Hà Nội, Thứ Năm Ngày 25/04/2024

Cổ phiếu lẹt đẹt, dự án tai tiếng về môi trường của tập đoàn CEO

Theo ĐTVN 14:29 05/02/2020

Tập đoàn C.E.O báo biên lãi gộp giảm mạnh quý 4/2019, cổ phiếu vẫn sụt

Cố phiếu mua được 2 cốc trà đá
Tuy tình hình kinh doanh trong năm 2019 có khả quan nhưng cổ phiếu CEO của Tập đoàn C.E.O đang ngập trong sắc đỏ, giảm hơn 28% trong vòng 1 năm qua.
CTCP Tập đoàn C.E.O (HNX: CEO) ghi nhận gần 1.384 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 94% so cùng kỳ. Trong đó, riêng doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.204 tỷ đồng, chiếm 87% tổng doanh thu.

Do giá vốn hàng bán tăng khá mạnh đến 127%, chiếm 1.025 tỷ đồng nên lãi gộp chỉ còn tăng 37%, đến 359 tỷ đồng. Biên lãi gộp cũng giảm mạnh từ 37% của quý 4/2018 về còn 26% của quý 4/2019.

Sau khi khấu trừ chi phí và thuế, lãi ròng của CEO trong kỳ đạt gần 112 tỷ đồng, tăng 64% so với quý 4/2018.

Lũy kế cả năm 2019, Công ty báo doanh thu thuần tăng gấp đôi lên 4.550 tỷ đồng và vượt 42% kế hoạch năm. Biên lãi gộp cũng giảm còn 32% từ mức 38% của năm 2018.

Lãi sau thuế của Công ty đạt hơn 607 tỷ đồng, tăng 63% so với năm 2018 và vượt 37% kế hoạch được giao. Lãi ròng đạt đến 448 tỷ đồng, gấp đôi so năm trước.

Tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản Công ty đạt 8.037 tỷ đồng, giảm nhẹ 5% so với con số đầu năm. Trong đó hàng tồn kho giảm hơn 50% về còn 1.021 tỷ đồng do giá trị chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.

Các khoản phải thu ngắn hạn cũng giảm 35% so với đầu năm, xuống còn hơn 1.013 tỷ đồng. Trong đó, phải thu ngắn hạn của khách hàng đạt hơn 625 tỷ đồng.

Khoản phải thu lớn nhất của CEO là từ Công ty TNHH MTV Đầu tư Trang Nguyễn PQ hơn 41 tỷ đồng và CTCP đầu tư và phát triển Đô Thị Xanh gần 37 tỷ đồng.

Khoản nợ phải trả của Công ty tại thời điểm cuối năm giảm 27% so đầu năm nhưng vay nợ tài chính ngắn hạn và dài hạn tăng lần lượt 10% và 74%, chiếm 1.070 tỷ đồng và 1.270 tỷ đồng.

Ngược lại với kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2019, thị giá cổ phiếu CEO lại giảm 28% qua 1 năm trở lại đây. Hiện tại, giá cổ phiếu CEO đang giao dịch quanh mức 8.200 đồng/cp. Tờ Vietnamdaily phân tích.

Hoạt động kinh doanh gây ô nhiễm môi trường

Dư luận đang rất quan tâm theo dõi về quá trình triển khai san lấp mặt bằng, hút cát lấn biển để làm dự án bất động sản của Tập đoàn CEO ở khu vực di sản thiên nhiên thế giới vịnh Bái Tử Long. Theo giới thiệu, đây là Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City được giao cho Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển du lịch Vân Đồn – một thành viên của Tập đoàn CEO triển khai. Tổng quy mô đầu tư của dự án lên tới 5000 tỉ đồng.

Trước đó, ngày 11/4/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long đã ký ban hành Quyết định 1138/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City có ranh giới bao trùm ranh giới quy hoạch chi tiết khu du lịch sinh thái Bái Tử Long đã được UBND tỉnh này phê duyệt trực tiếp tại bản vẽ quy hoạch chi tiết dự án ngày 7/4/2004 và ngày 1/2/2005. Dự án khu du lịch sinh thái Bái Tử Long được tỉnh chấp thuận đầu tư từ năm 2007 và do Công ty TNHH Công nghệ Việt Mỹ triển khai trên diện tích 100ha. Nhưng sau 8 năm triển khai ì ạch, Công ty TNHH Công nghệ Việt Mỹ đã chuyển nhượng đất dự án và tài sản gắn liền với đất cho Công ty Bảo Nguyên. Sau đó, Công ty Bảo Nguyên đã xin chấm dứt đầu tư và chuyển nhượng lại toàn bộ dự án này cho Tập đoàn CEO đầu tư.

Sau khi thâu tóm thành công quỹ đất biển 100ha, Tập đoàn CEO đã tiếp tục xin tỉnh Quảng Ninh tăng quy mô đất làm dự án lên tới 358,35ha với định hướng phát triển khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản và đô thị nhà ở.

Do đó, Quyết định 1138/QĐ-UBND của tỉnh Quảng Ninh ban hành ngày 11/4/2018 là bước tiếp theo phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City – được mở rộng quy mô gấp 3,5 lần so với diện tích đất nghiên cứu của chủ dự án cũ đã bị chậm tiến độ chục năm qua.

Theo quy định, UBND tỉnh Quảng Ninh phải công bố Quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City trên cổng thông tin điện tử của tỉnh này để nhà đầu tư và người dân trong phạm vi ảnh hưởng của dự án được biết.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, Quyết định 1138/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án này đăng trên cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh có dường như đã “biến mất”, không thể tìm thấy?

Tương tự, Quyết định số 3026/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành ngày 8/8/2018 về việc cho thuê đất tại dự án Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City - Phân khu 1 cũng không thể tìm thấy trên hệ thống dữ liệu công bố thông tin công khai của tỉnh Quảng Ninh.

Được biết, theo phê duyệt, dự án Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City – Phân khu 1 có diện tích đất ở liền kề (shophouse) là 25.560m2; đất cây xanh công viên 13.672m2; đất thuê để xây khách sạn, căn hộ nghỉ dưỡng 195.442m2.

Đáng chú ý, tỉnh Quảng Ninh cũng đồng ý giao cho Tập đoàn CEO một phần đất thuê để xây biệt thự không hình thành đơn vị ở là 285.541m2; đất thuê là hạ tầng giao thông hơn 34.000m2… Việc cho doanh nghiệp thuê đất theo hình thức là “đất ở không hình thành đơn vị ở” của Quảng Ninh cũng là một “sáng tạo” như ở tỉnh Khánh Hoà đã cấp đất cho nhiều dự án bất động sản, nhưng đã bị cơ quan có thẩm quyền “tuýt còi” do không nằm trong Luật Đất đai. Kinh tế môi trường thông tin.

Trong khi thông tin các văn bản pháp lý về quy hoạch dự án và Báo cáo đánh giá tác môi trường của dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City vẫn còn “tù mù” thì trên công trường, chủ đầu tư vẫn thi công rầm rộ, lấy đất rừng, hút cát, san lấn biển tại khu vực vịnh Bái Tử Long để tạo mặt bằng xây dựng các công trình biệt thự, nhà phố, khách sạn, bến du thuyền… Hoạt động khai thác đất đỏ lấp biển cũng như hút cát trắng để bồi đắp ra vịnh Bái Tử Long của CEO Group đang gây lo ngại về môi trường biển sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đến đầu năm 2019, tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định thu hồi 178.913m2 đất mặt nước, bãi triều do UBND xã Hạ Long, huyện Vân Đồn quản lý (đã hoàn thành xong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) cho Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển du lịch Vân Đồn thuê bổ sung để triển khai Phân khu 1 của dự án. Hình thức thuê đất là trả tiền một lần cho cả thời gian thuê đất.

Bạn đang đọc bài viết Cổ phiếu lẹt đẹt, dự án tai tiếng về môi trường của tập đoàn CEO tại chuyên mục Chứng khoán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Chứng khoán