ sở, với tổng số tiền phạt hơn 123 tỷ đồng.
Các vi phạm chủ yếu là sản xuất thực phẩm chức năng giả; nhập thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng về Việt Nam rồi thay bao bì, nhãn mác… và mang đi tiêu thụ; sản xuất thực phẩm chức năng có chứa chất cấm; quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm chức năng...
Gần đây, Công an tỉnh Bắc Giang đã tạm giữ hai vợ chồng điều hành Công ty TNHH Bảo Long Dược và 20 đồng phạm bị tạm giữ để điều tra hành vi giả danh y, bác sĩ tư vấn, quảng cáo không đúng sự thật về tác dụng của thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh, bán với giá cao.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, những đối tượng nói trên hoạt động theo mô hình đa cấp, lợi dụng danh tiếng, tên tuổi của các y, bác sĩ nổi tiếng, công tác tại các bệnh viện, trung tâm y tế lớn để quảng cáo, tư vấn không đúng sự thật về tình trạng bệnh tật của bệnh nhân, với mục đích bán thuốc, thực phẩm chức năng với giá cao.
Thủ đoạn của vợ chồng này là đặt hàng từ các xưởng gia công thuốc nam, rồi thuê in nhãn mác, với các nhãn hiệu như: Vương Hoàng Giáp, Nhất Giáp Khang, Bách Vị Nam, Bình Mộc Giáp, An Mộc Vương, Giáp Nam Bình...Tuy nhiên, các sản phẩm này chứa thành phần gì, công dụng, tính năng ra sao thì không biết; tác dụng của sản phẩm cũng chưa được chứng minh, cơ quan chuyên môn công nhận.
Với những loại thực phẩm chức năng có giá gia công chỉ từ 30.000 -40.000 đồng/hộp, song hai vợ chồng trên đã chỉ đạo nhân viên tư vấn, bán với giá từ 1-3 triệu đồng/hộp.
Khám xét nơi làm việc của Công ty TNHH Bảo Long Dược, lực lượng chức năng thu giữ 287 thùng carton chứa các loại thuốc, thực phẩm chức năng, 68 bộ máy tính và laptop các loại, 267 điện thoại cùng nhiều giấy tờ, tài liệu liên quan.
Cơ quan điều tra xác định, trong hơn một năm, từ tháng 10/2022 đến khi bị bắt, nhóm này đã bán hơn 80.000 đơn hàng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc cho 20.000 người trên khắp cả nước, chiếm đoạt hơn 75 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tình trạng thực phẩm chức năng giả tràn lan trên thị trường càng trở nên phức tạp với các sản phẩm thực phẩm chức năng được quảng cáo là “xách tay” từ nước ngoài. Thực tế, đây không phải là vấn đề được đặt ra ở một năm cụ thể nào mà đó là câu chuyện được bàn luận thường xuyên mỗi dịp Tết đến Xuân về. Bởi thời điểm này, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, thị trường thực phẩm chức năng ngày càng sôi động với sự đa dạng về chủng loại, mẫu mã. Cũng từ đây, chỉ vì mục đích cá nhân là thu được lợi ích kinh tế, mà nhiều người kinh doanh đã bất chấp pháp luật, bất chấp đạo đức, sẵn sàng đưa những mặt hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, hàng giả hàng nhái trà trộn vào tiêu thụ.
Để bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Y tế, Cục Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng đã tăng cường các biện pháp kiểm soát, đặc biệt là trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, nơi tình trạng buôn bán thực phẩm chức năng giả và không rõ nguồn gốc diễn ra khá phổ biến.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, các sản phẩm thực phẩm chức năng phải được cơ quan chức năng cấp phép trước khi đưa vào thị trường. Tuy nhiên, việc quản lý bán hàng qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử đang gặp khó khăn lớn, đặc biệt là khi các máy chủ quảng cáo được đặt ở nước ngoài.
Để quản lý hiệu quả thực phẩm chức năng, các chuyên gia cho rằng cần xây dựng một hệ thống pháp lý hoàn chỉnh với quy định chi tiết về tiêu chuẩn chất lượng, thành phần và sản xuất thực phẩm chức năng. Bên cạnh đó, cần có cơ chế kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường, yêu cầu các cơ sở sản xuất phải tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và vệ sinh.
Việc kiểm soát quảng cáo thực phẩm chức năng cũng cần được tăng cường để tránh tình trạng quảng cáo sai sự thật về công dụng sản phẩm, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Các cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ các chiến dịch quảng cáo, đặc biệt là qua các nền tảng mạng xã hội.
Hơn nữa, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục người tiêu dùng về cách lựa chọn và sử dụng thực phẩm chức năng sao cho an toàn, hiệu quả.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát và quản lý thị trường thực phẩm chức năng, từ việc theo dõi nguồn gốc sản phẩm đến việc kiểm tra chất lượng và việc thực thi các quy định pháp lý. Thực phẩm chức năng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, vì vậy việc quản lý các sản phẩm này cần phải được thực hiện nghiêm ngặt.
Theo Đại Đoàn Kết