Hà Nội, Thứ Tư Ngày 18/09/2024

Cảnh giác trước lời mời xóa nợ xấu

Võ Hương 13:00 22/05/2023

Trước tình trạng này, ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc CIC khẳng định, không có bất kỳ tổ chức/cá nhân nào có thể can thiệp vào cơ sở dữ liệu của CIC.

Nhiều hinh thức mời “xóa nợ xấu”

Trong vai người có nhu cầu xóa nợ xấu trên hệ thống của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC), phóng viên liên hệ với một số trang web quảng cáo cung cấp dịch vụ xóa nợ xấu và được một tư vấn viên giới thiệu "là đơn vị cung cấp dịch xóa nợ xấu nhanh, uy tín và miễn phí tư vấn", phí dịch vụ từ 10 - 20 triệu đồng tùy vào việc xóa nhóm nợ nào.

Không chỉ trên các website, những lời quảng cáo tương tự xuất hiện khá dày đặc trên mạng xã hội khi người có nhu cầu tìm kiếm bằng các từ khóa "xóa nợ xấu", "xóa nợ CIC". Khi đó, những lời quảng cáo "mùi mẫn" như "Bạn đang bị nợ xấu, không thể duyệt hồ sơ vay, bị làm phiền bởi những cuộc gọi khủng bố đòi nợ, ảnh hưởng uy tín gia đình bạn bè... Hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ! Cam kết "gỡ sạch" mọi nhóm nợ!!!"... sẽ lập tức xuất hiện. Chưa dừng lại, để lấy lòng tin với người có nhu cầu, các đối tượng này còn đăng tải những hình ảnh hoạt động của CIC, cài đặt ảnh đại diện, ảnh bìa bằng logo của CIC.

Và thế là đã có nhiều người trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo. Chị Nguyễn Thị Phương (quận Đống Đa, TP. Hà Nội) cho biết, sau dịch Covid-19 chị có nhu cầu vay vốn tại ngân hàng để khôi phục lại hoạt động kinh doanh nhưng không được chấp thuận vì từng có thông tin nợ xấu cách đây hơn 1 năm. Bí quá, chị đã tìm kiếm thông tin trên mạng và liên hệ với một người tên Tiến tự nhận là tư vấn viên của CIC. Tiến cam kết sẽ tạo lại hồ sơ tín dụng sạch cho chị với giá 12 triệu đồng, sau 3 ngày sẽ trả kết quả. Tin lời tư vấn trên, chị đã chuyển ngay 6 triệu đồng cho Tiến và hẹn sẽ thanh toán phần còn lại khi có kết quả. Tuy nhiên, đến hẹn chị chờ mãi không thấy Tiến liên hệ lại và gọi điện báo không liên lạc được. Lúc này, chị mới biết mình đã bị lừa.

Các đối tượng dùng chiêu trò “xóa nợ xấu” để lừa đảo hoặc cho vay nặng lãi

Đặc biệt, có trường hợp chỉ cần cung cấp chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, các đối tượng sẽ cho người có nhu cầu vay tín chấp để thanh toán nợ xấu, lãi suất tính theo ngày. Đối với các khoản vay từ 1 - 10 triệu đồng, lãi suất là 2.200 đồng/ngày/triệu đồng; từ 10 triệu đồng trở lên lãi suất 2.500 đồng/ngày/ triệu đồng, tương đương khoảng 7,5%/tháng và 90%/năm.

Không có cơ chế “xóa nợ xấu”

Trước tình trạng này, ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc CIC khẳng định, không có bất kỳ tổ chức/cá nhân nào có thể can thiệp vào cơ sở dữ liệu của CIC. CIC chỉ thực hiện điều chỉnh thông tin trên cơ sở đề nghị của các TCTD. Khi cần chỉnh sửa thông tin, các TCTD phải nêu rõ nguyên nhân xảy ra sai sót.

Khi phát hiện thông tin có sai sót, khách hàng báo với CIC thông qua các kênh điện tử hoặc tổng đài của Trung tâm hoặc liên hệ với các TCTD. Theo quy định của NHNN, sau khi nhận được yêu cầu điều chỉnh sai sót, CIC đều phải kiểm tra lại thông tin của khách hàng, nếu thực sự có sai sót thì CIC phải điều chỉnh, sau khi điều chỉnh CIC sẽ thông báo cho khách hàng được biết. Khách hàng nên thường xuyên kiểm tra thông tin của chính mình trên cơ sở dữ liệu của CIC để khi phát hiện những điều không chính xác thì kịp thời yêu cầu các đơn vị có liên quan chỉnh sửa để bảo vệ quyền lợi.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, khách hàng tuyệt đối không tin tưởng vào những quảng cáo, chào mời, giới thiệu dịch vụ “che nợ xấu”, “xóa nợ xấu”. Cách duy nhất là không phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu là thanh toán nợ gốc và lãi đầy đủ, đúng hạn. Để duy trì và cải thiện điểm tín dụng, mỗi cá nhân nên có ý thức kiểm soát hành vi sử dụng tín dụng của mình. Trước khi tiến hành vay vốn, khách hàng cần cân nhắc về lãi suất vay và tính lãi suất vay phù hợp với mức thu nhập và khả năng chi trả cho khoản vay của mình; chủ động trả hết nợ và không bao giờ vay quá khả năng thanh toán trong tháng.

Trong trường hợp đã phát sinh nợ xấu, luật sư Lại Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH LLA Legal cho biết, khách hàng sẽ không thể xếp hạng cao trong Hệ thống tín dụng nội bộ của ngân hàng và không thể đáp ứng được Quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý nợ, chính sách dự phòng rủi ro của ngân hàng.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hường, Giám đốc chi nhánh một ngân hàng chia sẻ, thông tin nợ xấu của khách hàng sẽ được CIC cung cấp trong thời gian tối đa 05 năm. Do đó, khách hàng có thông tin nợ xấu cũng không nên quá lo lắng vì khẩu vị rủi ro của mỗi ngân hàng là khác nhau. Theo thời gian, thông tin tiêu cực sẽ dần ít ảnh hưởng đến quyết định cho vay của các ngân hàng khi có nhiều thông tin tích cực thay thế. Khách hàng có thể chủ động liên hệ tới CIC để tư vấn cách nâng được điểm tín dụng hoặc độ tín nhiệm của mình.

Theo Thời báo Ngân hàng

Link gốc : https://thoibaonganhang.vn/canh-giac-truoc-loi-moi-xoa-no-xau-139627.html

Bạn đang đọc bài viết Cảnh giác trước lời mời xóa nợ xấu tại chuyên mục Cần biết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Cần biết