Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Thị trường hồi phục, tự doanh của công ty chứng khoán đã có lãi

Phạm Hồng Nhung 09:42 22/05/2023

Nhờ diễn biến tích cực từ thị trường, loạt công ty chứng khoán báo lãi tự doanh quý I/2023, dù giảm so với mức nền cao cùng kỳ nhưng tăng đáng kể so với quý trước.

Sau khoảng thời gian biến động, thị trường chứng khoán đã dần hồi phục từ cuối năm 2022 và có các nhịp hồi ngắn đầu năm 2023. Thị trường diễn biến bớt tiêu cực kéo theo danh mục cổ phiếu hồi phục, khiến hàng loạt công ty chứng khoán báo lãi tự doanh trong quý I/2023, trong khi quý IV/2022 ghi nhận mức lỗ, có nôi còn tăng trưởng âm.

Theo danh sách lợi nhuận trước thuế một số công ty chứng khoán được Người Đưa Tin thống kê, phần lớn đều có mức giảm lợi nhuận từ 40 - 65%, gồm Chứng khoán MB (MBS) giảm 40%; Chứng khoán KIS Việt Nam giảm 43%; Chứng khoán VPS giảm 51%; Chứng khoán Mirae Asset (MAS) giảm 55%; Chứng khoán TP HCM (HSC) giảm 56%; và Chứng khoán Kỹ thuơng (TCBS) giảm 64%.

Chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu các doanh nghiệp này là hoạt động tự doanh. Mảng tự doanh bao gồm tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) và các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS).

Tự doanh chứng khoán từng là nghiệp vụ hái ra tiền của các công ty chứng khoán trong năm 2021, tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường rớt mạnh, nhiều công ty báo doanh thu lợi nhuận lao dốc hồi cuối năm 2022 do đầu tư cổ phiếu thua lỗ.

Sang đến năm 2023, khi thị trường đã có dấu hiệu hồi phục và duy trì đi ngang, mảng nghiệp vụ này đã mang lại nguồn thu cho các công ty chứng khoán, khi mảng môi giới vẫn còn sụt giảm. Trong quý I có 75% CTCK có lãi tự doanh, tốt hơn con số 58% quý IV/2022.

Trong đó, top dẫn đầu lãi tự doanh có nhiều cái tên quen thuộc như Chứng khoán SSI, Chứng khoán VNDirect, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS), Chứng khoán HSC … Tuy vậy, xuất hiện gương mặt mới là Chứng khoán VPBank, công ty chứng khoán do VPBank mua lại và tái cấu trúc trong năm 2022.

Cụ thể, Chứng khoán SSI (SSI) ghi nhận lãi FVPTL nhích nhẹ lên 614 tỷ đồng, song lãi từ cho vay và phải thu giảm phân nửa xuống còn chưa tới 340 tỷ đồng. Doanh thu môi giới cũng giảm sâu 57% xuống còn 257 tỷ đồng.

Trong danh mục, chiếm hơn 70% là số lượng cổ phiếu đầu tư, đặc biệt công ty đang ghi lãi nhờ khoản đầu tư vào SGN. Đây cũng là cổ phiếu chiếm tỉ trọng lớn nhất trong danh mục của SSI, đạt 407 tỷ đồng. Còn lại là chứng chỉ tiền gửi và trái phiếu chưa niêm yết.

Cùng có lãi tự doanh trong chính là Chứng khoán VNDirect (VND) với khoản lãi FVTPL đạt 302,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi tự doanh đạt tận 409 tỷ đồng. Ngoài tự doanh, việc phải chịu chi phí lãi vay tăng cao cũng gây áp lực cho doanh thu, lợi nhuận của VNDirect. Tại quý I/2023, VNDirect đã tăng tỉ trọng tài sản tài chính FVTPL thêm hơn 1.000 tỷ đồng, lên mức 20.039 tỷ đồng, chiếm 54% tổng tài sản.

Trong danh mục, VNDirect đang nắm giữ phần lớn là trái phiếu doanh nghiệp và chứng chỉ tiền gửi. Công ty không thuyết minh chi tiết về số cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết đang nắm giữ. Còn về phía danh mục cổ phiếu, chứng chỉ quỹ của công ty tăng nhẹ 15% ở thời điểm này lên 917 tỷ đồng.

Trong top 10 CTCK có lãi tự doanh lớn nhất quý I/2023, hầu hết đều nắm giữ tỉ trọng lớn trái phiếu. Đơn cử là Chứng khoán VPBank nắm giữ hơn 10.000 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết, chiếm 3% tổng giá trị danh mục.

Chứng khoán TP.HCM (HSC, HCM) nắm giữ hơn 1.200 tỷ đồng trái phiếu niêm yết, chiếm gần 84% tổng giá trị danh mục. Đối với mục cổ phiếu, các mã nổi bật mà HSC nắm giữ đều là cổ phiếu VN30 (FPT, VPB, MWG, TCB, ACB, PNJ,…).

Ngoài ra, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) còn có danh mục trái phiếu niêm yết gần 740 tỷ đồng của các doanh nghiệp như Du lịch Thành Thành Công, Masan Meatlife, Tập đoàn Vingroup, Vinhomes. Tại mục trái phiếu chưa niêm yết 6.560 tỷ đồng, chiếm hơn 75% giá trị danh mục của công ty cũng đều thuộc các doanh nghiệp lớn như CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Gòn và CTCP Sản xuất và Kinh doanh Vinfast.

Chứng khoán BIDV (BSC) hiện đang sở hữu gần 1.000 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết, Tuy nhiên, phần lớn trong số này đến từ trái phiếu tổ chức tín dụng. Ở danh mục cổ phiếu, DGC, STB, VIB là các mã chiếm tỉ trọng lớn trong danh mục của công ty.

Riêng Chứng khoán Thiên Việt (TVSI, TVS) còn hơn 600 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trong danh mục. Thêm vào đó, công ty cũng giữ những cổ phiếu nổi bật với tỉ trọng lớn mang lại lãi tự doanh trong thời gian qua như HPG, ACB, VPB, MBB.

Ngược chiều xu hướng, Chứng khoán Ngân hàng Ngoại Thương (VCBS) lại để tỉ trọng lớn trong danh mục tự doanh ở hợp đồng tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi, chiếm hơn 70% tổng giá trị danh mục, đạt 2.795 tỷ đồng. Danh mục tự doanh của Chứng khoán ACB (ACBS) cũng ghi nhận toàn bộ đầu tư vào cổ phiếu, tuy nhiên công ty đang lỗ gần 20% so với giá gốc.

Xếp vị trí thứ 10, Chứng khoán Rồng Việt (VDS) có danh mục tự doanh với phần lớn là cổ phiếu đầu tư, kể đến những mã nổi bật như là DBC, ACB, TCB, CTG, QNS. Ngoài ra, công ty vẫn nắm hơn 507 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.

Theo Người đưa tin

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/thi-truong-hoi-phuc-tu-doanh-cua-cong-ty-chung-khoan-da-co-lai-a608619.html

Bạn đang đọc bài viết Thị trường hồi phục, tự doanh của công ty chứng khoán đã có lãi tại chuyên mục Cần biết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Cần biết