Kết phiên giao dịch chứng khoán ngày 18/5, giá cổ phiếu CTD của CTCP Xây dựng Coteccons tạm dừng ở mức 54.500 đồng. Trong vòng một tuần qua, giá cổ phiếu CTD giảm gần 8%, còn trong vòng một tháng qua, giá cổ phiếu CTD giảm gần 20%. Đây là những con số khiến nhiều cổ đông của công ty lo ngại.
Đà giảm của cổ phiếu CTD diễn ra trong bối cảnh biên lợi nhuân của công ty giảm. Trong Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) CTCP Xây dựng Coteccons năm 2021 hồi tháng 4, bà Cao Thị Mai Lê, Kế toán trưởng của Cotecocns đã tiết lộ về kết quả kinh doanh quý I với doanh thu hợp nhất 2.569 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 54,5 tỷ đồng; giảm lần lượt 28% và 56% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ quý II/2013 tới nay.
Năm 2021, Coteccons lên kế hoạch 17.413 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, 340 tỷ đồng lãi sau thuế. So với kế hoạch Coteccons đã thực hiện15% mục tiêu doanh thu và 16% lợi nhuận năm. Theo số liệu trên báo cáo tài chính, biên lợi nhuận gộp quý I chỉ đạt gần 4,7% trong khi ba quý liền trước biên lợi nhuận gộp của Coteccons đều duy trì ở ngưỡng 6,1%. Biên lợi nhuận gộp quý I cũng giảm so với mức gần 5,5% của quý I/2020.
Biên lợi nhuận gộp của Coteccons xuống thấp trong bối cảnh giá thép tăng phi mã. Khoảng giữa tháng 4 vừa qua, Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cầu cứu với chính phủ do đà tăng chóng mặt của giá thép xây dựng.
Giá cổ phiếu của CTCP Xây dựng Coteccons giảm. |
VACC cho rằng các nhà thầu xây dựng Việt Nam đang đối mặt vô số khó khăn nan giải vì các chủ đầu tư không phải vốn nhà nước đa số đều sử dụng loại hợp đồng có giá trị cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký (trừ trường hợp bất khả kháng) nên các nhà thầu phải tự giải quyết sự thâm hụt lớn.
"Còn các dự án đầu tư vốn ngân sách lại phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của các Sở Xây dựng, mà các thông báo ấy không cập nhật biến động giá kịp thời nên các nhà thầu cũng phải tự xử lý phần biến động", VACC giải thích.
Ông Trần Trí Gia Nguyễn (Michael Trần), Phó Tổng giám đốc Coteccons, thừa nhận trong đại hội cổ đông rằng giá vật liệu tăng đã ảnh hưởng tới công ty. Theo ông, giá thép đang tăng rất cao nhưng đây là khó khăn chung.
"Chúng tôi luôn có những giá tốt do có nhà thầu phụ, nhà cung cấp và chúng tôi giữ giá cho vài sản phẩm lớn có thể kéo dài", ông Michael Trần phát biểu.
Về tình hình tài chính, đến ngày 31/3, tổng tài sản của Coteccons đạt 13.082 tỷ đồng, giảm 1.075 tỷ đồng so với đầu năm.
Lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn của Coteccons cuối kỳ là 3.251 tỷ đồng, tương đương so với đầu năm.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Coteccons tiếp tục âm trong quý I với con số âm 184 tỷ đồng và đã bắt đầu âm kể từ năm 2018 tới nay.
Ngay trong quý I Coteccons đã sử dụng đòn bẩy khi vay gần 339 tỷ đồng, song đã tất toán ngay trong kỳ. Trên bảng cân đối kế toán, đầu và cuối kỳ, nợ của Coteccons vẫn sạch song con số nợ vay chỉ thể hiện trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
Dấu hiệu ấy càng rõ ràng hơn khi quý I chi phí tài chính của Coteccons đạt 993 triệu đồng do khoản chi phí lãi vay gần 777 triệu đồng trong khi khoản đó không xuất hiện trong các kỳ trước.
Theo Tài chính Doanh nghiệp