Trong BCTC mới nhất được công bố của VietABank (mã: VABANK), hoạt động dịch vụ của VietABank cũng lỗ thuần thêm 13 tỷ đồng, cao gần gấp đôi mức lỗ của năm trước. Mua bán chứng khoán đầu tư cũng suy giảm 20% xuống còn hơn 2 tỷ đồng. Đổi lại, hoạt động kinh doanh ngoại hối đã thoát lỗ từ 978 triệu sang có lãi gần 10 tỷ đồng. Đặc biệt, lãi thuần từ hoạt động khác đột biến tới 221 tỷ đồng, tương ứng tăng vọt 208%.

Do đó, dù chi phí hoạt động ngốn hơn 601 tỷ đồng (tăng gần 7%) và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 338 tỷ (giảm 27%) nhưng Việt Á vẫn lãi ròng 244 tỷ đồng, tăng mạnh 106% so với năm 2018.

Quý 4, lợi nhuận sau thuế của Việt Á đóng góp gần 107 tỷ đồng, khả quan hơn mức lỗ hơn 4 tỷ của cùng kỳ 2018. Năm 2019 Việt Á đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 281 tỷ đồng, như vậy với kết quả 302 tỷ đồng thì nhà băng này đã vượt 8% chỉ tiêu đề ra.

Tài sản của Ngân hàng Việt Á tại thời điểm cuối năm 2019 tăng nhẹ hơn 7% lên mức 76.474 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng khả quan 12,42% khi đạt 42.625 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng cũng tăng 14,65% với 47.428 tỷ đồng.

Việt Á không công bố đầy đủ phần thuyết minh báo cáo tài chính nên không rõ tình hình nợ xấu của nhà băng này như thế nào. nhưng dựa vào chi phí dự phòng rủi ro tín tụng, có thể dự báo, nợ xấu tại ngân hàng này là con số không hề nhỏ.

Bên cạnh đó, thị giá cổ phiếu VABANK của VietA Bank lại khiến nhiều người bất ngờ. Trong những ngày đầu năm 2020, giá chào bán và chào mua VABANK chỉ phổ biến ở mức…2.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn tới 80% so với mệnh giá.

Hồi tháng 8/2019, thị giá của VABANK vẫn phổ biến ở mức 3.500 đồng/cổ phiếu. Như vậy, chỉ sau chưa đầy nửa năm, thị giá VABANK đã giảm 1.500 đồng/cổ phiếu, tương đương 43%.

Dù hiện tại, trên thị trường OTC có rất nhiều cổ phiếu ngân hàng có thị giá dưới 10.000 đồng/cổ phiếu như ABBANK của Ngân hàng TMCP An Bình (9.000 đồng/cổ phiếu), MSBANK của Ngân hàng TMCP Hàng Hải (9.800 đồng/cổ phiếu),… thì VABANK vẫn đứng ở vị trí quán quân về… thị giá thấp.

Ông Phương Hữu Việt, Chủ tịch Việt Á Bank

Không khó để có thể hiểu, nhà đầu tư không mặn mà với cổ phiếu này vì hoạt động của VietA Bank có nhiều vấn đề phải bàn.

Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) ra đời từ năm 2003 trên cơ sở hợp nhất Công ty Tài chính cổ phần Sài Gòn và Ngân hàng TMCP Nông thôn Đà Nẵng. Ngày mới thành lập, VietABank có vốn điều lệ hơn 76 tỷ đồng, cổ đông sáng lập nắm cổ phần lớn nhất là Ban Tài chính Thành ủy TP.HCM với tỷ lệ 29,8%.

Cổ đông lớn là CTCP Tập đoàn đầu tư Việt Phương do ông Phương Hữu Việt là Chủ tịch HĐQT. Vợ con ông không thấy có tên trong danh sách sở hữu cổ phần nhưng người cháu gái là Phương Thanh Nhung, từng là Tổng giám đốc và Phó chủ tịch HĐQT thì sở hữu hơn 4% vốn của ngân hàng, cùng với chồng của chị Nhung là Trần Việt Anh cũng có lượng cổ phiếu VietABank không nhỏ là 2.15%.

Ông Việt đầu tư vào VietABank từ tháng 8/2011 với tỷ lệ sở hữu gồm cả cá nhân và đại diện cho cổ đông sở hữu là 15,37% cổ phần của VietABank, vợ chồng cháu gái ông Việt sở hữu 6,17% cổ phần VietABank. Từ tháng 8/2011 đến nay, ông giữ chức Chủ tịch HĐQT VietABank.