Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) cho rằng, việc Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn tiền nộp thuế và tiền thuê đất được ban hành sớm, đã đáp ứng kịp thời yêu cầu và phù hợp với tình hình hiện nay.
Đánh giá Nghị định, bà Cúc cho rằng sự khác biệt của Nghị định lần này là thuế GTGT được giãn nộp, miễn tính tiền chậm nộp. Đây là vấn đề trước đây khi xử lý về các loại thuế chính sách giảm, giãn ít khi đề xuất về GTGT nếu có chỉ áp dụng với các sản phẩm thiết yếu, chế biến nông lâm hải sản. Do thuế GTGT nằm trong giá bán sản phẩm, dịch vụ, chỉ trừ không bán hàng, không cung cấp dịch vụ được thì không phát sinh, còn có bán, có cung cấp dịch vụ thì dù lỗ hay lãi cũng phải nộp thuế theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, Nghị định quy định việc gia hạn toàn bộ thuế GTGT 5 tháng cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng của Covid 19 được áp dụng cho các lĩnh vực sản xuất, xây dựng, vận tải; dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục và đào tạo; y tế ,du lịch, các hoạt động văn hóa khác; hoạt động thể thao, vui chơi giải trí; hoạt động chiếu phim… và thậm chí cả hoạt động kinh doanh bất động sản, các Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Như vậy, Nghị định 41/2020/NĐ-CP có phạm vi áp dụng rộng, nhiều tổ chức, cá nhân gặp khó khăn sẽ được hưởng lợi từ gói giải pháp này.
Chưa rõ báo chí được gia hạn nộp thuế hay không?
Tuy nhiên, theo bà Cúc, một số quy định chưa rõ khiến doanh nghiệp băn khoăn về đối tượng thụ hưởng chính sách. Điển hình là các cơ quan báo chí. Bản thân hoạt động báo chí không chịu thuế GTGT, không phải nộp thuế, nhưng hoạt động quảng cáo trên báo chí phải nộp thuế GTGT và có lợi nhuận thì quyết toán của năm trước và những báo, tạp chí có lãi năm nay có được gia hạn thuế GTGT, TNDN không là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Vì theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 2 Nghị định 41/2020/NĐ-CP, các hoạt động sau được gia hạn: “Hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động thể thao, vui chơi giải trí; hoạt động chiếu phim”. Nhưng hoạt động báo chí, bao gồm báo viết, báo nói, báo hình… có thuộc lĩnh vực nêu trên không, có được gia hạn thuế hay không.
“Hoạt động báo chí cũng nên được áp dụng, báo chí góp tiếng nói quan trọng trong hoạt động tuyên truyền hỗ trợ chống dịch Covid-19. Nhưng quy định chưa đề cập rõ, khiến các cơ quan báo chí còn lăn tăn về hoạt động quảng cáo đang nộp thuế GTGT (thuế TNDN- nếu có) có thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định 41/2020/NĐ-CP không” - bà Cúc nhận định.
Thiên tai có, dịch bệnh lại không
Một vấn đề khác, theo quy định của Luật Thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn có 5 khoản tài trợ của doanh nghiệp được hạch toán vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN. Đó là các khoản tài trợ cho y tế, giáo dục, thiên tai lũ lụt, làm nhà tình nghĩa cho người nghèo, tài trợ cho nghiên cứu khoa học công nghệ, các chương trình mục tiêu theo quy định của Chính phủ nhưng trong văn bản hiện nay chưa có quy định về tài trợ cho dịch bệnh vì từ trước đến nay chưa có dịch bệnh nào mang tính chất nghiêm trọng cần công bố trong toàn quốc.
Trước đây chỉ có thiên tai, địch họa, chiến tranh nhưng yếu tố địch họa nay đã bỏ trong xây dựng văn bản pháp luật, chỉ còn thiên tai. Một số dịch bệnh có quy định cụ thể nhưng một số dịch bệnh thì chưa.
Bà Cúc nhấn mạnh, các cá nhân có hoạt động tài trợ chống dịch Covid-19 thông qua Mặt trận tổ quốc đã được trừ khi tính thuế TNCN. Nhưng đối với các doanh nghiệp có đóng góp cho hoạt động này thông qua Mặt trận tổ quốc Việt Nam hoặc Mặt trận tổ quốc tỉnh… bằng tiền mặt hoặc thiết bị y tế có chứng từ đầy đủ thì nên xem xét cân nhắc đây là một hình thức tài trợ cho trường hợp đặc biệt (hoặc có thể coi như hình thức tài trợ cho Y tế) để doanh nghiệp được hạch toán chi phí hỗ trợ này vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN. Như vậy doanh nghiệp sẽ được giảm đi 20% thuế TNDN trong giá trị tài trợ. Trường hợp doanh nghiệp lỗ trong năm 2020, trong đó có nguyên nhân tài trợ này chẳng hạn, thì doanh nghiệp được chuyển lỗ sang kỳ sau, thời gian chuyển lỗ 5 năm. Như vậy sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và là sự chia sẻ của Nhà nước với họ.
Đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn trực tiếp do dịch Covid-19, còn liên quan đến phí thuộc quyền thẩm quyền quyết định của các bộ. Ví dụ phí cất cánh hạ cánh, an ninh, bay qua bầu trời, phí cầu đường cao tốc, theo Luật Phí và lệ phí, hiện có những loại phí mang tính chất giá, không thuộc thẩm quyền của Chính phủ mà thuộc quyền của các bộ ngành. Vì thế, tại Chỉ thị số 11, Thủ tướng yêu cầu các bộ GTVT, Bộ Công thương… rà soát lại tất cả các danh mục phí để điều chỉnh giảm. Ví dụ phí đi qua đường cao tốc, trong lúc khó khăn này có thể giảm hoặc miễn… là thẩm quyền của Bộ, ngành để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tháo gỡ khó khăn trước mắt.
Thuế nhiên liệu bay có thể áp dụng mức sàn
Về việc giảm thuế nhiên liệu bay như kiến nghị của các hãng hàng không, bà Cúc cho hay, đây là sản phẩm liên quan đến thuế nhập khẩu, trong đó có khung để điều chỉnh mức thuế suất cho phù hợp với từng giai đoạn, trong giai đoạn khó khăn này có thể triển khai vận dụng mức sàn của khung thuế quy định. Giá xăng dầu thế giới hiện đã giảm về mức thấp nhất trong lịch sử, thuế nhập khẩu chỉ cần chuyển sang áp dụng thu theo mức thấp nhất để tạo điều kiện cho các hãng hàng không giảm thiểu khó khăn.
Đặc biệt, Nghị định này có hiệu lực ngay từ ngày 8/4/2020. Tổng cục thuế cũng đã thể hiện ý chí quyết liệt, triển khai đồng bộ trong toàn ngành để giảm thiểu thời gian của doanh nghiệp. Người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn chỉ gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất (bằng phương thức điện tử hoặc phương thức khác) cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp một lần cho toàn bộ các kỳ của các sắc thuế: GTGT, TND, tiền thuê đất ... Cơ quan thuế không phải thông báo cho người nộp thuế về việc chấp nhận gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Điều này rất quan trọng vì Nghị định ban hành mà cơ quan thuế địa phương không kịp thời thì doanh nghiệp không được hưởng lợi.
Ví dụ DN: Doanh nghiệp ở địa bàn Hà nội, thuộc đối tượng được gia hạn theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP, muốn gia hạn thuế GTGT tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6/2020 và thuế TNDN tạm nộp của quý 1, quý 2/2020 theo thời hạn tối đa của Nghị định 41/2020/NĐ-CP, chỉ cần gửi 1 thư điện tử đến cục thuế Hà nội theo mẫu biểu quy định sẽ được gia hạn thời gian nộp cho tất cả thuế GTGT, TNDN luôn cho 4 tháng, hai quý, doanh nghiệp không phải làm 6 tờ gia hạn như thông thường, cũng không phải chờ cơ quan thuế ra quyết định mới được áp dụng.
Theo bà Cúc, đây là điểm mới, được Thủ trưởng cơ quan thuế Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là hai đơn vị có số thu lớn nhất cũng như các địa phương khác đã triển khai rất đầy đủ. Kể cả trước khi có Nghị định này, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cục thuế xử lý kịp thời các trường hợp theo thẩm quyền quy định tại các văn bản pháp quy để tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế.
Theo Tài Chính Doanh Nghiệp