Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước quý I-2020 đạt 391 nghìn tỷ đồng, bằng 25,9% dự toán, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, có thể thấy, thu ngân sách nhà nước trong quý I cơ bản bảo đảm tiến độ dự toán. Tuy nhiên, theo đánh giá, từ quý II công tác này sẽ rất khó khăn.
Thực tế, ngay từ tháng 3, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thu ngân sách nội địa đã rõ nét. Tổng cục Thuế cho biết, thu ngân sách nhà nước quý I-2020 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 339.035 tỷ đồng, bằng 27% so với dự toán pháp lệnh, bằng 110,9% so cùng kỳ năm 2019. Ông Nguyễn Đức Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền hỗ trợ (Tổng cục Thuế) đánh giá, kết quả thu quý I đạt khá, chủ yếu là nhờ một số khoản thu phát sinh quý IV-2019 được chuyển nộp và quyết toán trong quý I-2020 theo quy định. Tuy nhiên, diễn biến thu qua các tháng có dấu hiệu giảm dần do tác động của dịch Covid-19. Đặc biệt từ tháng 3, số thu ngân sách đã có ảnh hưởng rõ nét, một số nguồn thu lớn có tốc độ giảm nhanh.
Trong khi đó, theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng, quý I-2020, thu ngân sách của toàn ngành Hải quan ước đạt 77.000 tỷ đồng, bằng 22,78% dự toán và giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân chính do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch nhập khẩu nhiều mặt hàng có đóng góp số thu lớn đã giảm mạnh.
Bộ Tài chính dự kiến, với phương án tích cực nhất (dịch Covid-19 kết thúc trong quý II-2020), tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,3%, giá dầu bình quân cả năm khoảng 35 USD/thùng, thu từ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước không thực hiện được, thì thu ngân sách nhà nước ước giảm khoảng 140.000-150.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh trên, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, ngành Thuế cần tăng cường quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, trò chơi điện tử. Thực tế là thời gian qua, thực hiện cách ly xã hội, nhiều tổ chức, cá nhân đẩy mạnh bán hàng qua mạng, doanh thu bán hàng qua thương mại điện tử tăng mạnh, kể cả doanh thu về trò chơi điện tử. Bên cạnh đó, đối với các trường hợp nộp thuế bình thường, thông qua việc kê khai quyết toán thuế năm 2019 và khai báo nộp thuế hằng tháng, hằng quý, cán bộ thuế bằng nghiệp vụ của mình kiểm tra, phát hiện các trường hợp gian lận về chi phí, doanh thu, các hiện tượng chuyển giá nhằm bảo đảm thu đúng, thu đủ tiền thuế phát sinh.
Cũng trong nỗ lực trên, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng cho biết, ngành Hải quan tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm thông quan nhanh hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; thực hiện các giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Các cục hải quan tỉnh, thành phố tăng cường giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm tra sau thông quan để chống thất thu...
Về phía Bộ Tài chính, theo ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, cùng với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan; cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính tăng cường quản lý thu ngân sách, quản lý chặt chẽ nguồn thu, chống chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại. Đặc biệt, Bộ đang tích cực chỉ đạo hệ thống cơ quan thuế, hải quan từ Trung ương đến cơ sở triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là quy định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân quy định tại Nghị định số 41/NĐ-CP ngày 8-4-2020 của Chính phủ, qua đó giúp doanh nghiệp sớm hồi phục sản xuất, kinh doanh.